Tin nóng hôm nay: Giá vàng tiến gần 102 triệu đồng/lượng; Tháo gỡ vướng mắc cho 1.500 dự án; Thành lập quỹ nhà ở quốc gia
Giá vàng tiếp tục nhảy múa tăng vượt dự báo là thông tin thu hút chú ý hôm nay (31-3); Đề xuất miễn thuế đơn hàng thương mại điện tử dưới một triêu đồng và lập quỹ nhà ở quốc gia cũng là các chủ đề được nhiều bạn đọc quan tâm.
Giá vàng lại lập kỷ lục mới, vượt qua mọi dự báo
Giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục tăng vọt trong ngày 31-3, vượt xa các dự báo. Sáng 31-3, tại Công ty SJC, giá vàng nhẫn 9999 và vàng miếng SJC đều tăng thêm 600.000 đồng/lượng, lên mức 101,6 triệu đồng/lượng cho chiều bán ra. Giá vàng miếng SJC có thời điêmt đã tiến gần đến mức 102 triệu đồng/lượng. Giá mua vào cũng tăng đáng kể, lên đến 800.000 đồng/lượng, đạt mức 99,2 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước hiện đang cao hơn khoảng 5,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 3.100 đô la Mỹ/ounce, đạt mức 3.108 đô la/ounce vào lúc 11h30, tăng 23 đô la/ounce so với cuối tuần trước. Với mức cao kỷ lục này, nếu quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, vàng thế giới có giá 96,37 triệu đồng/lượng. Trong bốn phiên giao dịch gần nhất, giá vàng thế giới đã tăng tổng cộng 88 đô la/ounce.

Sáng 31-3, tại Công ty SJC, giá vàng nhẫn 9999 và vàng miếng SJC đều tăng thêm 600.000 đồng/lượng, lên mức 101,6 triệu đồng/lượng. Ảnh: Lê Vũ
Thúc đẩy thành lập quỹ nhà ở quốc gia
Bộ Xây dựng cho biết đang nghiên cứu, rà soát để đề xuất giải pháp thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, và đã giao đơn vị chuyên môn khẩn trương nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và rà soát các quy định pháp luật hiện hành. Quỹ nhà ở quốc gia là một giải pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình, đồng thời giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà giá rẻ tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.
Các mô hình quỹ phát triển nhà ở thành công trên thế giới như ở châu Âu, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc thường có khung pháp lý rõ ràng, huy động vốn đa dạng, quy hoạch quỹ đất và hạ tầng đồng bộ, quản trị minh bạch, giám sát chặt chẽ và được chính phủ bảo lãnh. Việc xây dựng mô hình Quỹ nhà ở quốc gia tại Việt Nam cần tính đến nhiều yếu tố về khung pháp lý, cấu trúc quản lý, nguồn vốn, cơ chế hỗ trợ tài chính, phối hợp công tư và cơ chế giám sát, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có thể chế, chính sách và điều kiện thị trường tương tự.

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để đề xuất giải pháp thành lập Quỹ nhà ở quốc gia. Ảnh: Minh Hoàng
Đề xuất miễn thuế đơn hàng thương mại điện tử dưới 1 triệu đồng
Bộ Tài chính đã đề xuất miễn thuế nhập khẩu đối với các đơn hàng có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được giao dịch qua thương mại điện tử. Đề xuất này nằm trong dự thảo nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử đang được lấy ý kiến góp ý. Nếu được thông qua, mức trị giá hàng hóa được miễn thuế sẽ giảm một nửa so với quy định hiện hành, từ 2 triệu đồng xuống còn 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ trốn thuế và gây thất thoát thu ngân sách nhà nước. Để đảm bảo không thất thu ngân sách, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất giảm mức miễn thuế nhập khẩu. Đồng thời, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng chính sách miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu này không quá 48 triệu đồng Việt Nam/năm.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định bãi bỏ miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử có trị giá từ 1 triệu đồng trở xuống, có hiệu lực từ ngày 18-2-2025 .
Phê duyệt dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương
Ngày 31-3, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư của dự án là 17.718 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 7.761 tỉ đồng (43,8% tổng mức đầu tư giai đoạn 1) và vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 9.957 tỉ đồng (56,2%).
Tổng chiều dài của tuyến đường cao tốc này khoảng 74 km, tốc độ thiết kế 100 km/h. Dự án cũng bao gồm việc xây dựng trạm dừng nghỉ hai bên tuyến cao tốc tại Km132 bên phải tuyến và Km135 bên trái tuyến với quy mô giai đoạn 1 khoảng 5 ha/trạm. Trạm dừng nghỉ sẽ được triển khai và hoàn thành đồng bộ với tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương để đảm bảo điều kiện vận hành của tuyến đường.
Cũng liên quan đến hạ tầng giao thông, Ban quản lý dự án 85 đã trình Bộ Xây dựng chủ trương đầu tư hoàn thiện ống hầm thứ 2 xuyên Núi Vung trên đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 1.200 tỉ đồng. Dự kiến, nguồn vốn để thực hiện dự án sẽ được lấy từ nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024, với thời gian thực hiện từ năm 2025 đến năm 2027.
Hầm Núi Vung có chiều dài 2,25 km, bao gồm hai ống hầm, mỗi ống có 3 làn xe và chiều rộng 14 m. Tuy nhiên, hiện tại chỉ mới có một ống hầm bên phải (hướng Bắc - Nam) được đầu tư và đưa vào khai thác, còn ống hầm bên trái chưa được đầu tư mặt đường bên trong gây tắc nghẽn giao thông vào các dịp lễ, Tết.

Chính phủ yêu cầu tháo gỡ vướng mắc cho hơn 1.500 dự án
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc cho hơn 1.500 dự án tồn đọng kéo dài theo hướng sai tới đâu xử lý đó, đồng thời không để tạo tiền lệ xấu. Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo về gỡ vướng cho các dự án hôm 30- 3, Bộ Tài chính cho biết có tổng cộng 1.533 dự án đang gặp khó khăn. Trong số này, có 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Các khó khăn chủ yếu mà các dự án này đang đối mặt liên quan đến nhiều vấn đề như xử lý tài sản công; quản lý, sử dụng và bố trí vốn đầu tư công; chuyển mục đích sử dụng đất; dừng, thu hồi và chấm dứt hoạt động dự án. Đối với các vướng mắc về mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần giải quyết dứt điểm, căn cứ theo quy định để hỗ trợ phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Đối với các dự án khó khăn nhưng chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh và không áp dụng được cơ chế đặc thù, Thủ tướng yêu cầu các bên nghiên cứu giải pháp và đề xuất Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị quyết xử lý những nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các dự án có vướng mắc để phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp phù hợp.