Tín ngưỡng dân gian trong đời sống cộng đồng người Hoa thị trấn Phú Lộc
Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu đời, cộng đồng người Hoa trên địa bàn thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) vẫn bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là về tín ngưỡng dân gian, thể hiện rõ qua các công trình kiến trúc chùa, miếu, phong tục tập quán, các hoạt động nghệ thuật, kinh doanh... Tín ngưỡng dân gian có vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Hoa và đóng góp cho sự phát triển chung của quê hương.
Trên địa bàn thị trấn Phú Lộc, thời gian qua, được sự quan tâm chăm lo của các cấp, các ngành, sự phấn đấu vươn lên của mỗi người dân, hầu hết đồng bào người Hoa đều có đời sống vật chất ngày càng nâng cao, chung sống hòa đồng, đoàn kết, có mối quan hệ mật thiết với các dân tộc anh em khác tại địa phương. Tại đây, người Hoa đã an cư lạc nghiệp; góp công, góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của người Hoa cũng không ngừng được nâng lên, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy, trong đó tín ngưỡng dân gian là một phần không thể thiếu. Cấu trúc hệ thống tín ngưỡng dân gian của người Hoa bao gồm: Ông Bổn, ông Quan Công, bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Âm Bồ Tát... Tín ngưỡng của người Hoa còn có sự giao thoa với các cộng đồng khác trên địa bàn.
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì tín ngưỡng dân gian cũng luôn có vai trò hết sức quan trọng trong các hoạt động của đời sống xã hội của người Hoa, góp phần vào các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Tô Thanh Quang - Trưởng Ban Quản trị Phước Đức Cổ Miếu (thị trấn Phú Lộc) chia sẻ: “Có thể coi tín ngưỡng dân gian là môi trường hình thành nhân cách và tâm lý, tô đẹp bản sắc văn hóa và con người; góp phần không nhỏ trong sự thành công trong việc kinh doanh, sản xuất của họ khi niềm tin vào thần linh được hình thành và củng cố. Từ đó, họ đề cao chữ tín, bởi vì nếu gian dối trong làm ăn là thất tín, là trái quan niệm đạo đức của thánh thần, sẽ bị trừng phạt. Bên cạnh đó, tín ngưỡng cũng là chỗ dựa để họ lấy lại niềm tin, gầy dựng lại cơ nghiệp một khi gặp thất bại trong kinh doanh, sản xuất. Tín ngưỡng dân gian đã góp phần giáo dục và định hướng nhân cách cho mọi người Hoa có được một nền tảng ý thức cộng đồng gia tộc, đồng hương và cộng đồng dân tộc gắn chặt, tinh thần đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng người Hoa và các cộng đồng khác, tạo nên những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của người Hoa nói riêng và quê hương Phú Lộc nói chung”.
Mặt khác, hệ thống tín ngưỡng thờ Chánh thần tạo cho người Hoa một niềm tin gia hộ, một lối sống lành mạnh và một hy vọng, chỗ dựa cao cả vào tương lai. Từ đó, việc duy trì, bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa trong tín ngưỡng dân gian được đồng bào người Hoa đặc biệt quan tâm gìn giữ. Đồng thời, được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, các ngành, thời gian qua trên địa bàn thị trấn đã tiến hành tôn tạo 3 ngôi cổ miếu thờ Phước Đức Chánh Thần (Ông Bổn) tại Ấp 1, ấp Phú Tân và ấp Rẫy Mới của thị trấn Phú Lộc. Đặc biệt, Phước Đức Cổ Miếu tọa lạc Ấp 1, thị trấn Phú Lộc đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đồng chí Tô Ngọc Đấu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Phú Lộc cho biết: “Người Hoa trên địa bàn thị trấn Phú Lộc đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, cũng như tăng cường tình đoàn kết với các cộng đồng khác, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tham gia tốt các phong trào tại địa phương, tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại thị trấn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn. Hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa luôn được quan tâm, hằng năm Mặt trận Tổ quốc thị trấn tạo điều kiện để ban trị sự các cơ sở thờ tự đăng ký tổ chức các hoạt động lễ hội, thờ cúng; lồng ghép tuyên truyền pháp luật tại các lễ hội; tăng cường tình đoàn kết dân tộc, hỗ trợ giúp đỡ nhau, cùng chung sức chung lòng xây dựng quê hương”.
Tín ngưỡng dân gian là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của người Hoa; là điểm tựa tinh thần trong lao động, sản xuất, xây dựng và phát triển cộng đồng; là chất keo kết dính các cá nhân trong cộng đồng. Cộng đồng người Hoa trên địa bàn thị trấn Phú Lộc luôn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong tín ngưỡng dân gian, đem tín ngưỡng phục vụ cộng đồng, đóng góp phát triển chung của quê hương, đất nước.