Tin mới về sắp xếp đơn vị hành chính ở Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp

Sau sắp xếp, Kiên Giang sẽ có 3 đặc khu, trong đó có đặc khu Phú Quốc; Cà Mau còn 39 đơn vị hành chính cấp xã, đều có tên gắn với địa phương, không còn đặt tên xã phường theo số; Đồng Tháp thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hợp nhất tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.

Kiên Giang có 3 đặc khu, trong đó có đặc khu Phú Quốc

Ngày 28/4, HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đã tổ chức kỳ họp thứ 33 (kỳ họp chuyên đề). Kỳ họp đã thông qua nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.

 Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang - Lâm Minh Thành phát biểu tại kỳ họp.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang - Lâm Minh Thành phát biểu tại kỳ họp.

Theo nghị quyết, tỉnh Kiên Giang hợp nhất với tỉnh An Giang, lấy tên tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới đặt tại TP Rạch Giá (Kiên Giang). Tỉnh mới có diện tích tự nhiên hơn 9.888 km², tổng dân số gần 5 triệu người, với 102 xã phường.

Các đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang cũng thống nhất phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, giảm từ 143 đơn vị còn 48 đơn vị cấp xã mới (gồm 41 xã, 4 phường và 3 đặc khu).

Đặc biệt, với phương án được thông qua, Kiên Giang chính thức có 3 đặc khu, gồm: Đặc khu Phú Quốc, đặc khu Thổ Châu và đặc khu Kiên Hải. Tổ chức bộ máy của các đặc khu này sẽ theo hướng dẫn của Trung ương.

 Các đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp

Các đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp

Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh Kiên Giang đã tiến hành biểu quyết miễn nhiệm 6 Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, gồm: Ông Phùng Quốc Bình - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (đã điều động giữ chức Bí thư Huyện ủy U Minh Thượng); Ông Hà Văn Thanh Khương - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng (đã điều động giữ chức Bí thư Huyện ủy Giang Thành); Ông Bùi Phước Châu - nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (đã điều động giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Rạch Giá); Ông Nguyễn Việt Thông - nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ (đã điều động giữ chức Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh); Ông Đặng Hồng Sơn - nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và ông Huỳnh Vĩnh Lạc - nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nghỉ hưu.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang - Lâm Minh Thành cho biết, kỳ họp đã thông qua 17 dự thảo nghị quyết quan trọng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai ngay các bước thực hiện, đặc biệt với nghị quyết về hợp nhất tỉnh An Giang và Kiên Giang, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

An Giang thông qua chủ trương sáp nhập với Kiên Giang

Ngày 28/4, tại kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh An Giang khóa X đã thống nhất thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập tỉnh An Giang với tỉnh Kiên Giang.

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh An Giang đã thông qua nghị quyết sắp xếp giảm từ 155 đơn vị cấp xã xuống còn 54 đơn vị cấp xã (gồm 10 phường, 44 xã).

 Ông Lê Văn Nưng - Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang phát biểu.

Ông Lê Văn Nưng - Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang phát biểu.

Các đại biểu cũng thông qua đề án hợp nhất tỉnh An Giang và Kiên Giang, lấy tên tên An Giang, với diện tích gần 9.889 km² và dân số khoảng 4,9 triệu người. Sau sáp nhập, toàn tỉnh sẽ có 102 đơn vị hành chính cấp cơ sở, gồm 85 xã, 14 phường và 3 đặc khu. Trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh đặt tại thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang hiện nay).

Các đại biểu HĐND tỉnh An Giang biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.

Các đại biểu HĐND tỉnh An Giang biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.

Ông Lê Văn Nưng - Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang đề nghị UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ các đề án trước ngày 1/5/2025, chuẩn bị sẵn sàng cho việc kết thúc hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện vào ngày 1/7/2025. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội sau khi đề án được Quốc hội phê duyệt.

Cà Mau không đặt tên xã bằng số sau sắp xếp, thống nhất hợp nhất tỉnh với Bạc Liêu

Ngày 28/4, HĐND tỉnh Cà Mau khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026 tổ chức kỳ họp 19 (chuyên đề). Kỳ họp đã thông Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

 Ông Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau phát biểu tại kỳ họp.

Ông Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau phát biểu tại kỳ họp.

Báo cáo trước HĐND, ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, qua lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, hơn 99% cử tri tham gia ý kiến đồng ý hợp nhất 2 tỉnh (chỉ có hơn 0,8% cử tri không đồng ý).

Sau khi có kết quả lấy ý kiến nhân dân, UBND tỉnh Cà Mau tổng hợp báo cáo, hoàn thiện đề án trình HĐND tỉnh xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo đó, sau hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, tỉnh mới sẽ lấy tên Cà Mau, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại Cà Mau hiện nay. Tỉnh mới diện tích tự nhiên hơn 7.942km2, tổng dân số hơn 2,6 triệu người.

Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Cà Mau, sau sắp xếp, tỉnh còn 39 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 35 xã và 4 phường). Tất cả đều có tên theo truyền thống, lịch sử, không đặt tên xã phường mới bằng số.

Về tài sản, hiện tỉnh Cà Mau có 1.630 trụ sở, sau sắp xếp tiếp tục sử dụng 1.531 trụ sở; dôi dư 99 trụ sở.

 Các đại biểu HĐND Cà Mau thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh.

Các đại biểu HĐND Cà Mau thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nói: "Ưu tiên đặt trụ sở xã phường mới tại các thị trấn, khu vực được quy hoạch phát triển đô thị, sử dụng hiệu quả nhất các công sở hiện có".

Đại biểu HĐND tỉnh Đồng Tháp tán thành chủ trương sắp xếp cấp xã còn 45 đơn vị

Theo đó, sau khi sắp xếp, tỉnh Đồng Tháp còn 45 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 7 phường, 38 xã, giảm 96 đơn vị).

 Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: V. Tiến

Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: V. Tiến

Các đại biểu HĐND tỉnh Đồng Tháp cũng biểu quyết tán thành chủ trương hợp nhất tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, lấy tên tỉnh Đồng Tháp, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại tỉnh Tiền Giang hiện nay.

Sau hợp nhất, tỉnh Đồng Tháp mới có diện tích tự nhiên trên 5.933km2, quy mô dân số hơn 4,2 triệu người.

Việc sáp nhập tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp giúp tăng cường hơn nữa thế mạnh của địa phương, tạo nên một hành lang kinh tế dọc sông Tiền trải dài từ khu vực biên giới đến biển Đông.

Nhật Huy - Tân Lộc - Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tin-moi-ve-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-o-ca-mau-kien-giang-dong-thap-post1737832.tpo
Zalo