Tin mới về Ngân hàng SCB; lỗ nặng vì mua vàng lấy vía Thần tài
Trình phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB; 'siêu dự án' đường sắt gần 195.000 tỷ; sớm nhất năm 2031 có điện hạt nhân; tuổi nghỉ hưu với cán bộ nữ; khách 'quay xe' với vàng ... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.
Thủ tướng: Khẩn trương trình phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB
Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh… các dự án, công trình trọng điểm; kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực rủi ro cao; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Chỉ thị nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thành phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, khẩn trương trình phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB.
Cũng trong chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương giám sát chặt chẽ, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng; khẩn trương tổng kết, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trình Chính phủ trong quý II.
Ngày vía Thần tài năm nay khách ‘quay xe’ với vàng
Sau vài tiếng giao dịch sáng 7/2, giá vàng trong nước bật tăng trở lại do nhu cầu khách mua ngày một tăng. Tuy nhiên, năm nay, điểm khác biệt lớn nhất là giá vàng quá cao và người dân mua số lượng ít một để lấy may trong ngày vía Thần tài.
Ghi nhận tại phố vàng Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), lượng khách giao dịch một vài cửa hàng đông hơn ngày hôm qua nhưng số lượng khách mua từ 1 đến vài chỉ vàng. Không xuất hiện khách mua vài chục lượng vàng như các năm trước.
Tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, chị Bích Phương (Tây Hồ, Hà Nội) sáng nay đi mua 2,5 chỉ vàng loại 0,5 chỉ/nhẫn cho biết: “Tôi mua cho tôi và cho người nhà mỗi người nửa chỉ làm may. Năm nay, giá cao quá nên tôi không có ý định mua nhiều”.
Lượng khách ra vào các cửa hàng vàng liên tục, tức họ đã định sẵn số lượng và chủng loại giao dịch nên mua bán rất nhanh.
Anh Nguyễn Thắng (Long Biên, Hà Nội) mua 3 chỉ vàng cho gia đình để lấy may. "Mọi năm tôi mua 1 lượng nhưng năm nay giá cao quá tôi mua ít hơn. Tôi mua tích lũy chứ không đầu tư".
Cũng trong sáng nay, các cửa hàng ghi nhận lượng khách bán ra thưa thớt do cửa hàng để mức chênh lệch mua vào - bán ra lớn nên nhà đầu tư "lướt sóng" không có lãi.
Thông tin 'siêu dự án' đường sắt gần 195.000 tỷ nối với Trung Quốc
Theo Chỉ thị số 03 ngày 4/2/2025, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương và cơ chế, chính sách đầu tư dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, diễn ra từ ngày 12-18/2; phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công dự án này trong năm 2025.
Tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng do liên danh tư vấn đứng đầu là Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đề xuất, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Lào Cai có tổng chiều dài khoảng hơn 403 km (tuyến chính dài hơn 388 km và 2 tuyến nhánh dài 15 km).
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là gần 195.000 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 8 tỷ USD), đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Dự án có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận thành phố Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, Hải Phòng.
Tuyến đường sắt sẽ có tốc độ thiết kế 160 km/h trên đoạn chính tuyến ga Lào Cai - ga cảng Lạch Huyện, 80 km/h cho đoạn Lào Cai - các đoạn tuyến nhánh, 120 km/h đối với đoạn đi qua Hà Nội và đi trùng với đường sắt vành đai phía Đông.
Bộ Công Thương: Sớm nhất năm 2031 có điện hạt nhân
Bộ Công Thương công bố dự thảo lấy ý kiến về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh).
Tại dự thảo điều chỉnh lần này, Bộ Công Thương đưa ra 3 kịch bản về nhu cầu điện tương ứng với các kịch bản tăng trưởng kinh tế.
Kịch bản thấp: Nhu cầu điện đến năm 2030 là 452 tỷ kWh; năm 2035 là 611,2 tỷ kWh.
Kịch bản cơ sở: Đến năm 2030 là 500,3 tỷ kWh; năm 2035 là 711,1 tỷ kWh.
Kịch bản cao: Đến năm 2030 là 557,7 tỷ kWh, năm 2035 là 856,2 tỷ kWh.
Với các kịch bản trên, Bộ Công Thương đề xuất 2 kịch bản chính để tính toán phát triển nguồn và lưới điện.
Kịch bản 1: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I (2x1200MW) được đưa vào vận hành giai đoạn 2031-2035, Ninh Thuận II (2x1200MW) vận hành giai đoạn 2036-2040. Cùng với đó, 3 nhà máy LNG chưa xác định chủ đầu tư vận hành sau năm 2030, khí Cá Voi Xanh dự kiến đưa vào bờ giai đoạn 2031-2035, không phát triển mới nguồn LNG, nhập khẩu Trung Quốc tăng thêm 300 MW.
Với kịch bản này, Bộ Công Thương đánh giá do các nguồn điện tua bin khí hỗn hợp vào vận hành ở các năm cuối giai đoạn và nhiều nguồn bị chậm nên để cấp điện cho các năm 2026-2029, cần đẩy sớm đầu tư thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, pin tích năng và nguồn nhiệt điện linh hoạt so với Quy hoạch điện VIII. Quy mô nguồn điện nhập khẩu Lào sẽ tăng từ 4 GW lên 6 GW năm 2030, chủ yếu nằm ở các dự án nhập khẩu về Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ở kịch bản 2: Hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận vận hành giai đoạn 2031-2035; đồng thời toàn bộ 14 nhà máy LNG vận hành giai đoạn 2026-2030, khí Cá Voi Xanh dự kiến đưa vào bờ giai đoạn 2031-2035, cho phép phát triển mới nguồn LNG từ năm 2030 và nhập khẩu Trung Quốc tương tự kịch bản 1.
Trong trường hợp này, Bộ Công Thương tính toán cần đầu tư thêm 30 GW điện mặt trời, 5,7 GW thủy điện vừa và nhỏ, 6 GW điện gió trên bờ, 12,5 GW nguồn pin tích năng, 2,7 GW nguồn nhiệt điện linh hoạt, 1,4 GW nguồn sinh khối, rác và năng lượng tái tạo khác. Ngoài ra nhập khẩu Trung Quốc tăng 3 GW, quy mô nguồn điện nhập khẩu Lào sẽ tăng từ 4,3 GW lên 6,8 GW năm 2030.
Bộ Lao động thông tin về tuổi nghỉ hưu với cán bộ nữ
Cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị xem xét điều chỉnh hạ độ tuổi được nghỉ hưu cho nữ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước xuống còn 55 tuổi. Theo cử tri, việc này sẽ phù hợp với tình hình sức khỏe và đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho các sinh viên mới ra trường có việc làm.
Trả lời cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, chế độ hưu trí là một trong các chế độ của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hằng tháng cho người lao động khi về già (đến tuổi nghỉ hưu).
Theo quy định của pháp luật về BHXH, để được hưởng lương hưu hằng tháng, người lao động phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH.
Lý do là nhằm đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ BHXH của người lao động, từ đó đảm bảo sự cân đối và bền vững lâu dài của quỹ BHXH.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 28/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Thể chế hóa chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết 28, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó điều 169 và điều 219 quy định về tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận, đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt liên quan.
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ mà được điều chỉnh theo lộ trình. Theo đó, mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Tập đoàn của nữ đại gia vừa bị bắt nợ hơn 1.000 tỷ đồng thuế
Cục Thuế tỉnh Nghệ An vừa công khai danh sách người nộp thuế, nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Cụ thể, tính đến thời điểm 23/1/2025, còn 54 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước với tổng số tiền hơn 1.277 tỉ đồng.
Trong số 54 doanh nghiệp nợ thuế này dẫn đầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (Địa chỉ số 2A, đường Lê Mao, TP. Vinh, Nghệ An) đang nợ thuế hơn 1.074 tỉ đồng. Đứng thứ 2 là Công ty CP 482 (có trụ sở tại phường Hà Huy Tập, TP. Vinh) đang nợ hơn 27 tỉ đồng. Công ty TNHH Xuân Quỳnh (địa chỉ tại phường Quỳnh Xuân, TX. Hoàng Mai) đứng thứ 3 danh sách nợ thuế với số tiền hơn 22 tỉ đồng.
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức được thành lập và hoạt động từ năm 2001. Thiên Minh Đức có vốn điều lệ 2.022 tỷ đồng. Bà Chu Thị Thành nắm cổ phần chi phối với 77,15%
Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (công bố ngày 4/1/2024), Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường (BVMT) lần đầu và hàng tháng sai, thiếu thuế bảo vệ môi trường; không kê khai thuế và kê khai không trung thực số tiền thuế môi trường phải nộp.
Do đó, từ năm 2018 đến hết năm 2021, tổng số tiền thuế BVMT kê khai lần đầu và tổng số tiền thuế BVMT kê khai lại tăng thêm là 3.287 tỷ đồng.
Dù còn nợ ngân sách tiền thuế BVMT nhưng Thiên Minh Đức cho ông Chu Đăng Khoa (thường được gọi là đại gia kim cương) - Phó Tổng Giám đốc và bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT - mượn số tiền 7.485 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, 2 cá nhân nêu trên còn nợ công ty tổng số tiền là 1.396 tỷ đồng.
Ngày 17/1 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Tham ô tài sản; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" xảy ra tại Tập đoàn Thiên Minh Đức và các đơn vị có liên quan; đồng thời khởi tố đối với 7 bị can. Trong đó, công an bắt tạm giam bà Chu Thị Thành và 4 thuộc cấp khác.