Tín hiệu vui từ hoạt động xuất, nhập khẩu
Tác động tích cực từ thị trường quốc tế, các chính sách đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu đã tạo được lợi thế riêng của DN Huế trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Thu ngân sách trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu bằng 177,26% dự toán
Hoạt động xuất, nhập khẩu đang ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo việc làm cho người dân địa phương. Sau khi Nghị quyết số 38 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế có hiệu lực, hoạt động xuất, nhập khẩu lại càng khẳng định được vị thế. Theo nghị quyết này, hằng năm, ngân sách trung ương sẽ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với dự toán giao để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương. Điều này đồng nghĩa, hoạt động xuất, nhập khẩu tăng trưởng cũng sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư hạ tầng địa phương.
Đó cũng là một trong những động lực thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu tăng trưởng tốt trong 2 năm trở lại đây.
Chỉ tính trong 11 tháng đầu đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.125,6 triệu USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Các sản phẩm hàng may mặc; gỗ và sản phẩm gỗ; cao su; xơ, sợi, dệt các loại; thủy sản vẫn là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước cũng tăng 50,9% so với cùng kỳ, tương đương đạt 938,1 triệu USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu chính như: Nguyên, phụ liệu dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; linh kiện phụ tùng ô tô…
Lĩnh vực xuất, nhập khẩu tăng trưởng đã góp phần tăng thu ngân sách trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Năm 2023, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 630 tỷ đồng, vượt 13,5% dự toán thì trong 11 tháng đầu năm, thu ngân sách lĩnh vực này đã đạt 1.099 tỷ đồng, bằng 177,26% dự toán, bằng 159,28% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 86,9% so với cùng kỳ. Như vậy, ngân sách tỉnh sẽ có thêm nguồn lực không nhỏ đầu tư cho hạ tầng trong năm tới.
Thu hút FDI kéo đầu tàu xuất khẩu
Hoạt động xuất, nhập khẩu có những bước tăng trưởng phần nào phản ánh hiệu quả tích cực từ việc khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do FTA. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ DN địa phương tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các nhà cung ứng, nhà phân phối quốc tế và nhập khẩu nước ngoài trực tiếp và trực tuyến cũng góp phần quan trọng để lĩnh vực xuất khẩu đạt tăng trưởng tốt.
Đại diện Công ty CP Đầu tư Dệt may Phú Hòa An chia sẻ, trong 2 năm 2022- 2023 hoạt động xuất khẩu của DN gặp không ít khó khăn. Song qua năm 2024, các đơn hàng dần dần được cải thiện. Cùng với những khởi sắc của thị trường, các chính sách về thuế, các thủ tục liên quan cũng hỗ trợ rất tốt cho DN, góp phần giảm bớt các gánh nặng, nhất là chính sách liên quan đến tài chính.
Bên cạnh đó, chính sách thí điểm hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây của tỉnh cũng có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa, xuất, nhập khẩu.
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 2 năm triển khai chính sách này, cảng Chân Mây đã đón tổng cộng 104 chuyến tàu vận chuyển container với sản lượng 10.591 TEUS (tương đương với 158.865 tấn hàng hóa), trong đó có 61 chuyến tàu đủ điều kiện hỗ trợ với số tiền đã chi trả 12,81 tỷ đồng. Đối với chính sách hỗ trợ cho các DN, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây đã chi trả hỗ trợ 1,814 tỷ đồng.
Không thể phủ nhận, các chính sách này đã hỗ trợ đắc lực cho DN hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên nhìn trong mối tương quan chung với nhiều địa phương trong khu vực, các lợi thế trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Ông Trần Văn Mỹ - Tổng Giám đốc Trung tâm quản lý miền Trung Tập đoàn Scavi - Chủ tịch CLB FDI Huế cho rằng, Thừa Thiên Huế cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển cảng biển kết nối với nhiều tuyến đường vận chuyển quốc tế hơn và tần suất vận chuyển cao hơn nhằm tạo sự thuận tiện và hạ chi phí vận tải trong xuất khẩu. Tập trung phát triển dịch vụ logistics với chi phí hợp lý nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, đủ cạnh tranh với các cảng trong nước và ngoài nước để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Tỉnh cũng cần hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành nhằm tạo sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau; quan tâm cải cách các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thông quan hàng hóa nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ DN, tỉnh đang ưu tiên thu hút những ngành có vai trò động lực, đột phá và lan tỏa vào địa bàn các KKT, CN của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất sạch có quy mô lớn để chủ động thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; thu hút đầu tư hạ tầng kết nối, logistics… Từ đó, thu hút các DN FDI về Huế đầu tư nhằm tạo sự chuyển biến toàn diện trong tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao năng lực sản xuất…