Tín hiệu tích cực trong phòng chống sốt xuất huyết
Vắc xin sốt xuất huyết của Takeda là vắc xin đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam. Đây được xem là một công cụ trong chiến lược phòng chống sốt xuất huyết.
Bác sĩ Derek Wallace, Chủ tịch toàn cầu vắc xin Takeda, và ông Dion Warren, Tổng giám đốc phụ trách khu vực Ấn Độ - Đông Nam Á (I-SEA) Takeda vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, hỗ trợ các hoạt động triển khai vắc xin sốt xuất huyết (SXH) của Takeda tại thị trường Việt Nam.
Trước đó, ngày 10/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép cho TAK-003-vắc xin SXH được nghiên cứu và sản xuất bởi Công ty Dược phẩm Takeda Nhật Bản. TAK-003 là vắc xin sống giảm động lực chứa các phiên bản yếu của 4 loại huyết thanh virus gây bệnh SXH. WHO khuyến cáo dùng TAK-003 cho trẻ em từ 6-16 tuổi, là những đối tượng nguy cơ cao bị lây nhiễm SXH. Vắc xin được dùng 2 liều cách nhau 3 tháng. TAK-003 là vắc xin thứ hai được WHO cấp phép sử dụng phòng chống SXH, sau vắc xin CYD-TDV của Công ty Sanofi Pasteur.
Việc đưa vắc xin TAK-003 vào sử dụng đánh dấu nhân loại có thêm một vũ khí đặc hiệu trong phòng chống SXH, một dịch bệnh nguy hiểm đang đe dọa sức khỏe của hàng chục triệu người trên thế giới.
SXH là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus gây ra. Bệnh được phát hiện lần đầu vào những năm 50 của thế kỷ trước. Qua hơn 70 năm, SXH gây ra nhiều vụ dịch lớn với hàng triệu người mắc; hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tử vong trên phạm vi toàn cầu. Dịch SXH hay bùng phát ở châu Á, châu Phi và một số quốc gia ở Nam Mỹ. Tuy nhiên trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, dịch bệnh có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu nếu có tác nhân gây bệnh (virus SXH ở người bệnh hay người lành mang virus), trung gian truyền bệnh (muỗi Aedes) và khối cảm nhiễm (người lành). Tại Việt Nam cũng như tại các quốc gia Đông Nam Á khác, dịch SXH xảy ra hằng năm và có tính chu kỳ: 3-4 năm bùng phát dịch lớn. Trải qua hơn 70 năm kể từ khi phát hiện bệnh, đến nay khoa học đã hiểu rất rõ về dịch bệnh nguy hiểm này và đã đề ra các biện pháp phòng bệnh.
Virus gây bệnh SXH có 4 typ huyết thanh (serotype) gọi là D.I, D.II, D.III và D.IV. Trước đây mỗi typ thường gây bệnh cho những lứa tuổi khác nhau, nhưng gần đây cả 4 typ có thể gây bệnh cho tất cả các lứa tuổi. Mặc dù khi bị SXH sẽ có miễn dịch trọn đời, nhưng virus SXH có 4 typ khác nhau nên mỗi người có thể mắc 4 lần SXH trong cuộc đời.
Virus SXH (Dengue virus) do muỗi Aedes truyền từ người bệnh sang người lành qua vết đốt của nó. Muỗi Aedes có 2 loại là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là Aedes aegypti. Muỗi Aedes aegypti đẻ trứng ở bất kỳ nơi nào có chứa nước, từ trứng đến muỗi trưởng thành chỉ từ 8-10 ngày; muỗi trưởng thành có thể di chuyển trong bán kính 200m kể từ ổ lăng quăng. Như vậy, phải loại bỏ những đồ vật có thể chứa nước để loại bỏ khả năng đẻ trứng của muỗi và việc diệt muỗi phải thực hiện trong bán kính 200m kể từ nơi phát hiện ổ lăng quăng.
Các biện pháp phòng bệnh SXH gồm diệt lăng quăng, diệt muỗi, không để muỗi đốt, tạo được miễn dịch cho cơ thể bằng cách dùng vắc xin.
Trong khi chờ đợi biện pháp phòng bệnh SXH bằng vắc xin được phổ biến thì các biện pháp phòng chống SXH khác như diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi, không để muỗi đốt, bảo vệ người lành... cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục một cách nghiêm túc.
Tại Phú Yên, tính đến tuần 38/2024, toàn tỉnh ghi nhận 1.447 ca mắc SXH và 1 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh SXH tạm ổn định; so với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc không có sự chênh lệch nhiều.