Tín hiệu mới từ Damascus
Chuyến thăm UAE của Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa mang nhiều tầng ý nghĩa, không chỉ đối với Syria mà còn với cục diện khu vực. Một Syria mới đang dần định hình, song hành trình tái hòa nhập vẫn đầy thách thức.

Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Abu Dhabi, ngày 13/4. (Nguồn: Reuters)
Nhiều tầng ý nghĩa
Ngày 13/4, Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa đến thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - lần thứ hai ông công du một quốc gia vùng Vịnh kể từ khi được bổ nhiệm tháng 1/2025. Đi cùng ông là Ngoại trưởng Assad al-Shibani - người đang giữ vai trò trụ cột trong chiến lược đối ngoại của chính quyền chuyển tiếp.
Trước đó, ông thăm Saudi Arabia (2/2) và đón tiếp Quốc vương Qatar tại Damascus (30/1). Ông đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ tham dự Diễn đàn Ngoại giao Antalya (11-13/4), trao đổi với Tổng thống nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan. Trở về Damascus ngày 14/4, ông gặp Thủ tướng Lebanon Nawaf Salam. Những hoạt động ngoại giao dồn dập là minh chứng cho quyết tâm của Damascus mới trong việc “phá băng” quan hệ khu vực, từng bước đưa Syria thoát khỏi cô lập và trở lại bản đồ ngoại giao Trung Đông.
"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sát cánh cùng Syria chống lại mọi nỗ lực ngăn cản nước này đạt được hòa bình và ổn định lâu dài". (Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phát biểu sau cuộc họp nội các ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/4)
Trong cuộc gặp tại Abu Dhabi, Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan cam kết ủng hộ công cuộc tái thiết Syria, đồng thời nhấn mạnh “sự ổn định và an ninh của Syria là vì lợi ích của cả khu vực”. Đây là thông điệp có trọng lượng, phản ánh cách UAE - và rộng hơn là vùng Vịnh - nhìn nhận vai trò của Syria trong cấu trúc an ninh khu vực thời hậu nội chiến. Không chỉ là trung tâm tài chính - thương mại lớn của vùng Vịnh, UAE ngày càng thể hiện vai trò ngoại giao.
Việc Tổng thống lâm thời Syria chọn Abu Dhabi làm điểm đến tiếp theo sau Riyadh cho thấy tính toán của Damascus bởi UAE là một trong số ít quốc gia vừa có quan hệ tốt với phương Tây, vừa có quan hệ “cân bằng” với các cường quốc khu vực như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, UAE là một trong những quốc gia đầu tiên tái thiết lập quan hệ với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trước khi ông bị lật đổ. UAE trở thành ứng cử viên sáng giá cho vai trò “cửa ngõ” giúp Syria phá thế cô lập, tìm kiếm cơ hội nới lỏng trừng phạt và tiếp cận nguồn tài chính cho tái thiết. Bên cạnh đó, mối quan tâm về an ninh cũng là yếu tố thúc đẩy sự xích lại giữa hai bên.
Trong bối cảnh IS và al-Qaeda còn đe dọa hiện hữu, một Syria ổn định - không bị biến thành “vùng xám” cho các lực lượng cực đoan - chính là lợi ích sống còn của UAE và toàn vùng Vịnh.

Tại buổi làm việc ngày 10/4 tại thủ đô Damascus, Ngoại trưởng Syria Asaad al-Shaibani và Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae Yul nhất trí sẽ sớm mở đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước và thúc đẩy trao đổi phái bộ ngoại giao. (Nguồn: MNN)
Trong một động thái mới, Bộ Ngoại giao Syria ngày 10/4 thông báo nước này và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc thành lập đại sứ quán tại thủ đô hai nước. Đây là một phần trong định hướng đối ngoại mới nhằm khôi phục "vai trò tiên phong" của Syria trong khu vực và trên trường quốc tế.
Kỳ vọng thận trọng
Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 12/2024 mở ra chương mới của Syria - nhưng cũng là phép thử lớn cho những người kế nhiệm.
Sau khi lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lật đổ ông Bashar al-Assad, thủ lĩnh Ahmed al-Sharaa được chỉ định làm Tổng thống lâm thời. Ngày 29/3, ông Ahmed al-Sharaa công bố chính phủ chuyển tiếp - một nội các vừa quen vừa lạ. Các vị trí chủ chốt như Ngoại trưởng Assad al-Shibani và Bộ trưởng Quốc phòng Murhaf Abu Qasra được giữ nguyên để “đảm bảo tính ổn định”. Nhưng cũng có dấu hiệu của sự “đổi mới có kiểm soát”: Bà Hind Kabawat, đại diện cộng đồng Thiên chúa giáo và nhân vật đối lập kỳ cựu được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Lao động và Xã hội, trở thành nữ bộ trưởng đầu tiên của chính phủ mới.
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực này không xua tan hết hoài nghi. Việc chính quyền Syria ban hành “Tuyên bố Hiến pháp chuyển tiếp” trao cho Tổng thống lâm thời quyền lực rộng lớn khiến giới quan sát lo ngại về nguy cơ tập quyền. Chính quyền ông Ahmed al-Sharaa cam kết bảo vệ các nhóm thiểu số và xây dựng thể chế bao trùm - nhưng đây sẽ là bài toán không dễ dàng.
Sau khi ông Bashar al-Assad bị lật đổ, thế giới nhanh chóng điều chỉnh quan điểm với Damascus mới nhưng chưa phải theo cách đồng thuận. Nga thể hiện sự ủng hộ thận trọng. Tổng thống Putin đã gửi thông điệp chúc mừng chính quyền mới, cam kết duy trì hợp tác quân sự và kinh tế. Moscow vẫn duy trì hiện diện quân sự tại căn cứ Hmeimim và Tartous - nhưng cũng “theo dõi sát” tình hình, nhằm bảo đảm lợi ích chiến lược tại Syria. Mỹ đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với ông Ahmed al-Sharaa từ tháng 12/2024, nhưng vẫn giữ lập trường cứng rắn. Washington yêu cầu chính quyền mới chứng minh rõ ràng năng lực kiểm soát khủng bố và cam kết chính trị bao trùm. Gần đây, Lầu Năm Góc cho biết đang cân nhắc cắt giảm một nửa số binh sĩ ở Syria.
Trong khi đó, Trung Quốc, với chính sách không can thiệp và ưu tiên ổn định, đã có cuộc gặp cấp cao đầu tiên với chính quyền mới vào tháng Hai. Khả năng Trung Quốc mở rộng hợp tác với Damascus phụ thuộc lớn vào cam kết của chính quyền ông al-Sharaa về kiểm soát an ninh và tạo hành lang đầu tư minh bạch.
Phương Tây, đặc biệt là Pháp, ngày 29/3 hoan nghênh việc thành lập chính phủ chuyển tiếp, khẳng định ủng hộ một tiến trình hòa bình và bao trùm. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt vẫn được Paris duy trì và gắn chặt với điều kiện về cải cách thể chế, nhân quyền và kiểm soát các nhóm cực đoan.
Các nhà quan sát cho rằng, Syria ngày nay không còn là Damascus dưới thời ông Bashar al-Assad nhưng vẫn chưa phải là một chính quyền ổn định, bao trùm và vững vàng. Chính quyền lâm thời Syria đứng giữa kỳ vọng của người dân và áp lực từ quốc tế. Việc tái thiết, hòa giải dân tộc, khôi phục thể chế, mở rộng ngoại giao… đang diễn ra đồng thời trong một môi trường chính trị mong manh.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm UAE cùng loạt hoạt động ngoại giao sôi động của Tổng thống lâm thời là phép thử đầu tiên cho năng lực hội nhập và đối thoại của chính quyền mới trong bối cảnh giao tranh chưa chấm dứt và nền kinh tế bị tàn phá bởi 14 năm nội chiến. Nó mang theo kỳ vọng nhưng cũng là yêu cầu rõ ràng: Syria không thể bước tiếp nếu thiếu cam kết thực chất về hòa giải, minh bạch và phát triển.