Tín hiệu gì từ chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch hãng Vietjet?
Nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo vừa có chuyến công tác sang Mỹ, gặp gỡ, làm việc với ông Donald Trump và lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu.
Vietjet - doanh nghiệp bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ tịch cũng như nắm giữ lượng cổ phần chính, vốn đã quen thuộc với những thỏa thuận hợp tác cùng các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Vietjet là hãng hàng không lớn của Việt Nam, trước hết, họ đã luôn có thỏa thuận với các hãng sản xuất tàu bay, đặc biệt là Boeing và Airbus.
Thực tế, chuyến công tác của bà Thảo chưa mang lại thông tin cụ thể có thể tác động đến hoạt động kinh doanh của Vietjet trong thời gian tới. Cổ phiếu VJC của công ty thậm chí còn không tăng hay giảm giá trong phiên giao dịch ngày 13/1.
Chuyến đi của bà Thảo được kỳ vọng sẽ mở màn cho một loạt thương vụ giữa Vietjet và các đối tác xứ cờ hoa, theo hướng Vietjet sẽ mua sản phẩm và dịch vụ từ các đối tác này. Nếu các thương vụ đủ lớn, việc mua bán này sẽ giúp Việt Nam giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Ông Donald Trump thích điều này, đúng hơn, ông Trump không thích lắm các quốc gia đang có thặng dư thương mại với Mỹ.
Theo dữ liệu từ FiinPro, thặng dư thương mại Việt Nam và Mỹ năm 2024 đã lên tới 104 tỷ USD, nới rộng đáng kể so với mức thặng dư 83,2 tỷ USD năm 2023. Ông Donald Trump, tổng thống sẽ nhậm chức vào tuần tới, với quan điểm "Nước Mỹ trên hết", sẽ nỗ lực giảm mức thặng dư này xuống để bảo hộ các doanh nghiệp Mỹ. Thặng dư thương mại lớn có thể thúc đẩy Mỹ áp mức thuế lớn với các đối tác đến từ Việt Nam. Ông Trump đã làm triệt để với Trung Quốc ở nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Tuy nhiên, ngay cả khi đạt thỏa thuận giữa Vietjet với các ông lớn của Mỹ, cánh én nhỏ vẫn không thể làm nên mùa xuân. Đây không phải là lần đầu Vietjet thuê, mua hàng từ Mỹ. Theo thông tin từ Vietjet, hãng này đang có những thỏa thuận chiến lược với những tập đoàn hàng đầu như Boeing, GE, CFM, Pratt & Whitney, Honeywell… với tổng giá trị gần 50 tỷ USD. Bên cạnh đó, các hợp tác trị giá khoảng 14 tỷ USD cũng đang được thảo luận. 50 tỷ USD là con số "siêu khủng", tương đương gần một nửa thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, nếu quy ra tiền Việt, ở vào khoảng 1,25 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính đến cuối quý 3/2024, theo báo cáo tài chính gần nhất, tổng tài sản của Vietjet chỉ ở mức gần 94 nghìn tỷ đồng, bằng 7,5% tổng giá trị các thỏa thuận chiến lược và doanh thu hàng năm của Vietjet còn thấp hơn nhiều so với tài sản của công ty. Việc so sánh hai con số này là khập khiễng, nhưng các thỏa thuận thương mại, suy cho cùng, cũng chỉ là thỏa thuận. Việc thực hiện nó, ghi nhận doanh thu - chi phí, hay chuyển tiền đi, thực hiện mua bán, là một chặng đường rất dài.
Ví dụ, Vietjet đã ký các bản ghi nhớ, thỏa thuận với Boeing hàng trăm máy bay - rất nhiều thỏa thuận như vậy được công ty công bố trong nhiều năm. Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên của Vietjet, báo cáo dành cho các nhà đầu tư và được kiểm toán chi tiết, đội bay của công ty chỉ có 89 chiếc.
Để thu hẹp thặng dư thương mại Việt Nam - Mỹ, chúng ta cần tăng cường nhập khẩu từ quốc gia này. Mặt hàng từ trước đến nay Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ nhiều nhất là máy vi tính và các sản phẩm điện tử. Năm 2024, Việt Nam nhập hơn 4,3 tỷ USD các sản phẩm này từ Mỹ. Ngoài ra, máy móc thiết bị và thức ăn gia súc, mỗi loại nhập khẩu từ 1-1,1 tỷ USD. Nếu ngành sản xuất trong nước tăng trưởng lành mạnh, kim ngạch nhập khẩu các loại hàng hóa này sẽ tăng trong năm tới.