Tín dụng tăng tốc nửa đầu năm, lợi nhuận ngân hàng nào bứt phá?

Với việc tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng bứt phá trong 6 tháng đầu năm, Chứng khoán VPBankS dự báo lợi nhuận nhiều ngân hàng được thúc đẩy mạnh mẽ.

Báo cáo của Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự phóng lợi nhuận sau thuế quý II của toàn ngành ngân hàng (dựa trên 11 ngân hàng trong phạm vi phân tích) đạt khoảng 46.740 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Động lực chính đến từ tăng trưởng tín dụng tăng tốc, với mức tăng 9,9% tính từ đầu năm, cao hơn đáng kể so với mức 6% cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tính chung cả năm 2025, VPBankS dự báo lợi nhuận sau thuế toàn ngành sẽ đạt khoảng 239.097 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2024. Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu 16%, vượt nhẹ so với mức thực hiện năm ngoái (15%). Động lực đến từ sự phục hồi rõ nét của lĩnh vực bất động sản và sự mở rộng của nền kinh tế.

Áp lực trích lập dự phòng nợ xấu được đánh giá sẽ giảm nhờ chất lượng tài sản cải thiện, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và thu nhập người dân có xu hướng cải thiện theo đà tăng trưởng kinh tế, cũng là điều kiện để lợi nhuận ngành ngân hàng bứt phá trong năm 2025.

Ngân hàng tăng trưởng nhờ tín dụng

Đi sâu vào một số ngân hàng cụ thể, theo VPBankS, VietinBank được dự báo lợi nhuận sau thuế quý II/2025 đạt 7.756 tỷ đồng, tăng trưởng 43,4% so với cùng kỳ, chủ yếu từ tăng trưởng tín dụng vượt trội và áp lực trích lập dự phòng suy yếu trên bộ đệm dự phòng vững vàng.

Cho cả năm 2025, dự báo lãi sau thuế của VietinBank tăng 2025 tăng 39,8%, được hỗ trợ bởi tăng trưởng dư nợ mạnh mẽ chuyển dịch sang bán lẻ và chi phí tín dụng giảm 0,55 điểm % trên bối cảnh chất lượng tài sản cải thiện và sở hữu bộ đệm vốn vững chắc.

Với VPBank, lợi nhuận sau thuế quý II của ngân hàng này được dự báo đạt 5.101 tỷ đồng, tăng trưởng 40,1% so với cùng kỳ, động lực tăng trưởng chủ yếu từ tăng trưởng tín dụng vượt trội và áp lực trích lập dự phòng suy yếu trên bối cảnh chất lượng tài sản cải thiện.

Năm 2025, dự báo lợi nhuận sau thuế của VPBank tăng 20,1%, được hỗ trợ bởi tăng trưởng dư nợ 24% so với cùng kỳ và chi phí tín dụng giảm 0,84 điểm % trên bối cảnh chất lượng tài sản cải thiện.

ACB dự kiến đạt lợi nhuận sau thuế quý II/2025 khoảng 5.084 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng và thu nhập lãi thuần tăng mạnh.

Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) giữ vững ở mức 3,4% nhờ chi phí vốn (COF) đi ngang quanh 3,5%, trong khi tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ổn định ở mức 30,9%. Chất lượng tài sản được duy trì tốt với tỷ lệ nợ xấu chỉ nhích nhẹ 0,01 điểm % lên 1,49%, phản ánh năng lực kiểm soát rủi ro tín dụng vững vàng của ngân hàng.

Với Techcombank, lợi nhuận trước thuế quý II ước đạt 8.278 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự phóng 6.623 tỷ đồng, cùng tăng đồng thời 6% so với cùng kỳ, phản ánh hiệu quả từ tăng trưởng tín dụng ổn định và biên lãi ròng (NIM) duy trì tốt ở mức 3,9%.

Trong khi đó, thu nhập lãi thuần (NII) tăng mạnh 17% đạt 9.734 tỷ đồng, nhờ tăng trưởng tín dụng và chi phí vốn (COF) đi ngang quanh 3,3%. Ngân hàng tiếp tục kiểm soát tốt chi phí với CIR duy trì ở mức thấp 28,5%, trong khi chất lượng tài sản ổn định với tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng nhẹ 0,03 điểm % lên 1,2%.

Theo VPBankS, lợi nhuận quý II của Vietcombank được dự báo tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ lên mức 8.871 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự phục hồi của thu nhập ngoài lãi cũng như chi phí dự phòng suy yếu nhờ bộ đệm dự phòng vững chắc

Năm 2025, dự báo lợi nhuận sau thuế tăng 4,4% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ giảm chi phí trích lập nhờ chất lượng tài sản vượt trội trên bối cảnh thu nhập lãi thuần chưa thực sự phục hồi do áp lực huy động vốn.

Lợi nhuận ngân hàng cũng được thúc đẩy bởi thu nhập lãi thuần

Bên cạnh tín dụng, theo phân tích của VPBankS, lợi nhuận nhóm ngân hàng BIDV, Techcombank, HDBank được dự phóng thúc đẩy bởi thu nhập lãi thuần tăng mạnh.

Cụ thể, BIDV được kỳ vọng lợi nhuận sau thuế quý II tăng trưởng 14,6% so với cùng kỳ lên mức 7.488 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự phục hồi của thu nhập lãi thuần trên bối cảnh tín dụng dồi dào và NIM vững vàng.

Cả năm 2025, dự báo lợi nhuận sau thuế trong 2025 tăng 10,8% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi tăng trưởng dư nợ mạnh mẽ 16% và sự chuyển dịch sang tệp khách hàng bán lẻ sẽ bù đắp áp lực NIM thu hẹp. Ngoài ra, VPBankS cũng cho rằng áp lực trích lập sẽ thuyên giảm cùng chung xu hướng với toàn ngành.

Với HDBank, VPBankS dự phóng lãi trước thuế quý II đạt 5.428 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ; lãi sau thuế ước thu về 4.169 tỷ, tăng 35%, được thúc đẩy bởi thu nhập lãi thuần tăng mạnh 31% lên 9.355 tỷ đồng.

Biên lãi ròng (NIM) duy trì cao ở mức 5,1% nhờ chi phí vốn (COF) ổn định quanh 4,7%. CIR đi ngang ở mức thấp 27%, phản ánh hiệu quả kiểm soát chi phí, trong khi chất lượng tài sản cải thiện rõ rệt với tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống còn 1,9%.

Tại VIB, nhóm phân tích ước tính lợi nhuận sau thuế quý II dù thu nhập lãi thuần (NII) tăng mạnh 29% lên 5.200 tỷ đồng nhờ tăng trưởng tín dụng và NIM cải thiện ở mức 3,5%.

Chi phí vốn (COF) giảm nhẹ còn 4%, hỗ trợ biên lợi nhuận, trong khi CIR vẫn neo cao ở mức 38%. Tín hiệu tích cực đến từ việc tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 3,6%, cho thấy nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản.

Tổng thu nhập hoạt động hỗ trợ lợi nhuận ngân hàng

VPBankS cho rằng Sacombank tăng trưởng tốt trong quý II với có lợi nhuận sau thuế tăng 55,4% và tăng 34,1% cho cả năm 2025 nhờ tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng trưởng 14,1%, trong khi đó chi phí trích lập giảm 90,3% do mức nền cao và CIR hạ nhiệt 7,8 điểm % so với cùng kỳ dù vẫn neo cao.

Cho cả năm 2025, VPBankS dự phóng tăng trưởng tín dụng Sacombank đạt 14% và nhận định nhà băng sẽ ưu tiên duy trì NIM ổn định ở khoảng 3,6%, thông qua neo cao tỷ lệ LDR và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, đồng thời CIR duy trì ở 45%. Nhóm phân tích kỳ vọng các khoản thanh toán từ Khu công nghiệp Phong Phú sẽ được Sacombank ghi nhận hoàn nhập dự phòng, từ đó giúp chi phí tín dụng hạ 0,23 điểm % so với cùng kỳ.

Tương tự, với TPBank, các chuyên gia VPBankS dự báo lợi nhuận sau thuế quý II tăng 8,7% so với cùng kỳ, với TOI tăng trưởng 10,7% và chi phí trích lập duy trì tăng 15% trong bối cảnh tỷ lệ dự phòng rủi ro sụt giảm mạnh xuống 57% trong quý I.

Trong đó, thu nhập lãi thuần dự báo tăng trưởng 7,4%, nhờ tăng trưởng tín dụng ước đạt 9,4% nhưng NIM sụt giảm 0,58 điểm % so với cùng kỳ khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tin-dung-tang-toc-nua-dau-nam-loi-nhuan-ngan-hang-nao-but-pha-43781.html
Zalo