Tín dụng chính sách xã hội duy trì tăng trưởng
4 tháng đầu năm 2025, vốn tín dụng chính sách xã hội tăng trưởng tốt, đặc biệt tỉnh đã kịp thời ủy thác nguồn vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh để đáp ứng nhu cầu vay vốn của đối tượng chính sách. Nhờ đó, hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Hoàn thành 91,2% kế hoạch tăng trưởng
Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, tính đến ngày 25-4, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 4.905 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 316,1 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ tăng 6,9%) so với đầu năm, hoàn thành 91,2% kế hoạch tăng trưởng được giao; với 114.598 khách hàng dư nợ. 4 tháng đầu năm, NHCSXH tỉnh đã chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến các đối tượng thụ hưởng với doanh số cho vay hơn 754,7 tỷ đồng. Qua đó, 1.158 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn sản xuất kinh doanh; 6.191 lao động vay vốn tạo việc làm, sinh kế, trong đó có 10 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn làm ăn; 301 lượt hộ vay vốn cho học sinh, sinh viên đi học; 5.762 lượt hộ vay vốn xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, trong đó có nhiều hộ gia đình ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh… Đặc biệt, ngay trong quý I/2025, tỉnh đã chuyển 88,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Về chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, 100% phòng giao dịch xếp loại tốt.

Hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tại phường Phước Hải, TP. Nha Trang.
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng chính sách trong những tháng đầu năm vẫn còn một số khó khăn. Tính đến ngày 25-4, nợ quá hạn hơn 9,4 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,19% tổng dư nợ), tăng hơn 1 tỷ đồng so với đầu năm. Có 7 địa phương có nợ quá hạn tăng là: Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh, Cam Lâm. Nguyên nhân do khách hàng bỏ đi khỏi nơi cư trú, không cắt khẩu nên việc tìm kiếm thông tin gặp nhiều khó khăn dẫn đến chưa thu hồi được nợ. Bên cạnh đó, dư nợ chương trình cho vay nhà ở xã hội giảm 14,7 tỷ đồng so với đầu năm do trên địa bàn tỉnh không có dự án nhà ở xã hội hoàn thiện các thủ tục mở bán. Số lượt tổ viên tham gia gửi tiết kiệm hằng tháng chỉ đạt 83%, thấp hơn mức quy định của Trung ương (hơn 90%).
Quản lý tốt nguồn vốn sau sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính
Tại buổi làm việc của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh về hoạt động tín dụng chính sách 4 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ quý II/2025 mới đây, lãnh đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác đã trao đổi về một số vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng chính sách trong thời gian tới. Theo đó, khi bỏ cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã sẽ có sự thay đổi về đội ngũ làm công tác tín dụng chính sách, các tổ tiết kiệm và vay vốn hiện nay. Vì vậy, NHCSXH tỉnh cần chủ động rà soát để quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, các hộ dân thuộc khu vực các xã của TP. Nha Trang như: Vĩnh Thái, Vĩnh Trung, Vĩnh Phương, Phước Đồng… đang được thụ hưởng chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhưng sau khi sáp nhập, các xã này trở thành phường, người dân sẽ không đủ điều kiện thụ hưởng chương trình. Do đó, NHCSXH tỉnh cần kiến nghị vấn đề này với NHCSXH để có chính sách hỗ trợ.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khánh Vĩnh thăm mô hình trồng keo của một khách hàng vay vốn tín dụng chính sách.
Ông Lê Hữu Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo kiện toàn thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị là lãnh đạo các sở sau sáp nhập để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. NHCSXH tỉnh bám sát Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị, văn bản chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH và UBND tỉnh để tổ chức, triển khai các nhiệm vụ kịp thời, đặc biệt quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã theo văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; tập trung thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kiểm tra giám sát các tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở, đặc biệt khi có thay đổi về đội ngũ làm công tác tín dụng chính sách trong thời gian tới. Hội, đoàn thể cấp tỉnh chỉ đạo cấp cơ sở tiếp tục tuyên truyền để tăng số hộ tham gia gửi tiết kiệm đạt từ 90% trở lên; chỉ đạo, rà soát các khoản nợ quá hạn để đôn đốc thu hồi…