Tín dụng chính sách xã hội – chủ trương lớn giúp người dân 'đuổi' nghèo (Bài 1)

Những năm qua, từ nguồn vốn TDCS xã hội giúp cho hàng nghìn hộ dân trên khắp cả tỉnh tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Một chủ trương lớn của Đảng, nhà nước hoạt động không vì lợi nhuận đã thực sự đi vào lòng dân và chủ trương này như được chắp thêm 'đôi cánh' khi Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội (gọi tắt là Chỉ thị số 40) được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành. Đây không chỉ là kim chỉ nam' cho hoạt động TDCS mà còn là 'đòn bẩy' thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo, phát triển bền vững.

Bài 1: Luồng sinh khí mới cho “trụ cột” giảm nghèo

Từ chủ trương đúng đắn…

Hơn 20 năm qua, câu chuyện nguồn vốn TDCS xã hội giúp người dân xóa nghèo đã không còn lạ với nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. TDCS xã hội được ví như chiếc “phao cứu sinh” giúp hàng nghìn hộ nghèo tìm được hướng đi mới trong cuộc sống. Chị Nông Thị Duyên, ở xóm Nà Tục, xã Đức Xuân (Thạch An) chia sẻ: Gia đình tôi là một những hộ biết đến nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) từ lúc mới triển khai. Lúc đó, nguồn vốn ngân hàng còn hạn hẹp nên mỗi suất vay cũng rất ít, khó đầu tư được việc lớn, thủ tục cũng rườm rà hơn. Thời điểm năm 2003 - 2005, tôi đã mạnh dạn vay 5 triệu đồng để chăn nuôi lợn. Với số vốn ưu đãi lúc đó đã giúp gia đình tôi dần thoát nghèo. Đến nay, gia đình tôi khi cần mở rộng kinh doanh ẫn vay vốn NHCSXH. Bây giờ, thủ tục vay đã đơn giản hơn rất nhiều, người vay không phải đến tận ngân hàng trả gốc, lãi hằng tháng mà tổ trưởng Tiết kiệm và vay vốn đến tận nhà thu; nguồn vốn vay cũng được rất nhiều nếu gia đình có dự án phát triển kinh doanh phù hợp.

Từ những đồng vốn đầu tiên của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Nông Thị Duyên, ở xóm Nà Tục, xã Đức Xuân (Thạch An, Cao Bằng) phát triển kinh gia gia đình hiệu quả

Từ những đồng vốn đầu tiên của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Nông Thị Duyên, ở xóm Nà Tục, xã Đức Xuân (Thạch An, Cao Bằng) phát triển kinh gia gia đình hiệu quả

Chị Đoàn Thị Nhuần, kinh doanh hàng hóa tại Chợ Xanh (Thành phố) tâm sự: Năm 2024 này, tôi cần vốn để mở rộng kinh doanh, biết được nguyện vọng đó của tôi, Chi hội phụ nữ chợ Xanh đã tuyên truyền, giải thích cho tôi biết về nguồn vốn TDCS. Tôi mạnh dạn vay 100 triệu đồng để kinh doanh. Thủ tục vay vốn rất đơn giản, tôi không mất nhiều thời gian để đi lại làm thủ tục, hằng tháng tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn đều đến tận nhà để thu lãi và chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn hiệu quả của nhiều tổ viên khác để tôi học tập, làm theo.

Thủ tục đơn giản, nguồn vốn dồi dào, lãi suất thấp, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, thường xuyên động viên, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và luôn kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay… đó là cảm nhận của hầu hết các hộ được vay vốn TDCS mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trao đổi. Thành quả đó chính là “trái ngọt” từ một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân mà Chỉ thị số 40 đã đem lại trong 10 năm qua.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) tuyên truyền về các uy định, ưu đãi khi vay vốn tín dụng chính sách cho người dân

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) tuyên truyền về các uy định, ưu đãi khi vay vốn tín dụng chính sách cho người dân

Đồng chí Nông Văn Bộ, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh nhận định: Từ khi Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW được ban hành, hoạt động TDCS xã hội không ngừng phát triển và ngày càng ổn định; nguồn vốn phục vụ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi, kịp thời, có đóng góp to lớn đối với kết quả giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Đến hết tháng 9/2024, tổng nguồn vốn TDCS xã hội tại NHCSXH huyện đạt 566,385 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 555,935 tỷ đồng, tăng 301 tỷ đồng (tăng 218%) so với trước khi có Chỉ thị.

… đến sự chung sức cả hệ thống chính trị

Chỉ thị số 40 như luồng sinh khí mới, giúp cho TDCS xã hội đi nhanh, đi đúng hướng và ngày càng hiệu quả hơn. Bởi từ đây, TDCS được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt cùng sự chung tay góp sức của toàn dân trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Quốc Trung, Bí thư Huyện ủy Hòa An cho biết: Sau khi có Chỉ thị số 40, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS xã hội, xác định là một trong những nhiệm vụ hoạt động của cấp ủy, chính quyền. Huyện ủy, UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; Đảng ủy các xã, thị trấn và các cơ quan, ban ngành có liên quan tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40 đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của TDCS xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội…

Đến nay, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp của tỉnh Cao Bằng có sự tham gia đầy đủ của các thành viên, trong đó 100% chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tham gia Ban đại diện

Đến nay, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp của tỉnh Cao Bằng có sự tham gia đầy đủ của các thành viên, trong đó 100% chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tham gia Ban đại diện

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS xã hội, xác định là một trong những nhiệm vụ hoạt động của cấp ủy, chính quyền. Vì vậy, UBND huyện Bảo Lâm hằng năm dành một phần nguồn vốn từ Ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. “Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH huyện Bảo Lâm đến nay đạt 4,548 tỷ đồng, tăng 4,498 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2014, lúc mới thực hiện chỉ thị, nguồn ngân sách địa phương tăng mạnh trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2024, huyện Bảo Lâm đã bổ sung 3,750 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần so với giai đoạn 5 năm đầu thực hiện Chỉ thị” - đồng chí Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm khẳng định.

Nhận thức rõ vai trò, vị trí của TDCS trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, UBND các xã, thị trấn đã luôn tích cực đồng hành, phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả các nội dung ủy thác với NHCSXH để đưa nguồn vốn TDCS đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt với phương thức “giao dịch tại nhà - giải ngân, thu nợ tại xã", sự phối hợp chặt chẽ đã phát huy tích cực hiệu quả sử dụng vốn.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người nghèo và các đối tượng chính sách khác của tỉnh Cao Bằng được tiếp cận nguồn của nhiều chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người nghèo và các đối tượng chính sách khác của tỉnh Cao Bằng được tiếp cận nguồn của nhiều chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng Phạm Tuấn Hưng cho biết: Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 đi vào cuộc sống đã tạo bước đột phá kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị, làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong đẩy mạnh thực hiện TDCS xã hội. Đến nay, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh và các huyện, thành phố có 283 thành viên tham gia, trong đó, cấp tỉnh 13 thành viên; cấp huyện, thành phố 270 thành viên, 100% chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tham gia Ban đại diện. Toàn tỉnh có 161 Điểm giao dịch tại trụ sở UBND cấp xã nhằm nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ nhân dân.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Trung ương, hoạt động TDCS của Cao Bằng luôn bám sát phương châm “Đảng lãnh đạo - Chính quyền điều hành - NHCSXH tham mưu - Ủy ban MTTQ giám sát - hội đoàn thể phối hợp”. Đến nay, tổng nguồn vốn đạt 4.383,2 tỷ đồng, tăng 2.737,4 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 16,6%. Nguồn vốn TDCS đã đầu tư đến 100% thôn, xóm, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn TDCS một cách thuận lợi và kịp thời.

Thanh Thúy - Thanh Thụy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-chu-truong-lon-giup-nguoi-dan-duoi-ngheo-bai-1-158847.html
Zalo