Tín dụng chính sách - Nhịp cầu nối ý Đảng với lòng dân - Bài 2: Đưa vốn đến từng đối tượng
Ngoài các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nguồn vốn tín dụng chính sách còn cho vay giải quyết việc làm, người mới chấp hành xong án phạt tù, khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh… góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
KHỞI NGHIỆP TỪ VỐN CHÍNH SÁCH
Sau 17 năm bôn ba nơi xứ người, anh Nguyễn Tấn Kỷ, ngụ xã Giục Tượng (Châu Thành) trở về quê hương, bắt đầu hành trình khởi nghiệp đầy bất ngờ từ vỏ dừa tươi bị vứt bỏ. Anh Kỷ kể: “Sau dịch COVID-19, vợ sắp sinh con thứ hai nên tôi quyết định trở về quê hương nhưng lại lúng túng vì chưa biết làm gì để có thu nhập”.
Thấy vỏ dừa bị vứt xuống kênh hoặc chất đống bên quán nước dễ sinh muỗi gây mầm bệnh, anh Kỷ nảy ra ý tưởng táo bạo “biến rác thành tiền” bằng cách sản xuất mùn dừa từ nguồn nguyên liệu 0 đồng này để làm phân bón hữu cơ. Nhờ sự hỗ trợ tín chấp 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Xã đoàn Giục Tượng, anh đầu tư máy xay vỏ dừa, xây nhà ủ mùn.
Chỉ cần điện vận hành máy và thuê vài người lao động thu gom vỏ dừa, mỗi bao mùn dừa được bán sỉ với giá 25.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi từ 25 - 30 triệu đồng/tháng, chưa kể mỗi ngày đều “cháy hàng” với lượng tiêu thụ từ 50 - 100 bao. “Tôi không nghĩ mô hình này lại đi xa đến vậy. Vừa làm sạch môi trường vừa giúp tôi và người dân có thu nhập”, anh Kỷ nói.

Anh Nguyễn Tấn Kỷ, ngụ xã Giục Tượng (Châu Thành) tập kết vỏ trái dừa vào bãi trước khi xay nhuyễn và ủ thành phân hữu cơ.
Không chỉ mang ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc, nguồn vốn tín dụng chính sách còn phát huy vai trò “giải nguy” trong giai đoạn khó khăn nhất. Cuối năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, hàng chục ngàn người lao động Kiên Giang trở về quê. Bên cạnh việc đón người dân an toàn, tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp tạo sinh kế.
“Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang kịp thời tăng cường nguồn vốn, ưu tiên cho người lao động mất việc từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương, với mức vay tối đa 100 triệu đồng/người, không cần thế chấp”, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang Nguyễn Quốc Thịnh cho biết.
Với nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang tích cực cùng sở, ngành và chính quyền địa phương tổ chức triển khai, thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng, hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Giai đoạn 2022-2023, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang giải ngân hơn 993 tỷ đồng cho hơn 10.100 khách hàng, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Cụ thể, có 438 tỷ đồng cho 8.893 người lao động vay tạo việc làm, 540 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và gần 9 tỷ đồng hỗ trợ đất ở, chuyển đổi nghề, sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, tỉnh còn bố trí 19,5 tỷ đồng ngân sách địa phương tạo việc làm cho 325 người lao động. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang với sở, ngành, địa phương giúp nguồn vốn đến đúng người, đúng thời điểm, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.
CHÍNH SÁCH NHÂN VĂN
Một trong những chính sách tín dụng mang ý nghĩa nhân văn đang được triển khai là chương trình cho vay đối với người sau khi chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ. Chính sách thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước, giúp người lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, tìm kiếm việc làm khi trở về địa phương, từng bước tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang giải ngân cho người dân phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá) vay vốn sau khi mãn hạn tù.
Hơn một năm kể từ ngày trở về sau khi mãn hạn tù, cuộc sống với bà L.T.H, ngụ khu phố Nam Cao, phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá) là hành trình không dễ dàng. Quyết tâm làm lại cuộc đời, nhưng nỗi lo lớn nhất là làm gì để sống, để nuôi con ăn học? Trong lúc chông chênh nhất, bà H được Hội Nông dân phường Vĩnh Quang hỗ trợ vay 20 triệu đồng vốn tín dụng chính sách, sự trợ giúp kịp thời giúp bà dựng lại cuộc đời. Bà thuê mặt bằng nhỏ mở quán nước giải khát. Mỗi ngày, từng ly nước bà bán không chỉ là kế sinh nhai mà còn là hy vọng cho 3 con, 1 em học đại học, 1 em lớp 8 và bé tuổi mẫu giáo. “Tôi ráng làm ăn đàng hoàng, không vướng vào sai lầm trước kia, chỉ mong lo được cho con học hành tới nơi tới chốn”, bà H nghẹn ngào nói.
Từng lầm lỡ, nhưng anh D.L, ngụ xã Minh Hòa (Châu Thành) luôn khát khao làm lại cuộc đời. Ngày trở về sau án phạt tù, anh đối diện với muôn vàn khó khăn, từ ánh mắt nghi ngại đến nỗi lo cơm áo hàng ngày. Điều anh mong mỏi nhất lúc ấy, chỉ là một khoản vốn nhỏ để bắt đầu dựng dàn âm thanh làm dịch vụ nhạc sống, kiếm kế sinh nhai chân chính.
Nhờ sự hỗ trợ tận tình từ gia đình và tổ chức chính trị - xã hội, anh Lượm được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, theo chương trình dành cho người chấp hành xong án phạt tù. Từ số vốn ấy, một hướng đi mới mở ra, anh đầu tư đúng mục đích, làm nghề mỗi ngày, xây dựng lại cuộc đời tưởng chừng gãy gánh.
Không chỉ riêng bà H, anh L, đến tháng 4-2025, toàn tỉnh có 166 trường hợp được tiếp sức từ nguồn vốn tín dụng chính sách, với tổng dư nợ 10 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách trở thành điểm tựa vững chắc giúp người từng lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời. Không chỉ là tiền vốn, đó còn là niềm tin, là sự dang tay của cộng đồng, tiếp sức người lầm lỡ trở về, sống lương thiện và đóng góp tích cực cho xã hội.
Kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến tháng 4-2025, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang có tổng nguồn vốn đạt 6.471,6 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 469,2 tỷ đồng, với 9.518 khách hàng được vay vốn, tổng dư nợ 6.452,9 tỷ đồng.