Tín dụng cá nhân trở thành 'đòn bẩy' cho lợi nhuận ngân hàng
Ngân hàng đi qua mùa báo lãi quí 3-2024 sôi động với sự bùng nổ của một số nhà băng cả về quy mô lợi nhuận lẫn tăng trưởng tín dụng. Đáng chú ý là danh mục cho vay được cho là cải thiện đáng kể, trong đó gồm lĩnh vực bất động sản.
Lợi nhuận bùng nổ dù không đồng đều
Kết quả kinh doanh trong quí 3 này cho thấy nhiều điểm sáng ở các ngân hàng. Chẳng hạn như Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cho biết đã hoàn thành 90% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, nhờ vào việc “kiểm soát chi phí và giữ nhịp độ tăng trưởng tín dụng đến khách hàng cá nhân”.
Danh sách báo lãi trước thuế ở mức cao còn có LPBank (tăng gần 140% trong 9 tháng đầu năm). Nhiều ngân hàng tư nhân từ quy mô nhỏ đến lớn cũng ghi nhận mức lãi trước thuế cao trong 9 tháng đầu năm này, chẳng hạn như VPBank (67,4%), HDBank (46%), SEABank (42%), Eximbank (39%), Sacombank (18%), Vietbank (95%).
Techcombank vươn lên trở thành ngân hàng có quy mô lợi nhuận xếp thứ hai thị trường, sau khi bất ngờ báo lãi trước thuế tăng đến 33,5% (năm ngoái là vị trí thứ 5). Hay điểm sáng khác là sự phục hồi của Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, công ty con của VPBank, khi báo lãi quí 3 gần 300 tỉ đồng sau nhiều quí trước đó chật vật với nợ xấu.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chi phối thì vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình so với thị trường khi quy mô lợi nhuận vốn đã ở mức cao. Chẳng hạn như tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Vietinbank tăng hơn 12%, BIDV tăng 11,6% trong khi Vietcombank tăng 6,7% nhưng vẫn duy trì vị trí “quán quân”.
Nhìn chung lợi nhuận kỳ này của nhiều nhà băng đang bùng nổ, mang đến sự lạc quan đáng kể hơn so với các dự báo hồi đầu năm. Tuy nhiên, bức tranh vẫn phân hóa đáng kể khi vẫn có nhiều ngân hàng giảm quy mô lợi nhuận. Chẳng hạn như Ngân hàng Quốc Dân (giảm gần 75%), Ngân hàng An Bình (66,6%), Ngân hàng OCB (34%), Ngân hàng VIB (20%), Ngân hàng Sài Gòn Công thương (14%).
Theo thống kê của KTSG Online, tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng niêm yết tăng trưởng 15,1% trong 9 tháng đầu năm, trong bối cảnh cho vay tăng gần 12%. Còn tăng trưởng thu nhập lãi thuần đạt hơn 15,4%, trong khi hoạt động dịch vụ lại giảm 1,3%.
Như vậy, có thể thấy phần lớn lợi nhuận vẫn đến từ mảng thu nhập chính từ trước đến nay của các ngân hàng là hoạt động cho vay, trong khi dư nợ tăng trưởng tiếp tục ở mức ấn tượng. Nhiều ngân hàng trong quí 3 cũng bất ngờ tăng thu nhập từ lãi. Chẳng hạn như Eximbank trong quí 3 tăng 77% so với cùng kỳ, còn lũy kế 9 tháng tăng 38%. Ngân hàng Quốc Dân dù lợi nhuận giảm nhưng thu nhập lãi thuần bất ngờ tăng mạnh 60% trong 9 tháng đầu năm.
Tín dụng được đẩy mạnh
Thu nhập lãi thuần tăng lên đáng kể trong bức tranh tín dụng nhìn chung được cải thiện, với mức tăng dư nợ bình quân 9% cả hệ thống tính đến hết quí 3 vừa qua. Một điểm dễ nhận thấy là danh mục cho vay trong quí vừa qua được cải thiện đáng kể trong kỳ báo cáo tài chính mới nhất của các nhà băng.
Đại diện Techcombank, ngân hàng có tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay cao nhất thị trường, cho biết tín dụng cá nhân là động lực dẫn dắt trong quí 3 vừa qua. Theo đó, dư nợ khách hàng cá nhân tăng tới 6% so với quí trước, gấp đôi mức tăng dư nợ khách hàng doanh nghiệp (bao gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp).
Còn ở HDBank, ngân hàng có tốc độ tăng trưởng dư nợ đứng thứ 2 trong nhóm ngân hàng niêm yết, lĩnh vực cho vay FDI tăng trưởng mạnh (56%, chiếm 1,3% tổng dư nợ); cho vay bán lẻ ghi nhận tăng trưởng chậm (4,5%, chiếm 39% tổng dư nợ), còn cho vay bất động sản tăng 5% (chiếm 15,4% tổng dư nợ). Tính theo ngành, thì nhóm sản xuất (tăng 35%), thương mại (33%) và xây dựng là những ngành có động lực tín dụng hàng đầu.
Tại MSB, tăng trưởng tín dụng riêng lẻ của ngân hàng ở mức 3% so với quí 2, và 15,1% so với hồi đầu năm. Trong mục tiêu hướng đến con số 20% vào cuối năm, đại diện ngân hàng cho biết danh mục phân bổ chính vào một số lĩnh vực như chế biến sản xuất, chế tạo máy móc, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tương tự, theo báo cáo của các ngân hàng, danh mục cho vay cũng được cải thiện và trải rộng nhiều ngành nghề. Đại diện VPBank cho biết tại thời điểm cuối quí 3, tín dụng được giải ngân vào đa dạng phân khúc và ngành nghề trong nền kinh tế, với các sản phẩm chủ lực như cho vay mua ô tô, thẻ tín dụng. Còn ở TPBank, ngân hàng có dư nợ tăng trưởng 14%, danh mục cấp tín dụng của ngân hàng trải dài từ các ngành nghề, từ đầu tư công đến các khách hàng sản xuất các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng nhanh.
Nhìn chung, trong bức tranh tăng trưởng tín dụng kỳ này, một vấn đề quan trọng nữa là dường như tín dụng cá nhân đang là động lực chính giúp cải thiện thị trường cho vay. Trong số này, dường như bất động sản vẫn chiếm phần lớn và khu biệt vào nhóm cho vay mua nhà.
Chẳng hạn như báo cáo của Techcombank cho thấy, tăng trưởng tín dụng cá nhân tại ngân hàng này hiện đang được thúc đẩy bởi mảng cho vay mua nhà, tăng 6,6% so với quí trước và 13,2% so với đầu năm, đẩy dư nợ lên mức cao kỷ lục 193.600 tỉ đồng.
Một con số đáng chú ý khác là số dư trả trước hạn vay mua nhà giảm xuống mức thấp nhất trong một năm trở lại, trong khi khối lượng giải ngân trong quí tiếp tục đạt mức cao. Diễn biến này khác với tình huống hồi đầu năm, khi đó lãnh đạo ngân hàng nói rằng có một số người vay muốn tất toán khoản vay mua nhà vì lo ngại về tình hình thu nhập giảm trong khi lãi suất cao.
Trong số liệu công bố gần đây của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản tính đến cuối tháng 9 tăng khoảng 9,15% so với hồi đầu năm, cao hơn mức trung bình chung của nền kinh tế (9%). Dư nợ bất động sản chiếm 20% tổng dư nợ của nền kinh tế, vẫn là danh mục cho vay đầy hấp dẫn và ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng trong tương lai.
Thị trường bất động sản hiện đang chững lại trong bối cảnh chờ những quy định mới của các bộ luật sửa đổi đi vào hiệu lực. Các nhà phân tích đặt kỳ vọng vào sự cải thiện nguồn cung sẽ giúp lĩnh vực này sôi động hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại tỏ ý nghi ngại về sự phục hồi của sức tiêu dùng cá nhân vào dịp cuối năm, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng thực tế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chi phí tín dụng của nhóm 27 ngân hàng niêm yết tăng hơn 10% trong 9 tháng đầu năm, nợ xấu vẫn sẽ là nhân tố ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận ngân hàng trong quí 4 này.