Tín dụng bật tăng ngay từ đầu năm: Đòn bẩy quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng

Năm 2025, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến tích cực nhờ vào nhiều yếu tố hỗ trợ, từ chính sách tiền tệ linh hoạt đến nhu cầu vay vốn phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp.

Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp tín dụng đồng hành với doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp tín dụng đồng hành với doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)

Bước vào năm 2025, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực ngay từ quý 1 với việc tăng 1,98% so với cuối năm 2024.

Dòng vốn tín dụng đang có sự lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bất động sản và tiêu dùng, góp phần hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.

Nhu cầu vay vốn đang phục hồi

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2025 có những dấu hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm 2024. Tính đến ngày 20/3/2025, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt 15,926 triệu tỷ đồng, tăng 1,98% so với cuối năm 2024 (tăng 17,60% so với cùng kỳ năm 2024, cùng kỳ năm 2024 giảm 0,2%).

Việc tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm cho thấy nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân đang dần phục hồi. Đặc biệt, các gói tín dụng ưu đãi và chính sách nới lỏng tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy tác dụng, giúp các ngân hàng thương mại mở rộng cho vay với lãi suất hợp lý hơn.

Trước đó, hai tháng đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 10 văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, đơn giản hóa thủ tục và áp dụng công nghệ chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng. Các tổ chức tín dụng cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định lãi suất và giảm lãi suất cho vay.

Lãnh đạo ngành ngân hàng yêu cầu giữ ổn định lãi suất tiền gửi và cho vay, đồng thời kêu gọi các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

"Việc giảm lãi suất cho vay sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh," Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Lê Duy Hải, Phó Tổng Giám Đốc VietinBank chia sẻ về những nỗ lực của ngân hàng trong việc chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Hải cho biết VietinBank đã đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng vào công nghệ từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Đại diện VietinBank cũng đề xuất một số kiến nghị, bao gồm việc điều chỉnh hệ số rủi ro đối với tín dụng xanh, và tăng cường bảo mật trong các giao dịch trực tuyến.

Việc chuyển đổi số không chỉ giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám Đốc MB Thái Bình chia sẻ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ngân hàng đang triển khai. Việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

 Từ đầu năm đến nay ngân hàng đã giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Vietnam+)

Từ đầu năm đến nay ngân hàng đã giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Vietnam+)

Đại diện MB cho hay Ngân hàng đã cung cấp các gói ưu đãi lãi suất và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bông sợi, giúp họ mở rộng thị phần và tăng cường năng lực cạnh tranh.

"Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các sản phẩm phái sinh, giúp họ quản lý rủi ro hiệu quả hơn," ông Nguyễn Văn Thành cũng đề nghị.

Tín dụng sẽ tiếp tục tăng tốc

Với đà tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia dự báo tín dụng sẽ tiếp tục tăng tốc trong những quý tiếp theo. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 ở mức 16% đồng thời vẫn kiểm soát chặt chất lượng tín dụng để hạn chế rủi ro nợ xấu.

Động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng hoạt động tín dụng năm 2025 có thể được thúc đẩy bởi một số yếu tố như sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, sự phục hồi này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025.

Yếu tố hỗ trợ thứ hai là tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao. MBS dự kiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao trong năm 2025 sẽ tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.

Với những lý do trên, nhóm phân tích kỳ vọng các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn vào năm 2025.

Theo nhóm chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS, động lực tăng trưởng tín dụng năm 2025 đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cũng như vay mua nhà; tín dụng bán buôn tiếp tục duy trì ổn định.

 Tín dụng bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm đến nay. (Ảnh: Vietnam+)

Tín dụng bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm đến nay. (Ảnh: Vietnam+)

Tiến sỹ Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng: “Khi nền kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu vay vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh cũng sẽ gia tăng, kéo theo sự tăng trưởng của tín dụng. Đặc biệt, các lĩnh vực như bất động sản, xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng cá nhân sẽ là những động lực chính.”

Thực tế, tín dụng bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm đến nay khi thị trường dần lấy lại niềm tin và các dự án được khơi thông. Điều này sẽ tiếp tục tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng năm 2025.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản đã giúp khơi thông phần nào dòng vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản để tránh rủi ro nợ xấu.

Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, ngân hàng chỉ có thể đẩy mạnh cho vay nếu cầu tín dụng tăng trưởng. Năm 2024, ngành ngân hàng vẫn trong cảnh “đỏ mắt” tìm khách hàng. Hy vọng năm 2025, nếu nền kinh tế tăng trưởng, thì cầu vốn tăng lên. Khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 1ừ -20% không còn là áp lực, mà sẽ là cơ hội cho các ngân hàng.

Theo ông Hùng, đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2025. Đầu tư công được triển khai hiệu quả sẽ kích thích sản xuất của khu vực tư nhân và của toàn nền kinh tế, kéo theo nhu cầu tín dụng tăng lên.

Tín dụng tăng trưởng mạnh ngay từ quý 1 là một tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Với chính sách tiền tệ linh hoạt, sự phục hồi của các lĩnh vực trọng yếu và niềm tin từ doanh nghiệp, dòng vốn ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục chảy mạnh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong những tháng tới./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tin-dung-bat-tang-ngay-tu-dau-nam-don-bay-quan-trong-ho-tro-cho-tang-truong-post1024307.vnp
Zalo