Tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế

Chiều 28/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo Quốc hội về số liệu tín dụng bất động sản tăng nhanh và cao hơn tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế…

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải trình trước Quốc hội.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải trình trước Quốc hội.

Cụ thể, Thống đốc cho biết đến nay dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiểm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Trước đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9/2024 là 9% so với đầu năm, tương ứng mức tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản cao hơn tăng trưởng tín dụng chung, đạt 9,15% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng bất động sản kinh doanh tăng cao hơn so với tín dụng bất động sản tiêu dùng, lần lượt tăng 16% và 4,6% so với đầu năm.

Tại Báo cáo Giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” của Quốc hội có đề cập đến việc vào cuối năm 2022, việc tiếp cận tín dụng của các dự án bất động sản gặp khó khăn, ngay cả khi dự án có tài sản bảo đảm.

Giải trình về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tháng 10/2022 thị trường tiền tệ xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng SCB. Đây là sự kiện rút tiền hàng loạt với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử ngành ngân hàng. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự kiện SCB, tỷ giá có lúc tăng lên 10%. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng không dám cho vay, nhất là với các dự án bất động sản vốn có kỳ hạn quá dài vì cần chuẩn bị vốn nếu người dân đến rút tiền. Trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng phải ưu tiên các nhiệm vụ cấp bách và đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định tỷ giá nên chưa thể cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Ngay sau khi thanh khoản hệ thống ổn định, ngày 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã cấp nốt hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại cho các ngân hàng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh ngân hàng là một doanh nghiệp đặc biệt: “khác với các các doanh nghiệp thông thường, tổ chức tín dụng phải luôn luôn đảm bảo các quy định về an toàn vốn, đảm bảo thanh khoản để chi trả cho người gửi tiền”.

Theo bà Hồng, ngân hàng chủ yếu huy động vốn với kỳ hạn ngắn nhưng thị trường bất động sản lại cần vốn dài hạn lên đến 3-5 năm thậm chí hàng chục năm. Do đó, các tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng về thời hạn, lãi suất cũng như đảm bảo yêu cầu an toàn thu hồi vốn. Trong một số tình huống, ngay cả khi có những dự án bất động sản khả thi và có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng cũng không dám cho vay vì rủi ro chênh lệch kỳ hạn lớn, ngân hàng không cân đối được nguồn vốn dài hạn thì không thể cho vay.

Liên quan đến ý kiến cho rằng lãi suất cho vay đối với kinh doanh bất động sản và vay mua nhà hiện vẫn cao, bà Hồng lý giải do tín dụng bất động sản có kỳ hạn dài nên lãi suất cao vì các ngân hàng cũng phải trả lãi suất cao cho tiền gửi kỳ hạn dài. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các ngân hàng tiết kiệm chi phí, dùng nguồn lực của mình để giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bà Hồng cho biết từ khi đại dịch Covid-19 đến nay, ước tính con số miễn giảm phí, lãi cho người dân khoảng 60.000 tỷ đồng, đây hoàn toàn là từ nguồn lực của các ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, ngành ngân hàng đã ban hành Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư, người mua nhà các Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Hiện nay, đã có 9 ngân hàng15 đăng ký tham gia chương trình với tổng số tiền các ngân hàng đăng ký tham gia Chương trình là 145.000 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Chương trình theo hướng quy định mức lãi suất ưu đãi hơn cho người mua nhà. Đây hoàn toàn là gói tín dụng dựa trên nguồn lực của các ngân hàng.

Tuy nhiên, đến nay gói 145.000 tỷ đồng nói trên mới giải ngân được 1.700 tỷ đồng. Theo bà Hồng, đây mới là giai đoạn đầu của Chương trình nên tốc độ giải ngân còn chậm. Ngoài ra, thị trường bất động sản đang mất cân đối, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở có giá thành phù hợp với thu nhập người dân còn khan hiếm; một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý (về thủ tục về đầu tư, đất đai,...); sau đại dịch người thu nhập trung bình khá vẫn còn gặp khó khăn chưa nói đến người dân trên địa bàn thuộc khu vực nông thôn, có thu nhập thấp hoặc đối với công nhân trong các khu công nghiệp nên họ chưa có nhu cầu vay mua nhà.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiến nghị thời gian tới, Chính phủ cần có khảo sát nhu cầu thật của người lao động là sở hữu nhà ở hay đi thuê nhà để có giải pháp chính sách đúng và trúng. Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng kênh huy động vốn để giảm áp lực kỳ hạn cho kênh tín dụng ngân hàng vì đây là ngành có nhu cầu vốn rất dài hạn.

Tùng Thư

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tin-dung-bat-dong-san-dat-3-15-trieu-ty-dong-chiem-20-tong-du-no-nen-kinh-te.htm
Zalo