Tin cực vui cho người tham gia BHXH tự nguyện, mọi người nên biết
Nhà nước hỗ trợ người đóng BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hằng tháng. Cụ thể, hộ nghèo được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo 25% và 10% đối với các trường hợp khác.
Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, quy định người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng bằng 22% thu nhập vào quỹ hưu trí và tử tuất; còn chế độ thai sản được Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng.
Luật mới cũng giao Chính phủ quy định chi tiết các chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo nghị định quy định điều chỉnh tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện.
Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án tăng tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn.
Cụ thể, phương án 1, Nhà nước hỗ trợ 50% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, 40% đối với hộ cận nghèo, 30% đối với người tham gia BHXH thuộc dân tộc thiểu số, 20% đối với các đối tượng khác.
Phương án 2, Nhà nước hỗ trợ như sau: 30% với hộ nghèo, 25% với hộ cận nghèo, 20% với người dân tộc thiểu số và 10% đối với các đối tượng khác.
Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc nhiều đối tượng được hỗ trợ ở mức khác nhau thì được hỗ trợ theo mức hỗ trợ cao nhất.
Người lao động tham gia chính sách trên trước ngày 1/1/2021 và đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Sau thời điểm này, người lao động hưởng lương hưu như người tham gia BHXH bắt buộc, đó là đủ 15 năm đóng BHXH và nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc tăng mức hỗ trợ trên theo kiến nghị của các cử tri, đại biểu Quốc hội. Bởi lẽ, nhóm hộ nghèo, cận nghèo là yếu thế của xã hội, thực sự khó khăn, cần được ưu tiên hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội.