Tín chỉ carbon và tài sản số: Tiềm năng làm tài sản đảm bảo trong ngân hàng
Song song với nỗ lực của cơ quan quản lý, các đại biểu cho rằng, các ngân hàng thương mại cũng cần chủ động nâng cao năng lực để có thể quản lý hiệu quả tín chỉ carbon như một loại tài sản đảm bảo.

Các đại biểu tham dự tại Hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)
“Nếu Việt Nam kịp thời hoàn thiện hành lang pháp lý, tài sản số và tín chỉ carbon hoàn toàn có thể trở thành nguồn tài sản bảo đảm mới cho hệ thống ngân hàng.” Đó là những khẳng định của các đại biểu nêu ra tại hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 28/4 tại Hà Nội.
Tạo lập cơ chế thị trường linh hoạt, minh bạch và tin cậy
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thúy Sen khẳng định vấn đề tài sản bảo đảm ngân hàng cũng là một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, có những loại tài sản trước đây chưa được hình dung như tài sản số. Đây rõ ràng là một giá trị, được định lượng vì vậy có thể đưa ra làm tài sản bảo đảm, thế chấp cho khoản vay. Hay như trong việc phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tín dụng xanh… tín chỉ carbon cũng đã ra đời và có thể trở thành một loại tài sản bảo đảm.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó có nội dung liên quan đến tài sản số và tín chỉ carbon.
“Đây là những thí dụ điển hình thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc từng bước định hình hệ sinh thái cho các loại tài sản mới nổi như tài sản số và tín chỉ carbon,” bà Lê Thị Thúy Sen nhấn mạnh.
Về phía ngành ngân hàng, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Tài chính đang khẩn trương, tích cực nghiên cứu để đề xuất khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho lĩnh vực này, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo đảm môi trường đầu tư an toàn.
Tiến sỹ Vũ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG -KPMG Việt Nam cho rằng một đơn vị tín chỉ có thể giao dịch đại diện cho một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc một lượng tương đương của một khí nhà kính khác để giảm hoặc loại bỏ khỏi bầu khí quyển của Trái Đất. Hiện có hai loại tín chỉ carbon đó là tín chỉ giảm phát thải và tín chỉ loại bỏ phát thải. Cơ chế sử dụng của tín chỉ carbon dùng để bù đắp carbon được thực hiện bên ngoài chuỗi giá trị của doanh nghiệp và được tính vào mục tiêu giảm phát thải. Bên cạnh đó, tín chỉ carbon đóng góp vào quá trình phát thải hoặc các danh mục hoặc các mục tiêu phát triển bền vững rộng lớn hơn.
Trên cơ sở đó, tín chỉ carbon có ý nghĩa nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ các cam kết toàn cầu; tạo lập cơ chế thị trường linh hoạt, minh bạch và tin cậy; khuyến khích và thúc đẩy các hành vi bền vững tạo động lực cho các dự án bảo vệ môi trường, các sáng kiến nhằm giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường hiệu quả kinh tế vì tín chỉ cacbon được coi là một công cụ chính sách hiệu quả để giảm phát thải kín nhà kính với chi phí thấp nhất tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý khí thải nhà kính.

Tiến sỹ Vũ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG -KPMG Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)
Với nhiều ý nghĩa quan trọng, Tiến sỹ Lê Thị Giang, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết Việt Nam đã ban hành nghị định 06/2022/NĐ-CP dự kiến thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028. Tính đến năm 2024, Việt Nam có khoảng hơn 300 dự án tham gia thị trường carbon quốc tế, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, chi phí giao dịch tín chỉ carbon ở Việt Nam khá cao. Trung bình chi phí phát triển và xác minh một dự án tín chỉ carbon đạt tiêu chuẩn quốc tế dao động từ 100-500 nghìn USD/dự án, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Địa vị pháp lý rõ ràng sẽ mang lại nhiều lợi ích
Tiến sĩ Lê Thị Giang cho biết hiện nay khung pháp lý cho tài sản số vẫn đang trong quá trình xây dựng. Đáng chú ý, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã bước đầu xác lập khái niệm tài sản số và quyền sở hữu với tài sản này.
“Đây là bước đi quan trọng mở đường cho việc xác lập và giao dịch bảo đảm đối với tài sản số trong tương lai,” bà Giang nhấn mạnh.
Còn tín chỉ carbon là loại tài sản gắn với xu hướng chuyển đổi xanh và được quan tâm ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 xác định tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch, thể hiện quyền phát thải một tấn CO₂ hoặc tương đương. Tín chỉ này thường được tạo ra từ các dự án giảm phát thải như trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo hoặc cải tiến công nghệ. Trên thực tế, tín chỉ carbon đang dần trở thành công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc xác lập giao dịch bảo đảm đối với tín chỉ carbon vẫn chưa có quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam.
Dù chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh, song một số quy định hiện hành đã manh nha định hướng cho việc này. Tại điểm 8, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tài sản bảo đảm bao gồm tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai trừ tài sản đang bị cấm mua bán, cấm chuyển nhượng, cấm chuyển giao. Vì vậy hoàn toàn có thể khẳng định, Luật đã quy định rất rộng về tài sản bảo đảm.

Tiến sỹ Lê Thị Giang, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nếu đối chiếu với quy định này, có thể thấy Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã trực tiếp đề cập đến tín chỉ carbon. Hiện nay, tại Việt Nam, hoạt động giao dịch tín chỉ carbon đang ngày càng phổ biến và không bị cấm mua bán, chuyển nhượng.
Do đó, có thể hiểu rằng việc nhận bảo đảm bằng tài sản là tín chỉ carbon là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế lại là một bài toán vô cùng khó đối với các ngân hàng. Với tài sản truyền thống như đất đai, nhà ở, các ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm nghiệp vụ, thì tín chỉ carbon còn là một loại tài sản rất mới mẻ, nên việc nhận tài sản bảo đảm là carbon sẽ là thách thức không nhỏ đối với những ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, Tiến sỹ, Luật sư Vũ Văn Tính đề nghị Việt Nam nên nghiên cứu ban hành luật hoặc Nghị định riêng về tài sản số, quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan như: nhà phát hành, sàn giao dịch, nhà đầu tư và yêu cầu cấp phép hoạt động. Mặt khác, tăng cường giám sát chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, yêu cầu sàn giao dịch đăng ký với cơ quan quản lý.
Song song với nỗ lực của cơ quan quản lý, Tiến sỹ Vũ Thị Vân Anh cho rằng các ngân hàng thương mại cũng cần chủ động nâng cao năng lực để có thể quản lý hiệu quả tín chỉ carbon như một loại tài sản đảm bảo. Điều này bao gồm việc xây dựng bộ phận chuyên trách hoặc hợp tác với các đơn vị có chuyên môn để thực hiện thẩm định giá trị và tính pháp lý của tín chỉ carbon. Công tác đào tạo cán bộ tín dụng và quản lý rủi ro về thị trường carbon, phương pháp định giá và các khía cạnh pháp lý liên quan cũng cần được chú trọng.
Để tích hợp tín chỉ carbon vào hoạt động tín dụng, các ngân hàng cần xây dựng chính sách tín dụng riêng cho tài sản xanh, phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mà trong đó tín chỉ carbon có thể được chấp nhận làm tài sản đảm bảo. Hợp đồng tín dụng cần được thiết kế với các điều khoản rõ ràng về quyền sở hữu, phương pháp định giá, quy trình thanh lý và quản trị rủi ro đối với tín chỉ carbon. Việc thiết lập khung đánh giá rủi ro riêng, dựa trên các yếu tố như biến động giá, tính thanh khoản và tính pháp lý của tín chỉ carbon là cần thiết để đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng.
"Việc hoàn thiện khung pháp lý không chỉ giúp ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm hơn khi tiếp cận loại tài sản mới mà còn tạo động lực thúc đẩy tài chính xanh, kinh tế số nhằm phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và phát triển bền vững," bà Vũ Thị Vân Anh khẳng định./.