Tin BÃO KHẨN CẤP (BÃO SỐ 3 - BÃO WIPHA) và CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
Cổng TTĐT Chính phủ liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về diễn biến bão số 3 - bão WIPHA và các chỉ đạo ứng phó bão của cơ quan chức năng.
Dự báo vị trí và đường đi của bão số 3 - bão WIPHA.
Bão số 3 - Bão WIPHA có khả năng đổ bộ vào Quảng Ninh - Thanh Hóa
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng sớm 18/7, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão, tên quốc tế là bão WIPHA.
Sáng 19/7, bão WIPHA đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025.
Hồi 04 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Quảng Ninh–Hải Phòng khoảng 275km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11. Bão di chuyển hướng Tây Tây Nam, tốc độ 15–20km/h.
Hồi 7h, vị trí tâm bão tâm bão số 3 ở vào khoảng 21.3 độ Vĩ Bắc; 109.9 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 222 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất: Cấp 9 (75-88 km/h), giật cấp 11.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Dự báo diễn biến bão số 3 - bão WIPHA (24 đến 72 giờ tới)

Trên biển:
Tây Bắc Bắc Biển Đông: Gió cấp 7–8, vùng gần tâm bão cấp 9, giật cấp 11; sóng cao 4–6m, biển động rất mạnh.
Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, đảo Hòn Dấu): có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14; sóng 3–5m, biển động dữ dội.
Nam vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; sóng 2–4m, biển động rất mạnh.
Nước dâng:
Hải Phòng – Quảng Ninh: nước dâng 0,5–1,0m.
Mực nước: Hòn Dấu 3,7–4,1m, Cửa Ông 4,4–4,8m, Trà Cổ 3,6–4,0m.
Nguy cơ ngập úng ven biển, cửa sông vào chiều 22/7.
Trên đất liền:
Từ tối và đêm 21/7, vùng ven biển Quảng Ninh – Nghệ An gió mạnh dần lên cấp 7–9, gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14. Sâu trong đất liền gió cấp 6, giật cấp 7–8. Gió cấp 10–11 có thể gây đổ cây, cột điện, tốc mái.
Mưa lớn: Từ 21–23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An mưa rất to 200–350mm, có nơi trên 600mm. Các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa 100–200mm, có nơi trên 300mm.
Nguy cơ cao: Mưa lớn cường suất >150mm/3h gây lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu vùng trũng thấp.
DỰ BÁO GIÓ MẠNH, SÓNG LỚN, MƯA DÔNG TRÊN BIỂN
Hiện trạng: Hiện nay, ở vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm đặc khu Hoàng Sa) có mưa rào và dông; riêng vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão.
Ghi nhận gió giật cấp 8 tại đặc khu Bạch Long Vĩ, gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 9 tại Phú Quý, và gió giật cấp 7 tại trạm Song Tử Tây.
Dự báo: Ngày và đêm 20/7, vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm đặc khu Hoàng Sa), vùng biển từ TP.HCM đến Cà Mau, Cà Mau đến An Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông; riêng phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông và phía Đông khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ có mưa bão. Trong dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh, sóng cao trên 3.0m.
Gió mạnh – biển động: Phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8–10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11–12, giật cấp 15, sóng cao 5.0–7.0m, biển động dữ dội.
Phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm đặc khu Hoàng Sa), khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển từ Gia Lai đến TPHCM có gió cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8–9, sóng cao 2.0–5.0m, biển động mạnh.
Từ Nam Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Nam Biển Đông (bao gồm đặc khu Trường Sa) có gió cấp 6, giật cấp 7–8, sóng cao 2.0–4.0m, biển động.
Bắc vịnh Bắc Bộ có gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7–8; đêm tăng lên cấp 6–7, sau đó mạnh lên cấp 8–9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10–11, giật cấp 14; sóng cao 1.5–3.0m, đêm tăng lên 2.0–4.5m, biển động dữ dội.
Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Đồng Tháp đến Cà Mau có gió cấp 5, có lúc cấp 6, riêng Nam vịnh Bắc Bộ đêm tăng lên cấp 6–7, giật cấp 8–9, sóng cao 1.5–4.0m, biển động mạnh.
Cảnh báo: Ngày 21/7, vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8–9, giật cấp 10–11, sóng cao 4.0–6.0m, biển động rất mạnh. Từ đêm gió giảm dần.
Trong ngày và đêm 21/7, khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7–9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10–11, giật cấp 14, sóng cao 2.0–4.0m, vùng gần tâm 3.0–5.0m, biển động dữ dội.
Khu vực Nam vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8–9, giật cấp 11, sóng cao 3.0–5.0m, biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Nam Quảng Trị đến TP.HCM, phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm đặc khu Hoàng Sa), khu vực Giữa Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8–9, sóng cao 2.0–5.0m, biển động mạnh.
Nam Biển Đông (bao gồm đặc khu Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7–8, sóng cao 2.0–4.0m, biển động.
Khuyến cáo: Toàn bộ tàu thuyền hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2, riêng vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông cấp 3.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 117/CĐ-TTg, ngày 20/7 chỉ đạo khẩn trương triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3.
Thủ tướng Chính phủ điện Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội; Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Hiện nay, bão số 3 đang hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông, cường độ rất mạnh (cấp 12, giật cấp 15). Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ chiều tối ngày ngày 21 tháng 7 năm 2025, gây gió mạnh, mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở trung du và miền núi, ngập lụt tại các vùng thấp trũng và đô thị.
Tập trung ứng phó bão số 3 với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất
Tiếp theo Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi ảnh hưởng của bão tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão, mưa lũ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2025 với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo:
a) Bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo:
1) Tập trung kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền tại khu neo đậu; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu khi bão đổ bộ vào.
2) Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán, không để người dân ở lại trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trước và trong khi bão đổ bộ.
3) Căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
b) Bảo đảm an toàn khu vực ven biển và trên đất liền:
1) Chủ động rà soát các khu dân cư, tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
2) Gia cố, bảo vệ nhà xưởng, công trình hạ tầng (hệ thống viễn thông, hệ thống lưới điện,…) và có biện pháp khắc phục nhanh sự cố, duy trì hoạt động, không để gián đoạn trước, trong và sau bão.
3) Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, dông lốc trước bão; kiểm soát, hướng dẫn tại các ngầm, tràn, đường giao thông ngập sâu, nước chảy xiết, các tuyến đường bị sự cố hoặc có nguy cơ sạt lở; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
3. Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức theo dõi, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão theo quy định; chủ động chỉ đạo, đôn đôn đốc các địa phương ứng phó phù hợp với diễn biến của cơn bão, mưa, lũ, sạt lở; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa thủy lợi, sản xuất nông nghiệp.
4. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công, thành lập các đoàn công tác để phối hợp với các địa phương chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ, trong đó: Bộ Quốc phòng tại tỉnh Quảng Ninh; Bộ Công an tại thành phố Hải Phòng; Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại tỉnh Ninh Bình; Bộ Xây dựng tại tỉnh Hưng Yên; Bộ Khoa học và Công nghệ tại tỉnh Thanh Hóa.
5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tăng cường chỉ đạo, đưa tin kịp thời về diễn biến của cơn bão, hướng dẫn người dân kỹ năng phòng, ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
6. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai Công điện này.
7. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh, thành phố cần rà soát và đánh giá thực chất mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo ứng phó bão số 3 (bão Wipha)
Sáng 20/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh miền bắc, Bắc Trung bộ, và hơn 1.700 xã, phường về công tác chủ động ứng phó cơn bão số 3 (bão Wipha).
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo, chiều 21/7 bão đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14. Đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7/2025.
Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, từ khoảng ngày 20-21/7, các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải... có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13- 14, sóng biển cao 3-5m do bão số 3.
Từ khoảng tối 21/7 vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh-Thanh Hóa có gió mạnh cấp 7-9, sóng biển cao 3-5m. Sóng lớn kết hợp triều cường ở mức cao có thể gây ngập úng những khu vực trũng, thấp tại ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, đặc biệt vào thời điểm trưa và chiều các ngày 21-23/7.
Do phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 rộng, lệch Tây và Nam, hầu khắp khu vực phía Đông Bắc Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Trung Bộ. Chịu ảnh hưởng trực tiếp gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất.
Từ tối và đêm 21/7, trên đất liền ven biển Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 7-9, giật cấp 10-11; sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14.
Cục Khí tượng Thủy văn kiến nghị các tỉnh ven biển Bắc bộ cấm biển từ 10 giờ ngày 21/7, khu vực Bắc Trung bộ từ 14 giờ ngày 21/7; đêm 21/7, rạng sáng 22/7 cần hoàn thành các biện pháp phòng, chống bão ở khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Dự báo bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa-Hà Tĩnh từ ngày 21/7. Trong đó ở khu Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, thời gian mưa từ ngày 21-23/7, lượng mưa 200- 350mm, có nơi trên 600mm, các nơi khác 100-200mm. Có thể xảy ra mưa cường suất lớn, 150-200mm/3 giờ.
Từ ngày 21-24/7, trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên từ 3–6m. Cảnh báo ngập lụt vùng trũng thấp ven sông, đô thị, khu vực tập trung dân.
Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia đã tăng cường ban hành bản tin nhanh về bão số 3 lên 1 giờ/lần từ 06 giờ ngày 20/7/2025.
Ngoài duy trì hệ thống giám sát thường xuyên, Cục Khí tượng Thủy văn sẽ tăng cường quan trắc 30 phút/lần với các trạm đảo thuộc khu vực Vịnh Bắc Bộ từ khoảng chiều 20/7; tăng cường quan trắc 30 phút/lần với các trạm ven biển và trên đất liền ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh từ khoảng chiều 21/7; tăng cường các trạm đo di động khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên; trang bị điện thoại vệ tinh cho một số trạm khí tượng thủy văn trọng điểm để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong tình huống mạng lưới viễn thông thông thường bị ảnh hưởng, gián đoạn.

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự
Thực hiện phương châm "một người chỉ huy thống nhất tại chỗ"
Thảo luận tại cuộc họp, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng cho biết, Quân đội đã chủ động, triển khai đồng bộ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện và tổ chức chỉ huy từ Trung ương đến địa phương để ứng phó kịp thời với bão số 3.
Đồng thời đề nghị các địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 và Nghị định quy định chi tiết Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, hiệp đồng, thông tin liên lạc và xử lý tình huống nhanh, chính xác, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp.
Đồng tình với ý kiến này, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng cơ chế lãnh đạo, chỉ huy trong phòng chống thiên tai phải thực hiện theo phương châm "một người chỉ huy thống nhất tại chỗ", các lực lượng làm nhiệm vụ, kể cả Từ trung ương tăng cường cũng phải đặt dưới sự điều hành trực tiếp của chính quyền địa phương.
Bộ Công an luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để tham gia phòng chống thiên tai, lụt bão khi có lệnh điều động của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người dân, tài sản và hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao, di tích lịch sử. Các địa phương được đề nghị chủ động xem xét hoãn hoặc hủy các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí tập trung đông người.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình bão và biện pháp ứng phó thông qua các cơ quan báo chí và hệ thống truyền thanh cơ sở, phát huy vai trò của loa phường, xã trong truyền thông đến người dân.

Lãnh đạo các địa phương báo cáo tình hình chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại cuộc họp - Ảnh: VGP/MK
Không để lặp lại tình trạng mất liên lạc hay đứt gãy thông tin chỉ đạo
Báo cáo Phó Thủ tướng, lãnh đạo Thanh Hóa cho biết địa phương đã huy động các đoàn công tác xuống cơ sở, sẵn sàng phương án di dời gần 170.000 dân khi có báo động đỏ, thành lập 166 tổ xung kích tại 166 xã, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền và vùng nuôi trồng thủy sản. Hệ thống hồ đập, ngầm tràn, thiết bị cứu hộ đã được rà soát, bố trí theo từng cung chặng.
Nghệ An đã kiểm soát toàn bộ tàu thuyền trên biển, bảo đảm an toàn 1.061 hồ đập, chuẩn bị phương án phòng sạt lở ở vùng núi và đảm bảo thông tin thông suốt tại 121 xã.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, các xã đã lên phương án di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm, huy động lực lượng tại chỗ sẵn sàng hỗ trợ các xã có nguy cơ cao. Công tác kiểm tra, rà soát các công trình xung yếu, trạm điện, khu vực có nguy cơ mất an toàn được triển khai đồng bộ.
Tại Quảng Ninh, tỉnh đã ban hành lệnh cấm biển từ 11h ngày 20/7, yêu cầu các tàu thuyền, tàu du lịch khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn. UBND tỉnh Quảng Ninh đã phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống các địa bàn xung yếu. Địa phương đặc biệt lưu ý công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch, khu nuôi trồng và khai thác thủy sản, khu vực sông suối và các mỏ than.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao tinh thần chủ động, quyết liệt, thực chất, sát cơ sở của các địa phương, đặc biệt là việc tổ chức điều hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tính mạng và tài sản nhân dân trong mọi tình huống thiên tai.
Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương tiếp tục rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn; đồng thời duy trì chế độ trực ban, thông tin thông suốt, sẵn sàng phương án xử lý mọi tình huống bất thường có thể xảy ra.
Đại diện các tập đoàn Viettel, VNPT, Tổng công ty Điện lực đã báo cáo công tác chuẩn bị, đảm bảo thông tin liên lạc, điện lực và an toàn công trình trong bối cảnh bão số 3 đang tiến gần.
Viettel cho biết đã hoàn thành 50% kế hoạch củng cố hạ tầng mạng lưới phòng chống thiên tai, đặc biệt triển khai kết nối vệ tinh dự phòng tại các đảo và vùng ven biển để đảm bảo duy trì thông tin chỉ đạo, kể cả khi hạ tầng cáp quang bị ảnh hưởng.
VNPT thông tin đã gia cố hạ tầng viễn thông, sẵn sàng phương án chia sẻ mạng kết nối giữa ba nhà mạng để duy trì phủ sóng. Hơn 100 trạm phát vệ tinh và xe phát sóng lưu động cũng đã được bố trí sẵn sàng hỗ trợ khu vực bị cô lập.
Ngành điện lực khẳng định đã tuân thủ các quy trình xả lũ, vận hành hồ chứa, xử lý nhanh các sự cố. Các công trình trọng điểm như đường dây 500kV được kiểm tra, chằng chống lán trại, vật tư, bảo đảm không để xảy ra thiệt hại.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương xác định rõ khu vực đặc biệt xung yếu, những công trình có nguy cơ cao, dựa trên bản đồ cảnh báo sạt lở, lũ ống, lũ quét - Ảnh: VGP/MK
Cập nhật liên tục, đầy đủ dự báo, diễn biến bão số 3
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, bão số 3 rất mạnh, diễn biến phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh, nhưng lại có thời gian dừng lâu ở gần đất liền càng làm tăng nguy cơ thiệt hại khi đổ bộ vào đất liền.
Do đó, các cơ quan chuyên môn phải thông tin đầy đủ, chính xác, đánh giá đúng tính chất phức tạp, nguy hiểm của bão, tránh tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống. Các bộ, ngành, địa phương phải duy trì chế độ trực 24/24h, căn cứ vào các bản tin cập nhật liên tục của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia để chỉ đạo điều hành kịp thời.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát ngay khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, sớm cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó. Đặc biệt, cần xác định rõ khu vực đặc biệt xung yếu, những công trình có nguy cơ cao, dựa trên bản đồ cảnh báo sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Đồng thời, khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, phân công từng thành viên phụ trách khu vực xung yếu.
Mô hình tổ chức ở một số địa phương như Thanh Hóa, Ninh Bình... được đánh giá tốt khi xác định rõ địa bàn trọng điểm cấp xã, liên kết giữa các xã để điều phối nhân lực, vật tư hợp lý.
Tại Trung ương, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Quốc phòng và các cơ quan truyền thông cập nhật liên tục thông tin cảnh báo vùng nguy hiểm trên biển, đặc biệt là khu vực tàu thuyền hoạt động, đảm bảo thông tin kịp thời để ngư dân di chuyển đến nơi an toàn; kiểm tra hệ thống đê điều tại các khu vực trọng yếu như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định - nơi có nhiều tuyến đê chưa hoàn thành, cần tu bổ, sửa chữa gấp.
Các đài khí tượng thủy văn khu vực phải dự báo cụ thể khu vực chịu ảnh hưởng của triều cường; cảnh báo khu vực có mưa lớn, nguy cơ ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cao (đặc biệt là phía Tây Thanh Hóa, Bắc Nghệ An), làm căn cứ để địa phương xác định cụ thể trên bản đồ hiện trạng, chủ động phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác dự báo phải luôn sẵn sàng, chủ động trên cơ sở khoa học, tuyệt đối không chủ quan. Cục Khí tượng Thủy văn chỉ đạo các đài khu vực công bố đầy đủ số liệu dự báo, phối hợp với địa phương để chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão số 3.
"Ngoài việc đưa ra các số liệu chuyên môn và thuật ngữ kỹ thuật, cần diễn giải rõ ràng, dễ hiểu để người dân nắm được cụ thể. Nếu gió mạnh đến mức nào thì cây có thể đổ, mái nhà cấp bốn có thể bị tốc mái, người ra đường có thể bị gió cuốn, phương tiện giao thông có thể bị thổi bay... có như vậy người dân mới hình dung rõ mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh", Phó Thủ tướng lưu ý.
Tại các vùng nuôi trồng thủy sản, nhà bè đơn sơ, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tính toán kỹ lưỡng phương án cưỡng chế sơ tán nếu cần thiết, bảo vệ tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu. Cấp ủy, chính quyền xã phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện nghiêm yêu cầu và để xảy ra thiệt hại về người, tài sản.
Về tổ chức chỉ huy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò công tác điều hành tại chỗ thông qua cơ chế rõ ràng, linh hoạt của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã, tỉnh. Những khu vực vượt quá khả năng, địa phương cần chủ động báo cáo sớm, đầy đủ, trung thực về thực trạng đê điều, vật tư, lực lượng, cơ sở hạ tầng để có phương án điều phối từ Trung ương.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT...) khẩn trương kiểm tra kết nối hệ thống thông tin tại các khu vực nguy cơ cô lập cao như các đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa… không để lặp lại tình trạng mất liên lạc hay đứt gãy thông tin chỉ đạo như trong các tình huống thiên tai trước đây, đặc biệt tại các khu vực miền núi Nghệ An, Thanh Hóa và vùng ven biển.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội; Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Nội dung công điện như sau:
Sáng ngày 19 tháng 7 năm 2025, cơn bão có tên quốc tế là WIPHA đã đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025, cường độ đã đạt cấp 10, giật cấp 12. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão còn tiếp tục mạnh lên (sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 15), từ ngày 21-22 tháng 7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, gây gió mạnh, mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).
Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi và cường độ ảnh hưởng trên biển và đất liền rất rộng và nguy hiểm. Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi:
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; chỉ đạo, triển khai công tác kiểm đếm, hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ:
a) Tổ chức cập nhật đầy đủ, thông tin kịp thời về tình hình thiên tai đến người dân để Nhân dân chủ động ứng phó bảo đảm an toàn; tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp, kỹ năng ứng phó, nhất là gió mạnh, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
b) Tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
c) Có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên các đảo và khu vực ven biển.
d) Sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống lưới điện, viễn thông.
đ) Khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục những sự cố, hư hỏng của công trình đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua; kiểm tra, rà soát sẵn sàng phương án hộ đê chống lũ trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ".
e) Sẵn sàng bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
g) Kiểm tra, rà soát các công trình xung yếu, các công trình đang thi công dở dang, các hồ chứa nhỏ đã đầy nước; tổ chức thường trực, sẵn sàng điều tiết đảm bảo an toàn công trình, hạ du khi xảy ra mưa lũ.
h) Sẵn sàng phương án đảm bảo tiêu nước, chống úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp; khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư.
i) Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi tình hình thiên tai và tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức trực ban, theo dõi sát diễn biến, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, thiên tai tới các cơ quan chức năng và người dân; chủ động chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
4. Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các Quân khu, các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ Nhân dân ứng phó với bão, mưa lũ, cứu hộ cứu nạn khi có đề nghị của địa phương.
5. Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo công tác ứng phó với bão, mưa lũ đối với lĩnh vực của Bộ, trong đó lưu ý chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho sản xuất, an toàn hồ đập thủy điện, hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông.
6. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam kịp thời thông tin về tình hình thiên tai và công tác chỉ đạo ứng phó của các cơ quan chức năng, tăng cường phổ biến, hướng dẫn biện pháp, kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét cho người dân.
7. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến bão, lũ.
8. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Tập trung ở cấp độ cao nhất, khẩn trương ứng phó Bão số 3
Bão số 3 là cơn bão được đánh giá là rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi, cường độ ảnh hưởng rộng và nguy hiểm.
Để tiếp tục chủ động ứng phó với bão và mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; Thực hiện Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025 và Công văn số 36-CV/TU ngày 19/7/2025 của Thường trực Thành ủy Hải Phòng về việc tăng cường chỉ đạo, chủ động phòng, chống cơn Bão số 3; Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường, đặc khu và thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung ở cấp độ cao nhất, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão theo các nội dung chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão, lũ, mưa lớn gây ra.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, mưa lớn, lũ, bảo vệ an toàn về người và tài sản; hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn.

Công điện yêu cầu, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn.
UBND các xã, phường, đặc khu tiếp tục rà soát, chủ động phương án sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các vùng ven biển, nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn.
Đồng thời chuẩn bị phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu để đảm bảo ổn định đời sống cho người dân phải sơ tán.
Các địa phương cần chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở làm việc, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống lưới điện và viễn thông.
Chủ động bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nơi đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, kiên quyết không để người và phương tiện di chuyển qua khu vực không đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn.
Đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi mưa lớn xảy ra.
Các địa phương kiểm tra, rà soát kỹ các công trình xung yếu, công trình đang thi công dở dang, các hồ chứa đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực, sẵn sàng vận hành điều tiết nhằm đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du khi có mưa lũ.
Có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các đảo và khu vực ven biển; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách lưu trú trong trường hợp không thể di chuyển do ảnh hưởng của bão.
Chủ động thu hoạch sớm các loại nông sản đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; thực hiện các biện pháp bảo vệ diện tích cây rau màu, cây ăn quả, lúa mới gieo cấy, đặc biệt lưu ý các phương án chống úng tại khu vực trũng thấp.
Đồng thời, xây dựng phương án dự phòng ứng phó khi xảy ra sự cố mất điện lưới, đảm bảo duy trì công tác chỉ đạo, điều hành thông suốt trong mọi tình huống.
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố kiểm đếm, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tàu thuyền; gia cố lồng bè thủy sản.
Tuyệt đối không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là du khách trên biển và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự thành phố (Sở Nông nghiệp và Môi trường) căn cứ diễn biến của bão, chủ động ban hành văn bản đình chỉ các hoạt động của tàu cá, các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển, ven biển, đảo và ven sông theo quy định.
Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm đảm bảo an toàn giao thông thủy, bộ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các phương tiện vận tải thủy, yêu cầu các tàu, thuyền neo đậu tại vị trí an toàn trước khi bão đổ bộ, đồng thời kiên quyết không cho phép hoạt động các bến đò ngang, đò dọc trong thời điểm bão ảnh hưởng đến đất liền.
Chủ động theo dõi, ban hành thông báo cấm hoặc dừng hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, các bến phà, bến đò theo đúng thẩm quyền.
Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương rà soát và sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo tiêu thoát nước tại khu vực đô thị trong trường hợp xảy ra mưa lớn; đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn tại các khu vực cảng biển, khu logistic ven biển, khu hậu cần dịch vụ cảng; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các bến phà, bến đò; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư chuyên ngành để sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra.
Rà soát, kiểm tra các khu chung cư cũ, yếu, có nguy cơ mất an toàn, xây dựng phương án sơ tán người dân trước khi bão đổ bộ; chủ động phòng chống, cứu hộ, cứu sập nhà cửa.
Khẩn trương chỉ đạo, hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gãy đổ gây cản trở giao thông hoặc ảnh hưởng hệ thống điện; xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai đối với các công trình công cộng và dân dụng.
Tổ chức kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình cao tầng; kiểm tra cầu tàu, bến cảng, khu hậu cần dịch vụ cảng, lưu ý hạ thấp độ cao xếp tầng container, cẩu trục; rà soát, đảm bảo an toàn cho các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông và công trình công cộng.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động các biện pháp tiêu nước đệm trong hệ thống thủy lợi đề phòng ngập úng, bảo vệ cây trồng, khu nuôi trồng thủy sản tập trung; thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt, cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố; rà soát, có phương án đảm bảo tiêu thoát nước đô thị trong trường hợp mưa lớn gây ngập lụt; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.
Kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi, hồ đập, thực hiện phương án bảo vệ công trình trọng điểm, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố khi bão đổ bộ, mưa, lũ; thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố; bố trí nhân lực trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục những sự cố, hư hỏng của công trình đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua; kiểm tra, rà soát sẵn sàng phương án hộ đê chống lũ. Chỉ đạo công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão, lũ, mưa lớn gây ra.
Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi, căn cứ diễn biến của bão để chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục dừng các hoạt động giảng dạy, tập trung học sinh, sinh viên; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, chằng chống công trình lớp học, cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên các cơ sở giáo dục.
Sở Công Thương, Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Phòng chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, có phương án ưu tiên cấp điện ổn định tại các trụ sở cơ quan nhà nước phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và các cơ sở khác theo phương án cấp điện ưu tiên đã phê duyệt.
Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện và thuốc y tế dự phòng. Xây dựng phương án bảo đảm cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị, phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân đến nơi an toàn, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương.
Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các đơn vị viễn thông chủ động kiểm tra, rà soát, có phương án đảm bảo thông tin liên lạc ổn định khi có tình huống xảy ra.
Đề nghị Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Chi cục Hàng hải và Đường thủy phía Bắc chỉ đạo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện thủy neo đậu tại các vùng nước do đơn vị quản lý đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến các công trình kết cấu hạ tầng khác khi có sự cố xảy ra; chỉ đạo các doanh nghiệp cảng hạ thấp độ cao xếp tầng các container, cẩu trục để đảm bảo an toàn.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải chủ động phối hợp với các địa phương có giải pháp gạn tháo, điều tiết nước trên hệ thống kênh trục; triển khai các phương án bảo vệ an toàn hệ thống bờ kênh trục thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự thành phố chủ động kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Thường trực Đảng ủy các xã, phường, đặc khu tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do bão trên địa bàn quản lý.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo khẩn ứng phó bão số 3 (WIPHA)
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (WIPHA), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Công điện số 4702/CĐ-EVN ngày 20/7/2025, yêu cầu các đơn vị thành viên khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Công điện nêu rõ việc thực hiện nghiêm Công điện số 5380/CĐ-BCT ngày 19/7/2025 của Bộ Công Thương và tiếp tục triển khai Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 20/3/2025 của Bộ Công Thương, Chỉ thị số 1777/CT-EVN ngày 21/3/2025 của EVN về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.
EVN yêu cầu các đơn vị theo dõi thường xuyên bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó. Các nội dung chỉ đạo được cập nhật đầy đủ trên phần mềm SMIS để triển khai kịp thời.
Các đơn vị tạm dừng hoạt động chưa cần thiết, tổ chức trực ban 24/24 giờ, tuyệt đối không được chủ quan, tập trung chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ.
EVN chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện và vật tư để khắc phục kịp thời sự cố do thiên tai gây ra.
Các đơn vị lưới điện tiếp tục gia cố, xử lý các điểm xung yếu, bảo đảm an toàn tại các trạm điện có nguy cơ ngập úng; tăng cường cảnh báo nguy cơ sạt lở, ngập sâu tại các tuyến đường dây vùng núi, ven sông, khu vực từng xảy ra sạt lở; khi xảy ra sự cố mất điện cần khẩn trương khắc phục, sớm khôi phục cấp điện, đặc biệt với các phụ tải quan trọng và công trình phòng chống thiên tai. Tuyệt đối không đóng điện trở lại khi chưa xác minh điều kiện an toàn tại hiện trường.
Đối với các đơn vị thủy điện, EVN yêu cầu tổ chức quan trắc, thu thập thông tin khí tượng thủy văn, chủ động tham mưu điều hành xả lũ hồ chứa theo quy trình liên hồ hoặc đơn hồ, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, đặc biệt tại các điểm xung yếu; bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó tình huống xả lũ khẩn cấp.
Tại các nhà máy nhiệt điện, cần tăng cường kiểm tra hệ thống thoát nước mặt, kho nhiên liệu, bãi thải xỉ, đảm bảo vận hành an toàn và dự phòng đủ nhiên liệu khi có lệnh cấm biển từ địa phương.
Các Ban Quản lý dự án được yêu cầu kiểm tra công trường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị, nhất là tại các dự án trọng điểm như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch, đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên. Đồng thời, cần dự trữ nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho cán bộ, công nhân viên và kiểm tra hệ thống thoát nước, che chắn hạng mục thi công để phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ.
EVN yêu cầu các đơn vị cập nhật báo cáo thiệt hại, sự cố do thiên tai lên phần mềm SMIS trước 7h00, 13h00 và 19h00 hằng ngày. Trường hợp có sự cố lớn, đơn vị phải nhanh chóng cung cấp thông tin sơ bộ tới Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Tập đoàn.
Bộ Công Thương ban hành công điện về ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (WIPHA)
Bộ Công Thương ban hành Công điện 5380/CĐ-BCT ngày 19/7/2025 về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (WIPHA).
Công điện nêu rõ, Bão số 3 đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20 km/h. Bão có xu hướng tiếp tục mạnh thêm khi tiến gần Bắc Biển Đông.
Đến chiều ngày 20/7, bão số 3 sẽ đi chếch lên hướng Tây Tây Bắc, tốc độ tăng lên 20–25 km/h và khả năng tiếp tục mạnh thêm (sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 15). Tâm bão số 3 dự báo sẽ vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa, sức gió còn cấp 8, giật cấp 10.
Cơn bão số 3 (Wipha) được dự báo có cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, phạm vi và cường độ ảnh hưởng trên biển và đất liền rất rộng và nguy hiểm.
Thực hiện Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão số 3, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, tiếp theo Công điện số 5305/CĐ-BCT ngày 17 tháng 7 năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng tại các đơn vị trong ngành Công Thương tập trung lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần, trách nhiệm ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, đồng thời khẩn trương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ sau:
1. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố
- Tiếp tục thực hiện nghiêm các Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 5305/CĐ-BCT ngày 17 tháng 7 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
- Chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn triển khai công tác bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, bảo vệ sản xuất; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố; thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tăng cường kiểm tra các hạng mục thiết bị, máy móc phục vụ vận hành an toàn công trình đập trong mọi tình huống; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời cho người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ, nhất là tình huống xả lũ khẩn cấp theo quy trình được duyệt.
- Tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hệ thống lưới điện thuộc địa bàn quản lý.
- Chỉ đạo các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn quản lý, nhất là các cơ sở tại khu vực gần bờ biển hoặc khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất phải có phương án ứng đảm bảo an toàn cho người, tài sản và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra.
- Kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư các công trình công nghiệp, nhất là công trình thủy điện, khai thác khoáng sản đang thi công xây dựng tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất phải dừng ngay việc thi công trong thời gian bão đi qua, có phương án di dời người lao động và máy móc, thiết bị, vật tư đến nơi an toàn, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.
2. Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia
- Huy động các nguồn điện hợp lý để hệ thống điện Quốc gia vận hành an toàn, liên tục, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện để cập nhật tình hình thủy văn thực tế, tình hình lũ về và yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo hiệu quả phát điện; lập kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện đảm bảo tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ chứa và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan để tối ưu chế độ vận hành của nhà máy điện và lưới điện, hạn chế các nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện, sự cố tổ máy phát điện.
3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Chỉ đạo các đơn vị điện lực tại các địa phương, các chủ đập thủy điện thuộc phạm vi quản lý tập trung sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu bão; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra đối với các công trình lưới điện, hồ đập thủy điện nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; sẵn sàng mọi phương án để cung cấp điện trở lại sớm nhất đối với các khu vực bị sự cố do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão.
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ yêu cầu tại Công điện này.
- Phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công, sửa chữa; công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình.
4. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
- Chỉ đạo các cơ sở khai thác than - khoáng sản thuộc phạm vi quản lý, nhất là các đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chủ động kiểm tra công tác an toàn, phòng chống sụt lở đất, ngập lụt tại các mỏ; tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại các bãi đất đá thải, hồ thải quặng đuôi để kịp thời xử lý các hư hỏng (nếu có)...
- Khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị ứng phó bão tại các điểm khai thác hầm lò, lộ thiên, các bãi thải xung yếu... chủ động xử lý và có phương án đảm bảo an toàn công trình và khu dân cư lân cận, nhất là trong tình huống xảy ra mưa lũ lớn.
5. Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam
Chỉ đạo các đơn vị kiểm tra công tác đảm bảo an toàn và biện pháp phòng chống bão số 3 tại các công trình dầu khí, đặc biệt là các công trình tại khu vực Bắc và giữa biển Đông.
6. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
- Chỉ đạo các đơn vị triển khai các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại từng cơ sở (kho, cảng, bến xuất, tuyến ống, cửa hàng xăng dầu…); triển khai các biện pháp phòng chống tràn dầu, đảm bảo an toàn đối với các kho, cửa hàng xăng dầu nằm trong khu vực ảnh hưởng bởi bão số 3 nhằm đảm bảo sẵn sàng cung cấp xăng dầu cho nhân dân.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức dự trữ xăng dầu tại các cửa hàng để phục vụ công tác phòng chống thiên tai theo quy định.
7. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
- Chỉ đạo các các cơ sở sản xuất hóa chất thuộc phạm vi quản lý tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi siêu bão tăng cường kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ mất an toàn để kịp thời khắc phục các khiếm khuyết (nếu có) nhằm đảm bảo an toàn cho công trình, không để xảy ra sự cố, rò rỉ hóa chất ra môi trường.
8. Các chủ đập thủy điện
- Nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường; vận hành khoa học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó đặc biệt phải lưu ý thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.
- Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, hạng mục vận hành xả lũ, nhận nước, hệ thống cảnh báo xả lũ khu vực hạ du… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có).
- Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, các sự cố do các đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục; đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực hạ du khi xả lũ nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
9. Các đơn vị khai thác khoáng sản
- Kiểm tra, rà soát các bãi thải, các khu mỏ, kho chứa, hệ thống đê chắn bãi thải, hệ thống đập hồ chứa bùn thải quặng đuôi... nhằm phát hiện những hỏng hóc, khiếm khuyết có nguy cơ mất an toàn để chủ động xử lý và có phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu dân cư lân cận, nhất là tình huống xảy ra mưa lũ lớn; thực hiện khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước phòng ngừa ngập úng
- Triển khai rà soát kỹ lưỡng các sườn địa hình đồi, sườn dốc, xung quanh và phía sau các công trình đang xây dựng, kho, bãi, công trình gần sườn dốc... để sớm phát hiện các nguy cơ sạt lở đất và chuẩn bị các phương án, biện pháp ứng phó kịp thời.
- Kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng và các phương tiện, vật tư đảm bảo sẵn sàng hoạt động ứng phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra.
10. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
- Chủ trì, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 và công tác triển khai ứng phó với thiên tai của các đơn vị.
- Theo dõi và cập nhật thông tin ứng phó với thiên tai, tình hình thiệt hại và công tác khắc phục của các đơn vị ngành Công Thương báo cáo Lãnh đạo Bộ theo quy định.
- Chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp ứng phó với thiên tai theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, điều hành các tình huống vượt thẩm quyền.
Yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến của bão số 3 và hoàn lưu bão; tổ chức trực ban 24/24h và tập trung mọi nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 3; nghiêm túc thực hiện các nội dung Công điện này; định kỳ trước 15h hàng ngày gửi báo cáo kết quả ứng phó bão số 3 về Văn phòng Thường trực PCTT&TKCN Bộ Công Thương theo địa chỉ Email: VPTT_PCTT@moit.gov.vn.
Truyền tải điện trực ban 24/24 giờ, không chủ quan trước bão WIPHA
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã ban hành Công điện số 3920/CĐ-EVNNPT yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão WIPHA.
Theo đó, các đơn vị cần khẩn trương thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 4665/CĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cùng Công điện số 5305/CĐ-BCT của Bộ Công Thương và Công điện số 4498/CĐ-BNNMT của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Các công ty truyền tải điện được yêu cầu tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến của bão, tuyệt đối không được chủ quan, đồng thời tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó và khắc phục ảnh hưởng của thiên tai.
Đối với các Ban Quản lý dự án, EVNNPT yêu cầu kiểm tra công trường, theo dõi diễn biến thiên tai, tổ chức ứng phó đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị; yêu cầu các nhà thầu kiểm tra hệ thống thoát nước, khơi thông dòng chảy, che chắn tránh ngập úng, sạt trượt.
Các đơn vị cần chuẩn bị sẵn sàng phương án, nguồn lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện để kịp thời xử lý sự cố và thiệt hại nếu có, đảm bảo an toàn cho người, tài sản và hệ thống truyền tải điện.
Nội dung Công điện cũng tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị số 1619/CT-EVNNPT ngày 08/4/2025 của EVNNPT về việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.
Đối với các đơn vị bị ảnh hưởng hoặc có thiệt hại do thiên tai gây ra, EVNNPT yêu cầu cập nhật số liệu và báo cáo lên phần mềm SMIS trước các khung giờ 07h00, 13h00 và 19h00 hằng ngày.
Trong trường hợp xảy ra sự cố lớn, đơn vị phải khẩn trương cung cấp thông tin sơ bộ về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn EVNNPT để kịp thời chỉ đạo xử lý.
Hà Nội sẵn sàng ứng phó bão số 3 và nguy cơ mưa lớn
Ngày 19/7, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 4162/UBND-NNMT về việc sẵn sàng ứng phó với bão số 3 và nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó với bão và nguy cơ mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn Hà Nội, thực hiện Công điện số 4594/CĐ-BNNMT ngày 19/7 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc ứng phó với bão trên biển Đông, UBND thành phố chỉ đạo Thủ trưởng các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại Công điện số 4594/CĐ-BNNMT ngày 19/7/2025 nêu trên với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai, đặc biệt là nguy cơ bão, mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, úng ngập nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Chủ tịch UBND các phường, xã chỉ đạo rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng di dời dân ra khỏi nơi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Các đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão, mưa lũ trên địa bàn; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó, đặc biệt lưu ý công tác truyền thông, bảo đảm mọi người dân nắm được thông tin về nguy cơ mưa lũ, úng ngập, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, nhất là việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực nước ngập sâu.
Thành phố sẵn sàng phương án bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để chủ động, kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khi có tình huống.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động chỉ đạo triển khai công tác sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ, úng ngập, sạt lở đất, lũ quét theo quy định, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn giao thông và kịp thời khắc phục nhanh sự cố công trình đê điều, thủy lợi, giao thông.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo công an xã, các lực lượng quân đội đóng trên địa bàn chủ động sẵn sàng phương án phối hợp với các địa phương triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ, chủ động sơ tán sớm, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế; kịp thời báo cáo, tham mưu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Triển khai phương án bảo đảm giao thông ứng phó bão số 3
Cục Đường bộ Việt Nam vừa có Công điện yêu cầu các đơn vị tập trung theo dõi, ứng phó với cơn bão số 3 để kịp thời theo dõi diễn biến của bão và chủ động ứng phó với thời tiết diễn biến phức tạp.
Theo công điện, đối với các khu quản lý đường bộ, các sở xây dựng, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão; chủ động triển khai phương án bảo đảm giao thông và có biện pháp bảo vệ các công trình đường, cầu, cống, nhà kho, phương tiện, máy móc thi công để hạn chế thiệt hại do cơn bão gây ra.
Các khu quản lý đường bộ, các sở xây dựng, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT chuẩn bị dầm cầu, phao, máy móc, thiết bị, phương tiện, nhân lực sẵn sàng bảo đảm giao thông khi sự cố xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu đảm bảo giao thông nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.
Đối với các vị trí sạt lở lớn gây tắc giao thông phải cử ngay lãnh đạo khu quản lý đường bộ, lãnh đạo sở xây dựng đến hiện trường; triển khai ngay phương án phân luồng giao thông từ xa và chủ động phối hợp với cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương khi phân luồng; đồng thời, khẩn trương khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hiện có trên địa bàn để bảo đảm thông xe với thời gian nhanh nhất.
Các đơn vị có phương án di dời thiết bị, tài sản và giằng chống nhà cửa để đối phó với cơn bão đang đi vào địa phận nước ta; kiểm tra, đánh giá tình trạng cầu nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão; đối với cầu yếu, phải tổ chức theo dõi thường xuyên và xử lý kịp thời khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến khai thác đảm bảo an toàn công trình cũng như an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua cầu.
Đối với các Ban Quản lý dự án 3, 4 chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình đang trong quá trình thi công dở dang; phải có phương án phòng ngừa tác hại của thiên tai nhằm bảo đảm an toàn khối lượng đã thi công, bảo đảm an toàn giao thông và an toàn cho công trình phụ trợ, trang thiết bị thi công, kho bãi chứa vật liệu, nhà xưởng, nhà sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên.
Nhà xưởng, kho bãi chứa vật liệu phải bố trí ở nơi cao, không ngập nước và phải được chằng buộc để không bị sập đổ khi gặp gió, bão.
Các trang thiết bị thi công phải được bảo quản an toàn, các phương tiện nổi phải có âu giấu hoặc nơi khuất gió để neo giữ khi mưa bão.
Các Ban Quản lý dự án 3, 4 phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương tổ chức lực lượng ứng cứu bảo đảm giao thông 24/24 giờ; phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ, diễn biến của bão; đồng thời yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ; báo cáo thường xuyên tình hình diễn biến, ảnh hưởng của cơn bão về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cục Đường bộ Việt Nam theo số điện thoại "1900.54.55.70 - nhánh số 3.
Công điện của Bộ NNMT chỉ đạo ứng phó bão số 3 (bão WIPHA)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Công điện số 4594/CĐ-BNNMT ngày 19/7/2025 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk về việc ứng phó với bão trên biển Đông.
Sáng ngày 19/7, bão WIPHA đã đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 3 với cường độ cấp 9, giật cấp 12; dự báo bão tiếp tục mạnh thêm và có khả năng ảnh hưởng, gây mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ trong những ngày tới.
Để chủ động ứng phó với bão và nguy cơ mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị:
1. Đối với tuyến biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Từ 18,0-23,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo);
- Triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, phương tiện, tài sản đặc biệt đối với các điểm du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các công trình trên biển, trên đảo, khu vực ven biển;
- Căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch và di dời dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven bờ, trên biển, trên đảo để đảm bảo an toàn;
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
2. Đối với trên đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ:
a) Đối với vùng đồng bằng:
- Rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, cửa sông, ven biển;
- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công;
- Chủ động tiêu nước đệm, chống úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt;
- Tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công. Kiểm tra, rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống viễn thông, hệ thống lưới điện để duy trì hoạt động, không gián đoạn trước, trong và sau bão;
- Chủ động tổ chức thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
b) Đối với vùng núi:
- Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn; tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; chỉ đạo chính quyền cấp xã thông báo đến từng hộ dân sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét kiểm tra, rà soát xung quanh nơi ở để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, nguy hiểm để chủ động sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm;
- Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra sạt lở;
- Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, thủy lợi nhỏ, hồ xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
3. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường thông tin về diễn biến của bão, mưa lũ đến các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
4. Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó với bão và mưa lũ.
5. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Bộ Xây dựng chỉ đạo ứng phóng bão số 3 và mưa lũ
Ngày 19/7, Bộ Xây dựng đã ban hành Công điện 35/CĐ-BXD về việc tập trung ứng phó bão số 3, nhằm chủ động ứng phó bão và hoàn lưu bão có thể gây ra mưa, lũ ảnh hưởng đối với cơ sở hạ tầng giao thông và xây dựng, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Bộ Xây dựng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ phối hợp với các Sở Xây dựng, các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, sạt lở; kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông; cấm đường tại các vị trí nguy hiểm (ngầm tràn, cầu, phà…) trên các tuyến quốc lộ trong vùng chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ, kiên quyết không cho người và phương tiện đi vào những vị trí này nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người, phương tiện.
Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, thiết bị và nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt để chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt trên các tuyến quốc lộ trọng điểm.
Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; các đoạn đường đèo dốc, khu vực hay xảy ra lũ quét, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước... sẵn sàng, chủ động ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện.
Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất. Song song, kế hoạch dừng tàu, giãn tàu, tăng bo, chuyển tải hành khách khi tình hình mưa lũ gây ngập úng, sụt trượt tại các khu gian phải dừng tàu.
Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải và đường thủy nắm chắc số lượng tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy đang neo đậu tại vùng neo đậu, các cửa sông, cửa biển, vùng nước quanh các đảo, luồng lạch và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn. Phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương có các biện pháp phù hợp, kiên quyết yêu cầu các tàu vận tải di chuyển đến các khu neo đậu an toàn.
Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam chuẩn sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh. Song song, đôn đốc các đơn vị quản lý, bảo trì đường thủy nội địa kịp thời thu hồi phao tiêu, báo hiệu trước khi lũ về hoặc khi nhận được thông báo xả lũ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương; kịp thời triển khai lại hệ thống phao tiêu, báo hiệu ngay sau mưa lũ.
Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các Hãng hàng không, Công ty Bay dịch vụ hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trong khu vực bị ảnh hưởng của bão, để điều chỉnh hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động bay. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra sân bay, nhà ga, hệ thống thông tin liên lạc, công tác điều hành, chỉ huy bay để kịp thời phát hiện và xử lý khắc phục các sự cố.
Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn có liên quan triển khai ngay công tác ứng phó với bão số 3, chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khắc phục các sự cố công trình; phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến vừa thi công, vừa khai thác.
Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam chỉ đạo hệ thống đài thông tin duyên hải tăng cường thời lượng phát sóng thông báo, cảnh báo thông tin về hướng di chuyển của bão số 3; hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền di chuyển không đi vào hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn.
Sở Xây dựng các tỉnh trong khu vực ảnh hưởng của bão số 3 chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ khu vực, các lực lượng chức năng của địa phương trong việc khắc phục sự cố do bão, mưa, lũ gây ra, tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt; trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất trên các tuyến đường được giao quản lý, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, có phương án bố trí phương tiện, thiết bị để kịp thời hỗ trợ người dân đi qua các khu vực bị ngập lụt.
Sở Xây dựng các tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ ngập úng, gây ách tắc giao thông để có phương án thoát nước nhanh, hạn chế ách tắc giao thông. Bố trí nhân lực, phương tiện, trang thiết bị máy móc ứng trực đảm bảo tiêu thoát nước sớm, chống ngập úng tại các điểm ngập úng trong đô thị. Chú ý đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong công tác khắc phục ngập, úng, thoát nước.
Sở Xây dựng các tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý cây xanh trong khu vực đô thị thực hiện kiểm tra và có phương án cắt, tỉa đối với các cây xanh có nguy cơ gãy, đổ gây mất an toàn giao thông và an toàn công trình xây dựng trong đô thị. Chuẩn bị nhân lực, máy móc, trang thiết bị sẵn sàng thu dọn, xử lý đối với cây gãy, đổ để đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.
Các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ và báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây dựng.
Bộ VHTTDL chỉ đạo ứng phó bão số 3
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có Công điện số 3550/CĐ-BVHTTDL ngày 19/7/2025 về việc tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025.
Cụ thể, Bộ trưởng điện gửi các đồng chí Giám đốc Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở DLtại các tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ.
Thực hiện Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chinh phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu: Giám đốc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Du lịch tại các địa phương nêu trên chủ động theo dõi tình hình, diễn biến của bão, phối hơp chăt che với các cơ quan chức năng, chinh quyền địa phương trên địa bàn rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở lưu trú du lịch, các khu điểm du lịch, đặc biệt là các khu vực ven biển, đảo, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; phối hơp tổ chức tuyên truyền và di dời, sơ tán khách du lịch đến nơi an toàn; kiểm đếm, thông tin, hướng dân tàu thuyền, phương tiện hoạt động du lịch trên biển biết, không đi vào hoăc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; xây dựng phương án ứng phó bão lụt cụ thể, triển khai các biện pháp sơ tán, tránh trú, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, rà soát, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các thiết chế văn hóa, thể thao, các di tich lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch trên địa bàn; căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ để chủ động quyết định hoăc tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải tri, du lịch tại địa phương.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình và thông tin cơ sở cập nhật bản tin dự báo diễn biến của bão từ Trung tâm Dự báo Khi tương Thủy văn Quốc gia để thông báo kịp thời cho người dân chủ động phòng chống, đặc biệt là công tác ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra và công tác di dời dân ở các vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tại các địa phương nêu trên theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ để triển khai các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người và tài sản do đơn vị quản lý, các hoạt động do đơn vị tổ chức; khuyến cáo công chức, viên chức, người lao động hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn.
Bộ trưởng yêu cầu, Cục Báo chi, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử và Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại chỉ đạo các cơ quan báo chi, truyền thông, thông tin cơ sở trên địa bàn toàn quốc tổ chức tuyên truyền, phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo về diễn biến của bão, chỉ đạo ứng phó với bão để chính quyền các cấp ở địa phương cùng người dân theo dõi và cập nhật thường xuyên. Trong đó, đặc biệt chú trọng đưa các tin bài cảnh báo người dân về nguy cơ diễn ra mưa lũ, sạt lở đất và phòng chống dịch bệnh có thể phát sinh do lũ, ngập lụt.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chỉ đạo các nhà thầu triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, chuân bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn có để ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ (nếu có).
Giám đốc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Du lịch, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tại các địa phương nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thông tin kịp thời và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình ứng phó với bão, thiệt hại xảy ra trên lĩnh vực quản ly của Ngành trong và sau bão (nếu có) theo địa chỉ: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ VHTTDL, số 51 Ngô Quyền, phường Cửa Nam, TP. Hà Nội.
13 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3
Ngày 19/7, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành văn bản số 780/ĐĐ - QLĐĐ gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (gồm Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3.
Theo đó, sáng 19/7, bão WIPHA đã đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 3 với cường độ cấp 9, giật cấp 12. Dự báo bão tiếp tục mạnh thêm và ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, khả năng gây mưa lớn diện rộng trong những ngày tới.
Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, thành phố nêu trên báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 4594/CĐ-BNNMT ngày 19/7/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc ứng phó với bão trên biển Đông.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, thành phố kiểm tra tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, các vị trí đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dang để đảm bảo an toàn, nhất là trong tình huống bão đổ bộ và mưa lớn kéo dài gây lũ trên hệ thống sông.
Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.
Mười ba Sở Nông nghiệp và Môi trường khu vực khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để hộ đê; kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị và chủ động ứng phó với các sự cố, tình huống có thể xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo.
Thường trực Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo ứng phó bão số 3
Để chủ động phòng, chống bão hiệu quả, Thường trực Thành ủy yêu cầu: Đảng ủy Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo chủ động theo dõi sát diễn biễn, tình hình của cơn bão, bám sát chỉ đạo của Trung ương, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp ứng phó; kịp thời báo cáo, đề xuất Thường trực Thành ủy chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách.
Các xã, phường, đặc khu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương và thành phố, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống bão, bảo đảm thực hiện “bốn tại chỗ”. Trong đó lưu ý chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống bão và có phương án sơ tán dân nếu cần thiết, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và tài sản của Nhân dân và khách du lịch.
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường các hoạt động tuyên truyền để Nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động ứng phó với những diễn biến của bão.
Các cơ quan báo chí, truyền thông của thành phố và các xã, phường, đặc khu thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh, đặc biệt là tại các khu vực đảo, ven biển, ven sông và vùng sâu, vùng xa.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo việc phòng, chống bão được chủ động và hiệu quả; kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy (qua Văn phòng Thành ủy) các tình huống phát sinh cần lãnh đạo, chỉ đạo.
Yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố thực hiện nghiêm văn bản này, kịp thời báo cáo với Thường trực Thành ủy về những vấn đề phát sinh.
* Nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó kịp thời và hiệu quả với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố đã có Văn bản 4147/SNNMT-VP đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn, đặc khu và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão và mưa lũ trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến của Bão số 03, tình hình mưa lớn và lũ trên các tuyến sông; thông tin đầy đủ tới các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh.
Đồng thời, nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi, đê điều và các khu dân cư xung yếu.
Trong lĩnh vực trồng trọt, các địa phương cần chủ động tiêu thoát nước đệm tại hệ thống kênh mương, huy động tối đa máy bơm, phương tiện để tiêu úng nhanh, cứu lúa tại các vùng bị ngập. Tạm dừng gieo cấy trong thời gian mưa bão, đồng thời chuẩn bị giống lúa ngắn ngày (P6ĐB, KD18, HN6, BT7…) để gieo lại trong trường hợp thiệt hại trên 50%, đảm bảo thời vụ gieo cấy lại kết thúc trước ngày 5/8/2025.
Đối với rau màu, cây ăn quả, cần thu hoạch nhanh diện tích đến kỳ, che chắn cho các luống rau, kiểm tra, gia cố nhà lưới, nhà màng, nạo vét kênh tiêu, chủ động phương án tiêu úng. Với cây ăn quả, khuyến cáo người dân cắt tỉa cành, chằng chống cây, khai thông dòng chảy để hạn chế đổ gãy, ngập úng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, các cơ sở cần chủ động thu hoạch vật nuôi đến kỳ, đảm bảo an toàn chuồng trại, lồng bè, chòi canh. Kiểm đếm tàu, thuyền, hướng dẫn ngư dân chủ động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, neo đậu an toàn. Thực hiện đình chỉ hoạt động tàu cá ra khơi tại các cảng ngay sau khi có chỉ đạo của Ban Chỉ huy thành phố.
Rà soát, kiểm tra hạ tầng cảng cá, bao gồm kè cảng, cầu cảng, hệ thống điện, trạm biến áp, nhà kho… để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát phương tiện, sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, yêu cầu rà soát, kiểm tra các khu vực rừng, đất lâm nghiệp có nguy cơ sạt lở, nhất là các vị trí giáp ranh khu dân cư; cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, không để người dân lưu trú tại các khu vực rừng, lán trại trong thời điểm có mưa bão để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Trong lĩnh vực môi trường, các đơn vị tổ chức triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải theo quy định; tăng cường giám sát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải, bãi chôn lấp rác, khu vực tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, vùng nuôi trồng thủy sản ven biển, vùng trũng thấp… Chủ động xây dựng phương án phòng ngừa ô nhiễm môi trường do mưa lớn, triều cường, sạt lở, vỡ ao hồ, xả thải không kiểm soát. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạm dừng hoặc hạn chế xả thải ra môi trường trong thời gian mưa bão nếu không có hệ thống xử lý đảm bảo an toàn.
Trong lĩnh vực khoáng sản, các doanh nghiệp khai thác được yêu cầu rà soát, rào chắn, cắm biển cảnh báo tại các khu vực đã tác động khai thác, đặc biệt là các vách moong sâu có nguy cơ sạt trượt, tích nước; bố trí lực lượng thường trực, chủ động phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó với sự cố thiên tai; đảm bảo an toàn lao động và tuân thủ nghiêm các quy định về khai thác an toàn.
Trong lĩnh vực biển và hải đảo, yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên biển, xăng dầu, cảng bến kiểm tra, gia cố kho tàng, phương tiện, thiết bị, hàng hóa; chủ động phương án phòng ngừa rò rỉ, tràn dầu; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực ứng phó sự cố và đảm bảo duy trì thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.
Các địa phương, đơn vị cần khẩn trương thống kê thiệt hại (nếu có), triển khai biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung tại Công văn số 3788 và 3875 của Sở Nông nghiệp và Môi trường về phòng, chống thiên tai trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản.
Thành phố cũng yêu cầu các cấp, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết liệt thực hiện các giải pháp ứng phó Bão số 03, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Công điện của UBND tỉnh Hưng Yên về việc chủ động ứng phó với bão số 3


Khẩn trương thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự ứng phó bão số 3
Ngày 19/7, trước diễn biến phức tạp của bão số 3 trên Biển Đông, UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bão, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Trước nguy cơ bão ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa lớn kéo dài, lũ, ngập lụt và sạt lở đất, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đôn đốc các xã, phường khẩn trương thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy) cấp xã, phân công cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy để đảm bảo chủ động ứng phó với bão số 3;
Yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường chưa thành lập Ban Chỉ huy khẩn trương chỉ đạo thành lập, hoàn thành trước 10 giờ ngày 20/7/2025 và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh đối với việc chỉ đạo ứng phó với thiên tai trên địa bàn.
Ngay trong chiều tối ngày 19/7, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; UBND các xã, phường theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ; tổ chức kiểm đếm, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền hoạt động trên biển về vị trí, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh, tìm nơi trú ẩn an toàn, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, an toàn phương tiện, tài sản trước, trong và sau bão.
Đặc biệt đối với các điểm du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các công trình trên biển, khu vực ven biển; rà soát, sẵn sàng sơ tán dân cư tại các khu vực xung yếu, nhà ở không an toàn, vùng ven biển, cửa sông; kiểm tra các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều, nhất là những điểm xung yếu, đang thi công hoặc đã từng xảy ra sự cố; tổ chức lực lượng cắt tỉa cây xanh, gia cố công trình công cộng, biển hiệu, nhà xưởng, kho tàng...
Thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bão đổ bộ và mưa lớn kéo dài gây lũ trên hệ thống sông để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai các phương án ứng phó với bão và mưa lũ theo quy định; bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu; tăng cường kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, công trình đang thi công, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng khi có mưa bão; chủ động tiêu nước đệm bảo vệ diện tích lúa mới cấy và hoa màu, đồng thời xây dựng phương án tiêu úng hiệu quả cho các khu đô thị, khu công nghiệp; đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn.
Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các xã ven biển và các cơ quan, đơn vị liên quan thông báo, hướng dẫn chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi theo dõi sát diễn biến cơn bão, tìm nơi trú tránh, chủ động thông báo cấm biển và tổ chức di dân đảm bảo an toàn cho người, tài sản; cập nhật thường xuyên diễn biến bão, mưa lũ để người dân nắm bắt thông tin kịp thời, chủ động ứng phó; rà soát, kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống điện và viễn thông, không để gián đoạn hoạt động trước, trong và sau bão; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh để xử lý kịp thời.
UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo ứng phó bão số 3 và mưa lớn diện rộng
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (tên quốc tế WIPHA) đang tiến gần vào biển Đông, ngày 18/7/2025, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Công điện số 35/UBND-VP3 yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các xã, phường trên địa bàn tỉnh chủ động ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lớn diện rộng.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi; thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo.
UBND các xã, phường thực hiện nghiêm công tác thường trực, tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều khi xuất hiện lũ theo cấp báo động trên hệ thống các sông đi qua địa bàn theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ để kịp thời phát hiện ngay từ giờ đầu các sự cố, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều.
Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai thực tế các phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục, các công trình đang thi công dở dang theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ. Tiếp tục tổ chức duy trì hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân trên cơ sở địa giới hành chính mới.
Tổ chức phát quang mái đê, chân đê, đập và trong phạm vi bảo vệ công trình để phục vụ công tác tuần tra, phát hiện và kịp thời xử lý sự cố trong mùa mưa, lũ, giải tỏa thanh thải vật cản, bãi vật liệu, chướng ngại vật lấn chiếm bãi sông, lòng sông, nạo vét, khơi thông hệ thống kênh tiêu để đảm bảo tiêu úng, thoát lũ.
Kiểm tra, rà soát tình trạng xe vượt quá tải trọng cho phép đi trên các tuyến đê, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Yêu cầu chủ các bến bãi vật liệu, các doanh nghiệp hoạt động ven đê cam kết không sử dụng xe quá tải trọng cho phép đi trên đê, không làm rơi vãi vật liệu trên đê gây ô nhiễm môi trường và có biện pháp quản lý chặt chẽ theo đúng nội dung cam kết.
Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với công trình cầu, cảng, các công trình đang thi công trên tuyến đê biển; các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ.
Sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống lưới điện, viễn thông, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
Khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục những sự cố, hư hỏng của công trình đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua, kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình đê điều, phương án hộ đê trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để chủ động triển khai khi có sự cố, tỉnh huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt các hồ chứa nhỏ, xung yếu, đang thi công, sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; chính quyền cấp xã chỉ đạo lực lượng liên quan thông báo tới từng hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Báo và phát thanh, truyền hình Ninh Bình tăng cường thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động ứng phó với bão và mưa lớn diện rộng. Các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi trong tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các xã, phường chủ động phương án tiêu úng, đảm bảo an toàn cho lúa mới cấy và hoa màu; triển khai đảm bảo an toàn các hồ chứa nước thủy lợi.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, cập nhật thường xuyên tình hình thời tiết, thiên tai và báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh để tổng hợp, chỉ đạo xử lý.
Với tinh thần khẩn trương, chủ động, tỉnh Ninh Bình quyết tâm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân trong mùa mưa bão năm 2025.
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo ứng phó bão WIPHA
UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó bão WIPHA.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị không chủ quan và triển khai các nhiệm vụ tại Công điện số 4498/CĐ-BNNMT ngày 17/7/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các địa phương căn cứ chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão;
Thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống;
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường và UBND tỉnh đảm bảo thời gian yêu cầu.
Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các địa phương chủ động ứng phó với bão.
Trung tâm Truyền thông tỉnh tăng cường thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Cùng với các nhiệm vụ ứng phó với bão của UBND tỉnh, Văn phòng Phòng chống thiên tai tỉnh (Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh) cũng yêu cầu Cảng vụ đường thủy nội địa thông tin về bão đến khách du lịch biết, chủ động lịch trình di chuyển phù hợp tránh xảy ra ùn ứ khách du lịch tại các khu du lịch biển khi có tình huống cấm biển; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các khu tránh trú, du lịch ven biển.
Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để ứng phó bão và mưa lớn do bão. Tổ chức trực ban, sẵn sàng tiếp nhận và triển khai các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong thời gian tiếp theo.
Nghệ An: Chủ động ứng phó với bão số 3 (WIPHA)
Chiều ngày 19/7, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã có Công điện số 5, chỉ đạo chủ động ứng phó với bão số 3 (WIPHA) và nguy cơ mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Theo đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các phường, xã và các sở, ngành liên quan chỉ đạo đối với tuyến biển, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão;
Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh, trú an toàn.
Triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, phương tiện, tài sản đặc biệt đối với các điểm du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các công trình trên biển, trên đảo, khu vực ven biển.
Căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định di dời dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven bờ, trên biển, trên đảo để đảm bảo an toàn.
Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh căn cứ diễn biến và dự báo bão, kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Lệnh cấm biển.
Đối với vùng đồng bằng và ven biển, nhanh chóng rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, cửa sông, ven biển. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công.
Chủ động tiêu nước đệm, chống úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt. Cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công.
Kiểm tra, rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống viễn thông, hệ thống lưới điện để duy trì hoạt động, không gián đoạn trước, trong và sau bão. Chủ động tổ chức thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Đối với vùng núi, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; chính quyền cấp xã thông báo đến từng hộ dân sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét kiểm tra, rà soát xung quanh nơi ở để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, nguy hiểm để chủ động sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm.
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn; Nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người.
Các cơ quan truyền thống trên địa bàn tăng cường thông tin về diễn biến của bão, mưa lũ. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó với bão và mưa lớn diện rộng.
Tại các địa bàn ven biển của tỉnh Nghệ An, công tác kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm đang được chính quyền địa phương, Bộ đội biên phòng Nghệ An cùng ngư dân khẩn trương thực hiện.
Các Đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn tuyến biển như Đồn Biên phòng Diễn Thành, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, Đồn Biên phòng Cảng cửa khẩu quốc tế Cửa Lò- Bến Thủy... đang duy trì quân số, phương tiện trực sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An, để ứng phó với bão số 3, đơn vị đang duy trì 3 tàu công suất lớn, 8 xuồng với 65 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng triển khai nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn trên biển.
Đến chiều ngày 19/7, toàn bộ hơn 2.810 tàu cá với hơn 12.640 lao động hành nghề khai thác hải sản của tỉnh đều liên lạc, nắm được diễn biến của cơn bão số 3. Trong đó có gần 1.970 phương tiện với hơn 8.160 lao động đang neo đậu ở bờ; 855 phương tiện với gần 4.480 lao động đang hoạt động trên các vùng biển.
Phú Thọ chủ động ứng phó kịp thời bão số 3
Ngày 19/7, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra công điện số 02/CĐ-CT về việc ứng phó với bão số 3 (WIPHA). Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, phường tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 và khẩn trương thực hiện các nội dung ứng phó kịp thời.
Đối với vùng đồng bằng: Rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực nguy có cơ bị ngập sâu, sạt lở; Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công; Chủ động tiêu nước đệm, chống úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt; Chủ động tổ chức thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”...
Đối với vùng núi: Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, ghẽn; tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn;
Chính quyền cấp xã thông báo đến từng hộ dân sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét kiểm tra, rà soát xung quanh nơi ở để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, nguy hiểm để chủ động sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm;
Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra sạt lở;
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, thủy lợi nhỏ, hồ xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra...
Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao phù hợp với diễn biễn thực tế, nhất là công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
Bộ Công an chỉ đạo ứng phó bão WIPHA
Ngày 18/7/2025, Bộ Công an có Công điện số 07/CĐ-BCA-V01 gửi Công an các đơn vị, địa phương về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão Wipha.
Công điện gửi: Thủ trưởng các đơn vị: Cục An ninh kinh tế; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Trung tâm Dữ liệu quốc gia; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Kế hoạch và tài chính, Cục Quản lý xây dựng và doanh trại; Cục Trang bị và kho vận, Cục Viễn thông và cơ yếu; Cục Y tế; Cục Truyền thông Công an nhân dân; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk.
Trước diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường của bão Wipha, lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt chỉ đạo, khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động trong công tác dự báo tình hình, căn cứ đặc điểm của địa bàn cơ sở triển khai ngay các kế hoạch, phương án bảo đảm tốt công tác an ninh, trật tự với tinh thần, trách nhiệm cao nhất để kịp thời ứng phó, không để bị động, bất ngờ. Thực hiện tốt các nhiệm vụ:
(1) Triển khai các kế hoạch bảo đảm tốt công tác an ninh, trật tự tại cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng thiên tai để vi phạm pháp luật, trộm cắp tài sản;
(2) Hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, phối hợp khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện, nhất là trên các trục giao thông chính, tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan;
(3) Bố trí lực lượng Công an cơ sở cùng phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra.
2. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, “5 chủ động” các phương án phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ và an toàn về các lực lượng, trụ sở, cơ sở giam giữ, tài liệu, trang thiết bị làm việc của lực lượng Công an nhân dân. Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
3. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn:
(1) Khắc phục nhanh nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, vệ sinh môi trường, sớm ổn định lại đời sống cho người dân;
(2) Kiểm tra, rà soát những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời sơ tán, di dời ngay người và phương tiện đến nơi an toàn, đặc biệt là tại khu vực ven sông, suối, các công trình xung yếu, đang thi công, khu vực hầm lò, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập lụt;
(3) Hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, tuyệt đối không để “Bất cứ một người dân nào phải màn trời chiếu đất”;
(4) Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia, an toàn của người dân khi xả lũ đối với vùng hạ lưu.
4. Các đơn vị chức năng của Bộ sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, cơ số thuốc men, y tế, kinh phí để kịp thời chi viện cho các địa phương trong trường hợp cần thiết; có phương án bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trong ứng phó với thiên tai, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh, tai nạn thương tích trong và sau thiên tai.
Giao X04 tăng cường phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương, các cơ quan truyền thông Trung ương, địa phương tăng tần suất, thời lượng phát tin, bài phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố, cứu nạn, cứu hộ nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; phản ánh chân thực hình ảnh, hoạt động công tác bảo đảm an ninh trật tự, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai của lực lượng Công an nhân dân, nhất là trên các nền tảng truyền thông số; A05 chỉ đạo xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức đưa tin không chính xác, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai.
5. Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, truyền đạt mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, nhất là cấp xã; đảm bảo quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai.
Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Bộ theo quy định (qua Văn phòng Bộ, SĐT: 0692299150, 0782401006, 0979087633).

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì họp ứng phó bão WIPHA
Hết sức cảnh giác với khả năng gió mạnh, mưa lớn và các hiện tượng thời tiết cực đoan đi kèm
Ngày 18/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức họp ứng phó với bão WIPHA với sự tham dự của các Bộ: Quốc phòng; Công an; Công Thương; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Ngoại giao; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Dự báo: Sáng ngày 19/7 bão sẽ đi vào biển Đông với cường độ cấp 8-9, giật cấp 11; khoảng tối và đêm ngày 21/7 bão sẽ đi vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ và trong ngày 22/7 có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ.
Mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình lúc 13h/18/7 là 102,94m; hiện đang mở 03 cửa xả đáy để đưa về cao trình 101m (mực nước cao nhất trước lũ thời kỳ lũ chính vụ từ ngày 20/7 đến 21/8).
Mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang lúc 13h/18/7 là 104,98m; hiện đang mở 01 cửa xả đáy (sẽ đóng vào 15h00 ngày 18/7). Các hồ Sơn La, Thác Bà đang thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến trưa ngày 18/7, đã thông báo hướng dẫn cho 35.183 phương tiện với 147.336 lao động.
Trong đó 790 phương tiện với 4.160 lao động đang hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, hiện không có phương tiện hoạt động tại phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông (khu vực chịu ảnh hưởng chính của bão).
Tổng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa là 126.583 ha (52.854 ha nuôi tôm nước lợ, 21.587 ha nuôi nhuyễn thể, 53.083 ha nuôi thủy sản nước ngọt); 19.099 lồng bè; 3.693 chòi canh nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, trường hợp bão lệch lên phía Bắc và di chuyển dọc bờ biển Quảng Tây (Trung Quốc), các tác động đến Việt Nam có thể sẽ giảm. Tuy nhiên, nếu bão đổ bộ gần hơn, cần hết sức cảnh giác với khả năng gió mạnh, mưa lớn và các hiện tượng thời tiết cực đoan đi kèm như lốc xoáy, sét, lũ quét và sạt lở đất.
Bão WIPHA có thể trở thành một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có vùng ảnh hưởng rộng
Mô hình dự báo hiện nay cho thấy đường đi và tính chất của bão WIPHA khá tương đồng với bão số 3 – Yagi xảy ra năm 2024.
Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng tiềm tàng cần chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, xây dựng phương án ứng phó phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh mưa lớn có thể kéo dài nhiều ngày.
Điều đáng lo ngại là cơn bão này đang di chuyển qua vùng Biển Đông có nhiệt độ nước biển rất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho bão tăng cường độ nhanh và mạnh.
Trong bối cảnh đó, bão WIPHA được đánh giá có thể trở thành một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có vùng ảnh hưởng rộng.
Triển khai ngay các giải pháp phòng ngừa sạt lở, ngập úng
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, về cường độ gió bão không quá mạnh nhưng mưa sẽ rất lớn nên các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng hướng dẫn tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng, đảm bảo an toàn tại các khu du lịch, khu neo trồng thủy sản.
Ngoài ra các hồ chứa ở miền Bắc đang khá đầy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các chủ hồ triển khai việc xả lũ, hạ mực nước các hồ chứa về ngưỡng an toàn, đồng thời yêu cầu các công ty, đơn vị đảm bảo quy trình vận hành hồ chứa, tránh trường hợp rơi vào tình huống khẩn cấp như đã xảy ra ở hồ thủy điện Thác Bà năm 2024. Thứ trưởng đề nghị các địa phương triển khai ngay các giải pháp phòng ngừa sạt lở, ngập úng.
Hiện nay hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa còn tồn tại 20 trọng điểm đê điều xung yếu và 7 công trình đang thi công.
Do đó cần khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục sự cố hư hỏng đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua, kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình đê điều, phương án hộ đê trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để chủ động triển khai khi có sự cố, tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Do đây là cơn bão đầu tiên khi bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào hoạt động nên đòi hỏi sự chủ động rất lớn ở các địa phương, đặc biệt ở cấp xã để chủ động phòng ngừa, triển khai biện pháp từ sớm từ xa, đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Cơn bão WIPHA sẽ còn di chuyển phức tạp, vùng ảnh hưởng trên đất liền nước ta sẽ có nhiều diễn biến thay đổi nên người dân và các địa phương cần theo dõi sát diễn biến cập nhật bão từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia để triển khai công tác ứng phó phù hợp, hiệu quả

Lực lượng vũ trang Quảng Bình sơ tán nhân dân trong bão lũ.
Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động ứng phó với bão Wipha
Trước diễn biến tạp của bão WIPHA, ngày 18/7, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có công điện gửi các cơ quan, đơn vị.
Theo đó, công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của bão và mưa lớn; kiểm tra, bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch; triển khai các biện pháp phòng, chống bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng, các công trình đang thi công. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra. Bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ.
Các Quân khu 1, 2, 3, 4 chỉ đạo Bộ CHQS các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền, phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp chính quyền và nhân dân địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn.
Các quân chủng, quân đoàn, binh chủng, binh đoàn, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Cảnh sát biển rà soát, kiểm tra các kế hoạch, phương án ứng phó, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền, bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với địa phương nơi đóng quân và nơi thực hiện nhiệm vụ; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả.
Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các phương tiện hoạt động trên biển, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động tránh trú; hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn.
Các Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục II tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác ứng phó với bão, bảo đảm an toàn kho xưởng, nhà máy, vũ khí, trang bị, chuẩn bị tốt công tác bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật phục vụ công tác ứng phó với bão; chủ động phối hợp, xuất cấp và vận chuyển kịp thời vật tư, trang bị cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.
Đề nghị Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo các cơ quan báo chí Quân đội và các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền về các hoạt động của bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn.
Bộ Xây dựng chỉ đạo ứng phó bão
Ngày 18/7/2025, Bộ Xây dựng có Công điện khẩn số 34/CĐ-BXD gửi Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam; Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam; Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam về chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới gần biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão.
Triển khai Công điện số 4498/CĐ-BNNMT ngày 17/7/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và để chủ động, kịp thời ứng phó với áp thấp nhiệt đới, Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên thực hiện ngay những việc sau:
Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam chỉ đạo hệ thống Đài thông tin duyên hải theo dõi, cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm.
Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải và Đường thủy nội địa liên tục theo dõi diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để thông báo và hướng dẫn tàu thuyền biết khi cấp phép cho tàu rời cảng;
Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.
Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Xây dựng theo số ĐT: 0989.642456 và Email: banpclb@mt.gov.vn.
Công điện của Bộ Công Thương về ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão sắp vào Biển Đông
Bộ Công Thương vừa ban hành Công điện 5305/CĐ-BCT ngày 17/7/2025 về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão sắp vào Biển Đông.
Đây được dự báo là 1 cơn áp thấp nhiệt đới/bão mạnh, có đường di chuyển tương tự đường di chuyển của cơn bão số 3 (Yagi) năm 2024, để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường trực ban phòng chống thiên tai, theo dõi chặt chế diễn biến của áp thấp nhiệt đới bão từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai do áp thấp nhiệt đới/bão gây ra.
Cùng đó, rà soát, kiểm tra các công trình, các khu vực trọng điểm, xung yếu, sẵn sàng ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão, đảm bảo mức cao nhất an toàn về người và tài sản.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, đảm bảo an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện thuộc địa bàn quản lý.
Yêu cầu các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn có các biện pháp phòng chống sụt lở đất, ngập lụt tại các mỏ, rà soát kiểm tra các hồ thải quặng đuôi các khai trường, các hầm lò khai thác với độ sâu lớn.
Chỉ đạo các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn quản lý, nhất là các cơ sở tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, các công trình xung yếu, công trình đang thi công dở dang phải có phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc, thiết bị và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới/bão.
Ngoài ra, chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tăng cường kiểm tra công tác vận hành đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, nhất là các hồ đập xung yếu, các thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa, kịp thời phát hiện các điểm có nguy cơ sạt lở để cắm biển cảnh báo; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
Khẩn trương rà soát các khu vực có khả năng, nguy cơ bị chia cắt, cô lập do ảnh hưởng của bão để kịp thời có phương án dự trữ hàng hóa cụ thể, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân.
Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) thông báo cho các tàu thuyền, công trình dầu khí trên biển (thuộc phạm vi quản lý của Petrovietnam) trong vùng bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới/bão để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản và công trình.
Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý chuần bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý các tình huống do áp thấp nhiệt đới/bão gây ra.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các đơn vị điện lực tại các địa phương, các chủ đập thủy điện thuộc phạm vi quản lý tập trung sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó áp thấp nhiệt đới bão, tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra đối với các công trình lưới điện, hồ đập thủy điện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng, sẵn sàng mọi phương án để cụng cấp điện trở lại sớm nhất đối với các khu vực bị sự cố do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới/bão.
Cùng đó, chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện trực thuộc Tập đoàn thực hiện đầy đủ yêu cầu tại mục Công điện này.
Phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hoặc đang thi công, sửa chữa; vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình.
Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia lập phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia, huy động các nguồn điện hợp lý để hệ thống điện Quốc gia vận hành an toàn, liên tục, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện để cập nhật tình hình thủy văn thực tế, tình hình lũ về và yêu cầu của các cơ quan có thầm quyền, đảm bảo hiệu quả phát điện; lập kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện đảm bảo tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ chứa và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phối hợp với các đơn vị liên quan để tối ưu chế độ vận hành của nhà máy điện và lưới điện, hạn chế các nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện, sự cố tổ máy phát điện.
Các chủ đập thủy điện tuân thủ nghiêm quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và quy trình liên hồ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chế thông tin thời tiết, tình hình mưa lũ, tăng cường việc thông báo, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân và hoạt động có liên quan trên sông suối ở khu vực hạ lưu đập, nhà máy trước khi vận hành điều tiết, bắt đầu xả nước phát điện hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả xuống hạ du.
Chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định, việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.
Tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về vận hành, điều tiết hồ.
Bộ Công Thương cũng lưu ý tập đoàn, tổng công ty khác trong ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo an toàn cho người và công trình trọng yếu.
Công điện yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp trong việc ứng phó thiên tai và tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên báo cáo thông tin về Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn (Bộ Công Thương). Điện thoại: 024.22218320; Email: VPTT_PCTT@moit.gov.vn.
Triển khai ứng phó áp thấp gần biển Đông (đã mạnh lên thành bão WIPHA)
Trước đó, ngày 17/7/2025 Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Công điện số 4498/CĐ-BNNMT gửi các tỉnh/ thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk; các Bộ Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Công Thương, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó áp thấp nhiệt đới gần biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão
Công điện nêu rõ, trong thời gian vừa qua, nhiều đợt mưa lớn diện rộng gây ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân khu vực Bắc Bộ; một số sự cố đê điều đã xảy ra và tiếp tục có nguy cơ cao gây mất an toàn chống lũ của hệ thống đê; các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đang ở mức cao và hiện nay phải vận hành mở cửa xả để đưa dần về mực nước đón lũ theo quy định.
Hồi 07 giờ ngày 17/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 127,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Philippin, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9; dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h và có khả năng mạnh lên thành bão; từ ngày 20-25/7 khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng ở khu vực Bắc Bộ.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ lớn diện rộng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành căn cứ nhiệm vụ được giao và phạm vi, đối tượng ảnh hưởng của thiên tai chỉ đạo thực hiện:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm trong 48 giờ tới: Từ 16,5-21,0 độ Vĩ Bắc, 117,0-120,0 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với công trình cầu, cảng; các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ.
Sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống lưới điện, viễn thông; bảo vệ sản xuất nông nghiệp; chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
Khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục những sự cố, hư hỏng của công trình đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua; kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình đê điều, phương án hộ đê trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để chủ động triển khai khi có sự cố, tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt các hồ chứa nhỏ, xung yếu, đang thi công; sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; chính quyền cấp xã chỉ đạo lực lượng liên quan thông báo tới từng hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và mưa lớn diện rộng.
Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai)./.