Quê nhà ngày mưa bão
Nghe tin cơn bão về, mẹ tôi gọi điện với giọng gấp gáp, lo lắng: 'Con đi làm, cẩn thận mưa bão nhé. Ở nhà mẹ vẫn ổn, chỉ lo lúa ngoài đồng còn xanh, có nguy cơ mất mùa. Sau một đêm mưa rả rích, cánh đồng đã trắng băng nước'. Nghe giọng mẹ động viên, tôi cảm thấy ấm lòng và rưng rưng thương nhớ quê nhà.

Nơi làng quê, những gốc cây ven đường bật gốc khi mưa bão.
Hẳn không chỉ mình tôi mà những đứa con xa quê khi nghe tin bão về đều bồn chồn, lo lắng nơi quê nhà. Mẹ gọi điện dặn gia đình tôi đi lại cẩn thận, đường phố ngập sâu trong nước, nhớ dự trữ thức ăn. Còn tôi lo lắng, thủ thỉ với mẹ hạn chế ra ngoài vườn, trông mấy đứa nhỏ không cho ra tắm mưa, nhắc anh trai chằng chống cửa cổng, chuồng gà, chuồng trâu kẻo bay mái lợp.

Cánh đồng lúa độ xanh non giờ ngập trong nước.
Mẹ nói: "Con yên tâm nhé, tin tức mưa bão, thời tiết đã được cập nhật thường xuyên trên chiếc loa ở sân nhà văn hóa. Mọi người làng trên, xóm dưới rủ nhau lên đồi lấy cỏ, lá mía dự trữ thức ăn cho trâu, bò trước khi bão đến. Hiện gạo đã được sát và đổ đầy chiếc lu đựng. Chỉ có lúa vụ mùa vẫn còn non xanh, bão đến kèm theo mưa lúa ngập nước thì vụ này lại mất mùa. Giờ chỉ mong bão đến nhẹ nhàng và tan nhanh". Rồi mẹ kể, chuyện nhà mình có đàn gà vừa mới nở, còn non lấy bấy, trời đang nắng tưng bừng giờ rét lạnh, mẹ phải chong đèn điện chiếu sáng ủ ấm đêm ngày.

Chiếc cống tràn cũng hoạt động hết công suất vào mỗi mùa mưa bão.
Mưa bão về, tôi lại nhớ hồi bố còn sống. Thường là cả ngày bố ở lều canh chừng hồ cá cho đến tối mịt mới về nhà. Trên tay, ông cầm xâu cá rô, cá quả đem về để cải thiện cho chị em chúng tôi. Mớ cá qua bàn tay mẹ ì xèo trên chảo mỡ. Cả gia đình quây quần bên mâm cơm ngày mưa bão với nồi cơm bếp củi có cháy giòn tan, nồi cá kho thơm mềm, đĩa rau muống luộc. Đó là những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời những đứa trẻ ở quê như tôi. Nửa đêm, bố lại khoác áo mưa, xách đèn pin rồi lên hồ. Ông không chỉ sợ đàn cá theo con nước tràn đi mà lo lắng khi nước ở hồ lớn không kịp xả cống thì sẽ nguy hiểm cho bà con, cây trồng biết chừng nào. Những ngày mưa bão, bác bí thư, trưởng thôn, các anh dân quân tự vệ, thanh niên trai tráng trong làng tất cả cùng lên hồ đập canh chừng, theo dõi mực nước với bố tôi.
Sau này, bố mất, mẹ tôi cũng không thể trông coi hồ cá nên chuyển lại cho người chú trong làng. Những ngày mưa bão, mọi người cùng lo lắng, trông coi hồ đập với nhà chú, như cách trước đây bố tôi còn sống. Bởi, đồng lòng bảo vệ hồ đập an toàn chính là bảo vệ tính mạng, tài sản, mùa màng cho dân làng. Tuy lo lắng trong lòng nhưng tôi hiểu, ở quê, tình làng nghĩa xóm, tính cộng đồng cao, nỗi mất mát của một nhà cũng là nỗi đau của cả làng. Bởi thế, chỉ cần có việc là cả làng xúm tay vào, cùng giúp đỡ, cùng lo lắng, cùng chia sẻ.
Những ngày mưa bão cũng là thời điểm càng cảm nhận rõ hơn tình người nơi quê nhà. Mọi người sẵn sàng đùm bọc, chia bò gạo, củ khoai, thùng mì tôm chống bão. Giúp hộ dân lợp lại mái nhà chẳng may bị tốc mái. Canh chừng hồ cá hay buộc lại những cây trồng bị gãy đổ của hộ gia đình neo đơn, khó khăn. Những ngày mưa bão, chiếc loa được treo ở sân nhà văn hóa thôn thường xuyên thông báo, cập nhật tình hình mưa bão cho Nhân dân biết để ứng phó kịp thời. Gần gũi nhất là bác bí thư chi bộ, trưởng thôn thông tin tình hình phòng chống bão của bà con trong làng và cập nhật tin tức của hộ gia đình chẳng may gặp sự cố do mưa bão. Chỉ cần vậy thôi, mọi người, mọi nhà đã tập trung, có mặt để giúp đỡ hộ gia đình bị hoạn nạn.
Mưa bão không ai mong muốn, nhưng mưa bão cũng là “thước đo” một lần nữa về tình người. Mong rằng, bão sẽ tan nhanh, tình người sẽ ở lại và mãi ấm áp như cách từng người, từng nhà hành động trong mưa bão.