Tin bão khẩn cấp 18/9: Áp thấp thành bão trong 24h tới, các tỉnh miền Trung cảnh báo lũ quét, sạt lở

Dự báo, đến 10h ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8, giật cấp 10, tâm bão cách Quảng Trị khoảng 110km về phía Đông Đông Nam.

Áp thấp nhiệt đới hướng thẳng vào miền Trung, mạnh thành bão trong 24h tới

TS. Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến 13h chiều nay (18/9), cơn áp thấp nhiệt đới cách Đà Nẵng khoảng 530km về phía Đông, tốc độ di chuyển chậm khoảng 15km/h.

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (Nguồn: nchmf.gov.vn)

"Qua theo dõi, tất cả các mô hình dự báo của nước ta và quốc tế đều cho thấy, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão", TS. Mai Văn Khiêm cho biết.

Dự báo, đến 10h ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8, giật cấp 10, tâm bão trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị - Quảng Nam, cách Quảng Trị khoảng 110km về phía Đông Đông Nam. Đến chiều cùng ngày, bão đi vào đất liền Quảng Trị - Quảng Nam, sau đó suy yếu.

Dự báo chiều tối ngày 18/9 đến 19/9, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to từ 100 - 300mm, có nơi trên 500mm; Thanh Hóa, Nghệ An từ 70-150mm, có nơi trên 250mm; Tây Nguyên từ 40-80mm, có nơi trên 150mm.

Về tình hình lũ, dự báo từ ngày 18/9 đến 21/9, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3 -7m. Đỉnh lũ thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi (Thanh Hóa), thượng lưu sông Cả (Nghệ An) lên mức báo động 1 - báo động 2 và trên báo động 2; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) báo động 2 - báo động 3; hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông La (Hà Tĩnh), sông Cả (Nghệ An) ở mức báo động 1; các sông từ Quảng Bình - Quảng Nam ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2; riêng các sông nhỏ ở Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức báo động 3.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất nhiều tỉnh thành miền Trung

9h sáng 18/9, cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia đã phát ra cảnh báo về lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Theo biểu đồ, vào lúc 10h sáng nay (18/9) cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở mức cao và rất cao xuất hiện nhiều tỉnh thành chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới

Theo biểu đồ, vào lúc 10h sáng nay (18/9) cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở mức cao và rất cao xuất hiện nhiều tỉnh thành chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới

Theo đó, từ 5h đến 8h giờ ngày 18/9, khu vực các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Con Cuông 55mm (Nghệ An); Triệu Hòa 35,4mm (Quảng Trị); Xuân Lộc 54,2mm (Thừa Thiên Huế); Đại Hiệp 60,4mm (Quảng Nam); Suối Đá 123,6mm, Suối Lương 108,6mm (Đà Nẵng)...

Cảnh báo trong những giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến như sau: Nghệ An, Thừa Thiên Huế mưa từ 20-50mm, có nơi trên 80mm; Quảng Trị, Quảng Nam và Đà Nẵng mưa từ 30-70mm, có nơi trên 130mm.., nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, Tương Dương (tỉnh Nghệ An); huyện Cam Lộ, Đa Krông, Gio Linh, Hướng Hóa, Triệu Phong, Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị); huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, TX.Hương Thủy, TX.Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế); huyện Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam); Hòa Vang, Quận Liên Chiểu, Quận Ngũ Hành Sơn, Quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng).

Nhiều ngôi nhà tốc mái do lốc xoáy áp thấp nhiệt đới

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều tối 17-18/9 tại một số vùng ở tỉnh Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế có mưa to và lốc xoáy khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, cây cối gãy đổ.

Tại Thừa Thiên Huế, khoảng 5 giờ 30 phút ngày 18/9, trận lốc xoáy xảy ra ở 2 xã Phú Xuân và xã Phú Hồ (huyện Phú Vang) đã làm 1 người bị thương nhẹ (hiện được sơ cứu tại Trạm y tế xã Phú Hồ); 12 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng (xã Phú Hồ 8 nhà, xã Phú Xuân 4 nhà).

Nhận được thông tin, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Vang đã huy động lực lượng bộ đội, dân quân và các lực lượng tại chỗ khẩn trương cơ động đến hiện trường. Đến 11 giờ cùng ngày, các lực lượng cơ bản đã khắc phục xong thiệt hại do lốc xoáy gây ra.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 150 - 300mm, có nơi hơn 400mm. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là có phương án di dời nhân dân ở những nơi thấp trũng có nguy cơ ngập lụt đến các vị trí an toàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Lốc xoáy khiến nhà dân ở xã Thịnh Lộc tốc mái (Ảnh: Văn Nguyễn)

Lốc xoáy khiến nhà dân ở xã Thịnh Lộc tốc mái (Ảnh: Văn Nguyễn)

Tại xã ven biển Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm 3 nhà dân, nhiều mái che và một số công trình phụ bị tốc mái, hư hỏng; khoảng 200 cây trồng lâu năm ven biển bị gãy đổ, một số diện tích hoa màu bị hư hại.

Ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ nhanh chóng khắc phục, lợp lại nhà cửa, mái che và các công trình hư hại khác giúp các hộ dân ổn định tình hình.

Theo Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cảnh báo, từ ngày 18/9 đến 21/9, trên các sông ở khu vực Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu.

Tại Quảng Ngãi, tối 17/9, trận gió lốc đã làm nhà ông Nguyễn Thành Tâm (ở thôn Thanh Thủy) bị tốc mái hoàn toàn; nhà ông Nguyễn Cu (ở cùng thôn) bị tốc mái khoảng 40% và nhà ông Tiêu Ngọc Thành (ở thôn Phước Thiện) bị tốc mái khoảng 50%. Ngoài ra, trên địa bàn xã có một số cây cối bị ngã đổ.

Được biết, xã Bình Hải là địa phương ven biển phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi, vào các năm trước cũng thường xuyên xảy ra giông lốc gây hư hỏng nhà cửa của người dân.

Bắc Giang: Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở núi Y Sơn

Ngày 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở núi Y Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa.

Theo đó, núi Y Sơn (còn có tên gọi là núi IA) thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, có diện tích khoảng 100ha, dưới chân núi có trường tiểu học, THCS, nghĩa trang liệt sỹ và 814 hộ (3.837 nhân khẩu) của 2 thôn Thù Sơn và Sơn Chung đang sinh sống. Trên núi là khu di tích lịch sử Đền Y Sơn, trong lòng núi là công trình quân sự.

Vị trí xảy ra sạt trượt trên núi Y Sơn (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Vị trí xảy ra sạt trượt trên núi Y Sơn (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Thời gian qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, lực lượng chức năng phát hiện tại vị trí khu vực núi Y Sơn (cạnh vị trí sạt sở của năm 2018) xảy ra sạt trượt với cung trượt dài khoảng 100m và nhiều vị trí quanh khu vực xuất hiện các vết nứt.

Tình trạng sạt trượt tại núi Y Sơn đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng và đời sống của khoảng 10 hộ dân (42 nhân khẩu) sống gần khu vực sạt lở và công trình Trường THCS Hòa Sơn.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền đã khẩn trương di dời toàn bộ các hộ dân cùng học sinh và giáo viên ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại hiện trường, các biện pháp ổn định như chặt cây, phát quang, cắm biển cảnh báo, đặt mốc quan trắc... đang được triển khai. Lực lượng chức năng cũng được yêu cầu theo dõi sự cố 24/24h và báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang chỉ đạo huyện Hiệp Hòa phối hợp chặt chẽ với quân đội để khảo sát, đánh giá tình hình và lập phương án xử lý khẩn cấp sự cố công trình theo phương châm "4 tại chỗ".

Quảng Bình: 10 điểm nguy cơ sạt lở cao, sẵn sàng phương án di dời dân

Ngày 18/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện toàn tỉnh có 10 điểm nguy cơ sạt lở đất cao, đặc biệt nguy hiểm. Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra, chỉ đạo biện pháp ứng phó với tình huống nguy hiểm do tác động của thiên tai.

Cụ thể, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão lụt tại huyện Tuyên Hóa, trong đó có khu vực sạt lở tại đồi Phòng Không, thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa. Khu vực này có 3 vị trí sạt trượt nhưng hiện là nơi sinh sống của 37 hộ dân.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, bờ biển, trong đó, 10 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm.

Ngoài ra, có 35 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, cần nâng cấp, sửa chữa, trong đó, có 2 hồ không được phép tích nước trong thời điểm này là hồ Dạ Lam và hồ Hóc Chọ.

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng khu vực, điểm sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đặc biệt, tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, nguy hiểm có các tổ, nhóm xung kích ứng trực để xử lý các tình huống đột xuất xảy ra.

Khánh Ly

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tin-bao-khan-cap-189-ap-thap-thanh-bao-trong-24h-toi-cac-tinh-mien-trung-canh-bao-lu-quet-sat-lo-346796.html
Zalo