Tìm xuống giải… hạng Nhất

Thay vì thi đấu ở V-League với chất lượng và sự cạnh tranh hàng đầu, nhiều ngôi sao của bóng đá Việt Nam lại tìm đến giải hạng Nhất - sân chơi vốn chỉ dành cho bóng đá trẻ. Sự lựa chọn này giúp các cầu thủ kiếm được những bản hợp đồng bạc tỷ, nhưng cũng mang tới nhiều nỗi lo cho tương lai của bóng đá nước nhà.

Thủ môn Đặng Văn Lâm chuẩn bị thi đấu ở giải hạng Nhất. Ảnh: VFF.

Thủ môn Đặng Văn Lâm chuẩn bị thi đấu ở giải hạng Nhất. Ảnh: VFF.

Thi đấu cho hạng Nhất

Trong những ngày qua, thông tin thủ thành ĐT Việt Nam Đặng Văn Lâm đầu quân cho đội Trẻ TPHCM ở giải hạng Nhất Quốc gia nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Đặng Văn Lâm được cho là đã ký bản hợp đồng có thời hạn 4 năm, nhận khoản phí lót tay vào khoảng 6,8 tỷ đồng/mùa giải. Như vậy, với bản hợp đồng này, thủ thành sinh năm 1993 “bỏ túi” tới gần 30 tỷ đồng, trở thành một trong những cầu thủ đắt giá nhất Việt Nam. Trước mắt, Văn Lâm giải quyết hợp đồng với CLB Bình Định (còn thời hạn 1 năm) để sớm hội quân tập luyện cùng Trẻ TPHCM.

Trước Văn Lâm, Nguyễn Hoàng Đức cũng được cho là lựa chọn thi đấu cho một đội bóng hạng Nhất với phí lót tay lên tới 30 tỷ đồng/3 năm. Đến thời điểm này thông tin trên vẫn chỉ dừng lại ở mức tin đồn, nhưng hoàn toàn có cơ sở.

Trước khi mùa giải 2024 - 2025 khởi tranh, việc có thêm nhiều tuyển thủ Việt Nam xuống hạng Nhất thi đấu cũng không phải là bất ngờ. Đời cầu thủ rất ngắn, có người chỉ ở đỉnh cao trong 1 - 2 năm, vì thế họ muốn có một bản hợp đồng đắt giá lên tới hàng chục tỷ đồng trước khi giải nghệ cũng không có gì đáng trách.

Lo cho tương lai

Vụ chuyển nhượng của Văn Lâm mở ra một góc nhìn mới về việc các ngôi sao bóng đá Việt Nam, khi họ đứng trước lựa chọn có nên hay không đánh đổi sự nghiệp để đi theo tiếng gọi đồng tiền. Tất cả đều thấy rằng nếu thi đấu ở giải hạng Nhất, các cầu thủ như Văn Lâm có thể đánh mất phong độ.

Đặng Văn Lâm không được đối đầu với những tiền đạo đẳng cấp, đặc biệt là các ngoại binh, khiến anh có thể bị “cùn”. Đó là chưa kể nhiều đội ở giải hạng Nhất có nguy cơ bỏ giải vì khó khăn kinh tế, nên đến thời điểm này VPF vẫn chưa thể tiến hành bốc thăm, xếp lịch thi đấu.

Dự kiến nếu giải hạng Nhất diễn ra, cũng phải sau V-League khoảng 1 tháng, đồng nghĩa với việc Đặng Văn Lâm chỉ tập chay từ nay tới giữa tháng 10 - thời điểm ở rất gần AFF Cup 2024.

Nói cách khác, từ giờ tới giữa tháng 10, thời điểm giải hạng Nhất dự kiến khởi tranh, Đặng Văn Lâm không bắt trận nào, ngoại trừ những đợt tập trung ĐT quốc gia. Thủ môn sinh năm 1993 có thể bước vào AFF Cup vào tháng 12 với số trận bắt chính chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vì thế, quyết định chọn CLB Trẻ TPHCM ở giải hạng Nhất của Văn Lâm khiến anh có nguy cơ tự đánh mất suất bắt chính tại ĐT Việt Nam. Đây là điều mà bản thân thủ môn này cũng như HLV trưởng Kim Sang Sik không mong muốn chút nào.

Không chỉ có Đặng Văn Lâm, nhiều tuyển thủ khác cũng đổ xô về giải hạng Nhất vì được ký những bản hợp đồng tiền tỷ. Thời gian qua, sau khi giành vé lên chơi ở hạng Nhất, CLB Trẻ TPHCM “mở két” hàng loạt gương mặt quen thuộc có nhiều năm thi đấu đỉnh cao, từng khoác áo đội U23 và ĐT quốc gia như Hữu Tuấn, Đỗ Thanh Thịnh, Trần Đình Minh Hoàng, Nguyễn Văn Việt, Trần Hoàng Sơn, Đinh Thanh Bình, Lê Minh Bình, Nguyễn Đức Việt...

Trong khi đó, một đội bóng hạng Nhất khác là Bình Phước cũng mua về hàng loạt tân binh từng chơi ở V-League như thủ môn Phạm Hữu Nghĩa, Mạc Đức Việt Anh, Huỳnh Tấn Sinh, Sầm Ngọc Đức, Nguyễn Vũ Hoàng Dương, Hồ Sỹ Giáp...

Việc Trẻ TPHCM và Bình Phước chi mạnh tay để mua sắm khiến nhiều HLV ở V-League phải thốt lên: “Thật khó tìm và mua cầu thủ. Giá cầu thủ đá hạng Nhất đều 1 - 2 tỷ đồng một mùa thì mấy đội V-League rất khổ sở vì sự cạnh tranh này”. Một câu hỏi là nếu như một loạt những tên tuổi của bóng đá Việt Nam lựa chọn thi đấu ở hạng Nhất thì khi đó chất lượng V-League sẽ như nào, ĐT quốc gia sẽ ra sao?

Câu trả lời là quá rõ: Cả giải vô địch quốc gia Việt Nam và ĐT Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Thời gian qua, liên tiếp các thất bại từ lứa U16, U19 và U23 khiến người hâm mộ lo lắng. Giờ đây, nhiều trụ cột ĐT lại lựa chọn “vùng an toàn”, khiến tương lai của bóng đá nước nhà khó có thể khởi sắc.

Đáng lo ngại hơn, bóng đá Việt Nam có thể bị “vỡ” bất cứ lúc nào vì giá trị ảo. Nhiều người hẳn còn nhớ những năm 2008 đến quãng 2014, khi ấy bóng đá trong nước cũng xuất hiện các ông bầu mới và thị trường chuyển nhượng sôi động chẳng kém.

Sau chu kỳ thị trường chuyển nhượng rực rỡ ấy, các ông bầu hết tiền, làm ăn khó khăn dẫn tới việc nhiều đội bóng giải thể, cầu thủ thì tiêu cực… Vậy nên, nhìn những cơn mưa tiền đang “nhảy nhót” ở giải hạng Nhất lúc này, chẳng thể không lo cho tương lai của bóng đá Việt Nam.

Gia Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tim-xuong-giai-hang-nhat-10288098.html
Zalo