Tìm về các ngôi chùa cổ vùng Hóa Châu qua ấn phẩm Liễu Quán số 33

Như thường lệ, ấn phẩm Liễu Quán số 33, phát hành vào mùa Vu lan Phật lịch 2568, tiếp tục mang đến cho độc giả những bài viết và tư liệu giá trị xoay quanh chuyên đề: 'Các ngôi chùa cổ vùng Hóa Châu'

Hóa Châu là địa danh quen thuộc trong sử sách, đặc biệt là những giai đoạn gắn liền với hành trình mở cõi về Nam của người Việt. Vùng đất cổ xưa này cũng mang trong lòng nhiều trầm tích Phật giáo có giá trị, trải dài qua nhiều thời kỳ khác nhau; từ Phật giáo Champa đậm nét phương Nam cho đến dấu ấn văn hóa Đại Việt, trải dài cho đến ngày nay.

Bìa ấn phẩm Liễu Quán số 33 - Mỹ thuật: Mai Quế Vũ

Bìa ấn phẩm Liễu Quán số 33 - Mỹ thuật: Mai Quế Vũ

Với sự phối hợp giữa Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, ấn phẩm Liễu Quán số 33 giới thiệu chuyên đề "Các ngôi chùa cổ vùng Hóa Châu". Với những bài viết do các chuyên gia, nhà nghiên cứu thực hiện, chúng ta sẽ có được cái nhìn tổng quan nhất về những ngôi chùa cổ còn tồn tại cho đến ngày nay, liên quan đến sự phát triển của Phật giáo trên vùng Hóa Châu xưa, một phần là tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.

Đặc biệt, trong số những ngôi chùa được khảo sát trong chuyên đề lần này, có Sơn Tùng cổ tự thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền. Ngoài việc có một bề dày lịch sử đáng kính, từng được Võ vương Nguyễn Phúc Khoát gia ân tu sửa, ban biển ngạch Sắc tứ và các liễn đối, tại ngôi chùa này hiện còn các dấu tích liên quan đến Hòa thượng Đạo Giai Thiện Kế, người gốc Ôn Lăng, Trung Hoa; vị pháp điệt của Tổ sư Liễu Quán, đã cung soạn văn bia Tổ sư dựng tại khu bảo tháp của ngài ở núi Thiên Thai.

Qua 33 số kể từ thời điểm ra mắt vào tháng 1-2014 cho đến nay, sau hơn 10 năm, ấn phẩm Liễu Quán đã khẳng định được vị trí đặc biệt trong lòng độc giả, đặc biệt là với những ai quan tâm đến mảng văn hóa và tư liệu Phật giáo.

Có thể nói, với hành trình bền bỉ của mình, ấn phẩm Liễu Quán đã góp phần đáng kể vào việc sưu khảo, gìn giữ và phát huy giá trị to lớn của di sản phong phú của Phật giáo trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc.

Lương Hoàng/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tim-ve-cac-ngoi-chua-co-vung-hoa-chau-qua-an-pham-lieu-quan-so-33-post72796.html
Zalo