Tìm tiếng nói chung về tài trợ bảo tồn thiên nhiên
Cộng đồng quốc tế hiện nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về cách thức tài trợ bảo tồn thiên nhiên. Điều này có thể tác động sâu rộng đến các nỗ lực toàn cầu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Chưa đồng thuận
Diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 2/11, tại thành phố Cali, Colombia, Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về đa dạng sinh học (COP16) được xem là hội nghị lớn nhất thế giới về bảo tồn thiên nhiên. Hội nghị cũng có nhiệm vụ đánh giá và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kế hoạch quốc gia và tài trợ nhằm đạt được 23 mục tiêu đã được đề ra trong Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF), nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học từ nay đến năm 2030.
Một nội dung thu hút sự quan tâm lớn nhất tại COP16 vừa qua là cách thức tài trợ cho các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, hội nghị đã bế mạc mà không đạt được thỏa thuận về lộ trình tăng cường tài trợ cho hoạt động bảo vệ các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Dẫu vậy, với tinh thần xây dựng, các bên nhất trí thiết lập một quỹ từ các khoản thanh toán mà nhiều doanh nghiệp phải chi trả cho việc sử dụng dữ liệu tài nguyên di truyền của thực vật và động vật, sau đó chia sẻ với cộng đồng địa phương nơi sở hữu nguồn đa dạng sinh học này.
Điểm nhấn đáng chú ý khác là hội nghị đã đạt được một đột phá quan trọng. Theo đó, các quốc gia đã đồng thuận thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm tư vấn về các quyết định liên quan đến bảo tồn thiên nhiên của LHQ. Đồng thời thúc đẩy vai trò của cộng đồng địa phương, của người bản địa trong các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên.
Bình luận về kết quả này, giới chuyên gia cùng chung quan điểm rằng, hội nghị đã đạt được điểm kết nối quan trọng nhằm thực hiện GBF đã được thông qua tại COP15 năm 2022, khi cách tiếp cận “con người là một phần của giải pháp để bảo vệ thiên nhiên” được đề cao.
Một trong những mục tiêu đầy tham vọng được đề ra là cung cấp 200 tỷ USD mỗi năm để bảo vệ đa dạng sinh học đến năm 2030, trong đó có 30 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo. Tuy nhiên, COP16 chưa tìm được tiếng nói chung và vẫn còn nhiều lo ngại về khả năng thực hiện các mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng Môi trường Nigeria Iziaq Kunle Salako nêu bật thực tế là kể từ COP15 đến nay, việc hỗ trợ tài chính vẫn “giậm chân tại chỗ”, chưa có bất kỳ “sự gia tăng đáng kể” nào. Ông kêu gọi các quốc gia giàu có khẩn trương tăng cam kết tài chính quốc tế và đảm bảo thực hiện đúng hạn cam kết 20 tỷ USD. Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cho thấy, đến năm 2022, mức tài trợ đa dạng sinh học hằng năm từ các quốc gia giàu có cho các quốc gia nghèo chỉ là hơn 15 tỷ USD.
Chương trình nghị sự của COP16 được nhìn nhận là đi vào tình thế bế tắc trong nhiều vấn đề. Điều này đã thúc đẩy Chủ tịch COP16 đề xuất một loạt văn bản dự thảo vào “phút chót”. Một trong những phương án lựa chọn là tiếp tục các cuộc thảo luận về vấn đề tài chính sau COP16, thậm chí là cho đến hội nghị COP17 tiếp theo vào năm 2026, tại Armenia nhằm tìm cho ra giải pháp toàn diện để thu hẹp khoảng cách tài chính cho đa dạng sinh học.
Kết hợp tinh hoa truyền thống và chiến lược bảo tồn hiện đại
Truyền thông quốc tế dẫn các phân tích, bình luận chuyên sâu cho rằng, dù COP16 không đạt được thỏa thuận về tài chính, song kết quả tại hội nghị này vẫn được dự báo sẽ có tác động sâu rộng đến các nỗ lực toàn cầu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Một trong những thành công của hội nghị là việc các bên đều công nhận vai trò của cộng đồng địa phương, người bản địa, người gốc Phi trong việc bảo tồn thiên nhiên, tạo điều kiện cho các cộng đồng này tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn lực và tham gia các cuộc thảo luận toàn cầu về môi trường, không chỉ giúp nâng cao quyền lợi cho các cộng đồng, mà còn tạo ra những phương pháp bảo tồn hiệu quả hơn, nhờ vào kiến thức và kinh nghiệm bản địa được tích lũy từ bao đời đang tồn tại trong các cộng đồng dân cư.
Ở góc nhìn tổng thể, thỏa thuận tại COP16 kiến tạo nền tảng kết nối để xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng dân cư bản địa, mở ra cơ hội cho việc kết hợp kiến thức và kinh nghiệm truyền thống vào các chiến lược bảo tồn hiện đại.
Theo chuyên gia Lena Katzmarski từ Tổ chức GIZ (Đức), việc khai thác mối liên kết giữa khí hậu và đa dạng sinh học sẽ giúp các quốc gia ứng phó tốt hơn trước những thách thức chung. Tuy nhiên, để các chính sách này có thể thực thi, cần nguồn lực tài chính mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa khí hậu và đa dạng sinh học không chỉ đơn thuần là thừa nhận sự kết nối, mà cần có chiến lược thực hiện rõ ràng và quyết liệt.
Còn theo ông Jeffrey Sachs, chuyên gia thuộc Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững LHQ, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học là hai mặt của cùng một vấn đề và giải pháp tổng thể sẽ giúp xây dựng một tương lai đáng mong đợi.
Ông Gavin Edwards, Giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận Nature Positive nhìn nhận: “COP16 là cơ hội để tiếp thêm năng lượng và nhắc nhở các nước về những cam kết họ đưa ra cách đây hai năm, bắt đầu điều chỉnh lộ trình nếu muốn đạt được mục tiêu năm 2030”.
Giới chuyên gia khẳng định, nhận thức về mối quan hệ mật thiết giữa biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, các giải pháp và lộ trình tăng cường hành động giải quyết vấn đề mất đa dạng sinh học và hành động khí hậu được các bên chia sẻ tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) vào tháng 11/2022 đã trở thành động lực để cộng đồng quốc tế đạt được GBF. Trong bối cảnh COP29 về biến đổi khí hậu sắp diễn ra, những cam kết và hành động mạnh mẽ nhằm bảo tồn đa dạng sinh học sẽ tạo ra sự kết nối để thế giới tăng tốc những nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres: “Sự tồn tại của đa dạng sinh học trên hành tinh của chúng ta chính là sự tồn tại của chúng ta. Sự tồn tại ấy đang bị đe dọa. Các quốc gia cần hành động nhanh chóng để giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học hiện nay”.