Tìm kiếm giải pháp chung cho tương lai bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương

Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, các quốc gia cần giải quyết những thách thức để xây dựng một tương lai bền vững. Tại Hội nghị thường niên lần thứ 58 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các đối tác và các bên liên quan sẽ thảo luận về những giải pháp chung có thể mang lại sự ổn định, tiến bộ và thay đổi tích cực lâu dài ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyển đổi hệ thống thực phẩm, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo để phục hồi là những chủ đề đang được thảo luận tại Milan, Italy. Ảnh minh họa: ADB

Chuyển đổi hệ thống thực phẩm, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo để phục hồi là những chủ đề đang được thảo luận tại Milan, Italy. Ảnh minh họa: ADB

Với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng tương lai”, Hội nghị thường niên lần thứ 58 của ADB đang được tổ chức tại thành phố Milan, Italy từ ngày 4 - 7/5. Đây là lần đầu tiên Italy đăng cai sự kiện này và là Hội nghị thường niên đầu tiên của ADB tại châu Âu sau gần một thập kỷ.

Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương đến từ các quốc gia thành viên ADB, quan chức từ các tổ chức quốc tế, đại diện từ khu vực tư nhân, và các tổ chức xã hội dân sự.

Theo ADB, châu Á - Thái Bình Dương là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và là nguồn đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ. Nhưng đây cũng là nơi sinh sống của một nửa số người nghèo trên thế giới. Đại dịch toàn cầu đã cho thấy những vết nứt trong sự thịnh vượng của khu vực, và các cuộc khủng hoảng chồng chéo sau đó đã làm tổn hại thêm tiến trình phát triển và làm gián đoạn cuộc sống, cũng như sinh kế của hàng triệu người.

Bối cảnh đầy thách thức này khiến những nỗ lực của ADB, và sự hợp tác của ADB với các đối tác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thông qua hỗ trợ tài chính, tư vấn kỹ thuật và chuyên môn, ADB đang hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển giảm bớt tác động của tình trạng mất an ninh lương thực, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, phát triển các nguồn năng lượng sạch, đồng thời thúc đẩy khả năng phục hồi nhanh trước các mối đe dọa về môi trường.

Nhằm hướng đến tiến bộ chung, các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương cần hợp tác để phát triển và chia sẻ các giải pháp chất lượng cho những thách thức phát triển phức tạp, đe dọa đến tiến trình phát triển của họ. Qua đó, các giải pháp chung sẽ mở ra con đường tiến bộ, và sự thay đổi tích cực lâu dài cho các cộng đồng và các nền kinh tế. Để xây dựng một tương lai bền vững, khu vực này cần giải quyết các vấn đề quan trọng như mất an ninh lương thực, khoảng cách số và nhu cầu ngày càng tăng về phát triển các nguồn năng lượng sạch, cũng như tăng cường khả năng phục hồi nhanh trước biến đổi khí hậu.

“Những thách thức về khí hậu và phát triển vẫn dai dẳng và đòi hỏi chúng ta phải liên tục nỗ lực. Milan, nơi đi đầu trong đổi mới sáng tạo và công nghiệp, tượng trưng cho tinh thần tiến bộ và hợp tác, là địa điểm lý tưởng để trao đổi kinh nghiệm và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”, cựu Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết.

LÊ THẢO (Lược dịch từ ADB)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/tim-kiem-giai-phap-chung-cho-tuong-lai-ben-vung-o-chau-a-thai-binh-duong-153255.html
Zalo