Tìm hướng gỡ 'nút thắt' cho cá ngừ

Hiện nay, cá ngừ vằn và nhiều loại hải sản khác vướng quy định về kích cỡ khai thác theo Nghị định 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản đã gây ra nhiều khó khăn cho cả ngư dân hoạt động khai thác trên biển cũng như tác động đến nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu của doanh nghiệp những tháng cuối năm.

Do đó, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp đã đồng loạt kiến nghị lên Chính phủ để tìm hướng gỡ khó cho các loại hải sản này.

Hiện nay, cá ngừ đại dương của Bình Định chủ yếu xuất khẩu sản phẩm phi lê đông lạnh, sang thị trường các nước EU, Mỹ, Trung Quốc… với giá trị thấp hơn nhiều so với xuất khẩu nguyên con sang thị trường Nhật Bản để chế biến sashimi. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Hiện nay, cá ngừ đại dương của Bình Định chủ yếu xuất khẩu sản phẩm phi lê đông lạnh, sang thị trường các nước EU, Mỹ, Trung Quốc… với giá trị thấp hơn nhiều so với xuất khẩu nguyên con sang thị trường Nhật Bản để chế biến sashimi. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Gặp khó do kích cỡ

Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, trong quy định bảo tồn của châu Âu, không tìm thấy quy định về kích thước tối thiểu của cá ngừ, mà chỉ có một số loài nhạy cảm. Kích thước tối thiểu cũng thay đổi khác nhau tùy từng vùng biển và nguồn lợi tại khu vực đó; trong đó, châu Âu quy định rất rõ ràng từng mục như "hạn ngạch (quota), thời gian cấm biển, nghề khai thác… chứ không thuần túy chỉ bằng kích thước tối thiểu".

Chính vì điều này, kể từ khi Nghị định 37 có hiệu lực (ngày 19/5/2024) đã đẩy ngư dân vào thế khó trong cả quá trình hoạt động khai thác trên biển. Trên thực tế, tiêu chuẩn quốc tế đối với loài cá ngừ vằn là size 1,8 - 3,4 kg còn quy định của Nghị định 37 thì chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối với loài này chỉ là 0,5m tương đương size 5 - 7 kg.

Không những vậy, đối với loài cá trích xương cũng quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác là 0,11m. Tuy nhiên, trong thực tiễn khai thác ở Việt Nam mà doanh nghiệp thu gom được thường chiếm khoảng 1/3 lượng nguyên liệu loài này. Loài mực ống (loligo edulis và loligo chinensis) cũng được đưa vào danh sách gây khó cho ngư dân trong khai thác với chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối với loài loligo edulis là 0,08m và loài loligo chinensis là 0,17m. Điều này không phù hợp, vì hiện nay các loài mực ống trên theo thông lệ thương mại của khách hàng nhiều nước được xuất khẩu chủ yếu ở các size dưới 0,08m.

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các tàu cá của Tây Ban Nha vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1,5 kg và vẫn được cấp chứng nhận thủy sản khai thác (C/C). Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương cũng không có quy định kích thước tối thiểu một số loài cá ngừ; trong đó có ngừ vằn. Các quy định trên sẽ khiến ngư dân phải thay đổi lưới có kích thước mắt lưới đáp ứng, các tổ chức quản lý cảng cá phải bổ sung tiêu chí ngư cụ vào phần kiểm tra cấp phép xuất - cập bến. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ thiếu trầm trọng nguyên liệu để thu mua sản xuất, xuất khẩu.

Đơn cử như trong 1 tháng qua, những quy định về kích cỡ cá, mực được khai thác, đánh bắt đã làm nhiều ngư dân khai thác cá ngừ vất vả. Theo ông Trần Nhị, ngư dân có 30 năm gắn bó với nghề biển tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, cá ngừ kích cỡ đạt từ 50cm trở lên giờ rất hiếm, trong khi chi phí cho một chuyến biển tốn kém khoảng 300 triệu đồng, chưa kể tiền lương cho thuyền viên. Mỗi chuyến biển kéo dài hơn một tháng, nếu gặp may có thể bắt được 20 - 30 tấn, nhưng cá đạt chuẩn để bán chỉ đạt từ 200 - 300kg.

Tìm hướng giải quyết

Công ty TNHH Thanh Dung ở Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1 (Khu kinh tế Nam Phú Yên, thị xã Đông Hòa) chuyên chế biến sản phẩm cá ngừ vằn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu, đạt doanh thu khoảng 43 tỷ đồng./năm. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Công ty TNHH Thanh Dung ở Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1 (Khu kinh tế Nam Phú Yên, thị xã Đông Hòa) chuyên chế biến sản phẩm cá ngừ vằn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu, đạt doanh thu khoảng 43 tỷ đồng./năm. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Sau khi Nghị định 37 có hiệu lực, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ đã buộc phải dừng mua cá ngừ vằn nguyên liệu kích thước dưới 0,5m. Việc này đang gây ra thiếu hụt lớn nguồn nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tốc độ tăng trưởng xuất đang ngày càng chậm lại. Ước tính giá trị xuất khẩu tháng 9/2024 chỉ đạt gần 90 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm cá ngừ đóng hộp sụt giảm liên tục. Xuất khẩu sang châu Âu đã giảm trong tháng này và giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, hiện tại, doanh nghiệp chế biến cá ngừ đang phải sử dụng nốt nguồn nguyên liệu tồn kho từ trước và nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Việc chuyển sang sử dụng nguyên liệu nhập khẩu sẽ khiến cho sản phẩm giảm sức cạnh tranh do bị áp thuế cao.

Mới đây nhất, vì sự ách tắc trong quy định của Nghị định 37, hơn 50 chủ tàu cá tỉnh Quảng Ngãi và 20 chủ tàu cá ở Bình Định cùng nhau gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng; trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm bày tỏ mong muốn được xem xét lại quy định chỉ được khai thác cá ngừ vằn với chiều dài nhỏ nhất cho phép là 0,5m.

Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định chia sẻ, với những thay đổi từ Nghị định 37, nhiều tàu cá hành nghề lưới vây cá ngừ phải nằm bờ vì sợ lỗ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống của ngư dân. Nhiều ngư dân đã kiến nghị Nhà nước xem xét về quy định này.

Không những vậy, để đảm bảo hoạt động khai thác và kinh doanh của ngư dân, doanh nghiệp mà vẫn bảo tồn, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xem xét lại quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác loài cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác sống trong vùng nước tự nhiên theo quy định của Chính phủ.

Vì tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của vấn đề liên quan đến sinh kế sản xuất kinh doanh bình thường của ngư dân và doanh nghiệp, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Nghị định 37 tại một số nội dung trong thời gian sớm và phù hợp nhất. Đặc biệt, có văn bản chỉ đạo điều chỉnh, giải quyết vấn đề trên trong thời gian chờ sửa Nghị định do mùa vụ cao điểm của cá ngừ vằn chỉ đến hết tháng 9.

Hồng Nhung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tim-huong-go-nut-thatcho-ca-ngu-20240926172603440.htm
Zalo