Tìm hiểu văn hóa truyền thống qua truyện cổ tích

Một nhóm sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường đại học FPT vừa có sản phẩm đồ án tốt nghiệp khiến nhiều người thích thú. Khi triển khai dự án 'Vó ngựa hồng', điều các bạn hướng đến không chỉ là hoàn thành việc tổ chức một sự kiện chỉn chu theo yêu cầu của ngành học mà còn truyền cảm hứng tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống từ truyện cổ tích Việt Nam đến giới trẻ ngày nay.

Phần biểu diễn kịch thể nghiệm và âm nhạc trên sân khấu của dự án “Vó ngựa hồng”.

Phần biểu diễn kịch thể nghiệm và âm nhạc trên sân khấu của dự án “Vó ngựa hồng”.

Dự án “Vó ngựa hồng” gồm một chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật do chính các bạn sinh viên thực hiện, hướng đến nhóm khán giả trải nghiệm trẻ tuổi. Trước khi triển khai từng phần việc cụ thể, trưởng nhóm Trần Đình Huy cùng ba thành viên còn lại đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về truyện cổ tích Việt Nam cũng như khảo sát nhu cầu thực tế.

Nhóm đã thực hiện hai bảng khảo sát với đối tượng tham gia là sinh viên thuộc nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bước đầu, nhóm làm khảo sát sơ bộ về mối quan tâm của người trẻ đối với truyện cổ tích Việt Nam. Tiếp đó tiến hành khảo sát chuyên sâu về sự hiểu biết của sinh viên đối với giá trị truyền thống trong truyện cổ tích Việt Nam. Phản hồi tích cực từ hàng trăm mẫu khảo sát giúp nhóm rút ra những nội dung cốt lõi cho dự án lần này.

Điểm nhấn của dự án là sự kiện “Tích mộng dệt hội” được lấy cảm hứng từ những hội đình của Việt Nam và chất liệu từ truyện cổ tích. Vào hội, trước tiên, khách tham quan được trải nghiệm “Cổ tích tour” tại các trạm trò chơi dân gian như banh đũa, ô ăn quan, thảy đá… Mỗi trạm được đặt bằng tên riêng liên quan đến truyện cổ tích. Để hoạt động vui chơi thêm phần thú vị, nhóm thực hiện dự án còn sáng tạo một bộ cờ mang đậm màu sắc cổ tích với cách chơi tương tự cờ Tỷ phú - loại hình giải trí gần gũi với nhiều bạn trẻ. Bộ cờ mới được đặt tên là “Ngân nga cổ tích”.

Muốn qua trạm và nhận vật phẩm là các quà tặng đậm chất dân gian, người chơi phải trả lời đúng những câu hỏi về truyện cổ tích Việt Nam. Kết thúc “Cổ tích tour”, khách tham quan đến với chương trình kịch thể nghiệm và biểu diễn âm nhạc với ba chương: Tích-Mộng-Dệt. Ở chương đầu tiên, nhóm công chiếu video ca nhạc “Vó ngựa hồng” do từng thành viên lên ý tưởng để truyền cảm hứng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong truyện cổ tích Việt Nam. Trần Đình Huy cho biết: Bài hát nhóm lên ý tưởng xoay quanh những giá trị quan trọng rút ra từ chín truyện cổ tích nổi tiếng. “Giá trị văn hóa truyền thống về mặt tinh thần như về lòng yêu nước và ý chí tự cường dân tộc sẽ thể hiện rõ trong truyện Thánh Gióng.

Với tinh thần đoàn kết và ý thức cộng đồng, dân tộc, nhóm chọn truyện Con rồng cháu tiên. Truyện Tấm Cám và Chàng quân tử được chọn để nói về lòng nhân ái và khát vọng hạnh phúc. Trong khi đó, sự cần cù, chăm chỉ của người Việt được thể hiện rõ trong truyện Ăn khế trả vàng và Cây tre trăm đốt. Nói về ý nghĩa của phong tục tập quán Việt Nam, nhóm chọn ba truyện cổ tích quen thuộc là Cây nêu ngày Tết, Bánh chưng bánh dày và Sự tích trầu cau”, bạn Huy phân tích thêm.

Ở chương hai, người xem được thưởng thức kịch với phần thể hiện của hai nhân vật thi nhân (đại diện cho giới trẻ) và em bé. Trong khi cô bé 5 tuổi luôn tin vào phép mầu của những câu chuyện cổ tích đã được nghe, thi nhân lại có cái nhìn đầy hoài nghi. Khi hai nhân vật gặp nhau, trên sân khấu xuất hiện hình ảnh con ngựa hồng dẫn họ lạc vào “vũ trụ” cổ tích. Ở đó, họ phiêu lưu và gặp gỡ những nhân vật trong truyện, dần nhận ra các bài học quan trọng.

Phần biểu diễn sân khấu khép lại với các tiết mục mang tính liên kết những giá trị trong truyện cổ tích với cuộc sống ngày nay. Nói về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết từ cổ tích bước ra đời thực, nhóm đã khiến người xem xúc động mạnh khi khéo léo lồng ghép những hình ảnh người dân cả nước sẻ chia, đồng hành cùng nhau trong dịch Covid-19 hay thiên tai, lũ lụt.

Trước đó, tại khu vực trải nghiệm, nhóm cùng đối tác hỗ trợ đã mang đến cho khách tham quan một hoạt động tương tác độc đáo mang tên “Người nay kể chuyện xưa”. Đây là góc khai thác chất liệu truyện cổ tích Việt Nam trong sản phẩm truyền thông nghe-nhìn nhằm tạo sự tò mò, thích thú cho giới trẻ. Mọi người được thử lồng tiếng, nhập vai một nhân vật trong truyện cổ tích. Truyện được chọn là biến thể của “Tấm Cám” với phần kịch bản do nhóm “Người kể chuyện phim” cung cấp và dàn dựng. Kết thúc trải nghiệm, người tham gia tiếp nhận thêm nhiều kiến thức về giá trị văn hóa truyền thống trong truyện cổ tích Việt Nam trên nền tảng các sản phẩm công nghệ hiện đại.

Nguyễn Phúc Xuân Thy, một thành viên của dự án “Vó ngựa hồng” cho biết: Đây là cơ hội để nhóm thực hành và trau dồi kỹ năng chuyên môn. Đặc biệt, khi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về truyện cổ tích, bên cạnh các yếu tố quen thuộc, từng thành viên còn khám phá được những góc nhìn khác sâu sắc hơn. “Em và các bạn nhận thấy truyện cổ tích là nguồn tài nguyên dồi dào và đậm mầu sắc riêng của dân tộc. Khi biết cách khai thác có thể đem đến những sản phẩm truyền thông giàu ý nghĩa và độc đáo. Điều này đòi hỏi chúng em phải đưa ra hướng tiếp cận mới mẻ hơn, kết hợp sáng tạo giá trị xưa cũ và yếu tố cải tiến hiện đại, để những giá trị này được sống mãi trong nhịp đập thời đại mà không mất đi giá trị cốt lõi”, bạn Thy chia sẻ.

Từ những ý tưởng sáng tạo lấy cảm hứng từ truyện cổ tích, nhóm dự án còn thực hiện sản phẩm lưu niệm bán gây quỹ hỗ trợ hoạt động tặng truyện cổ tích cho các tủ sách, thư viện của trẻ em khó khăn trong dự án “The book net 2024”. Giai đoạn tới, nhóm sẽ phát triển dự án thông qua việc kết hợp với nhiều đơn vị, tạo nên nhiều sản phẩm văn hóa, ẩm thực lấy cảm hứng từ truyện cổ tích. Điều nhóm mong muốn nhất hiện nay là tạo động lực để giới trẻ chọn truyện cổ tích làm chất liệu cho những sản phẩm sáng tạo của mình. Khi đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị truyện cổ tích không chỉ nằm trong câu chữ mà còn thể hiện trên các sản phẩm gần gũi hơn với mọi người.

Bài và ảnh: GIA MỸ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tim-hieu-van-hoa-truyen-thong-qua-truyen-co-tich-post851528.html
Zalo