Tìm hiểu gốc rễ sự tích lễ cúng ông Công ông Táo

Chỉ còn vài ngày nữa sẽ tới lễ cúng ông Công ông Táo - 23 tháng Chạp. Đây là phong tục tập quán được lưu truyền từ xa xưa và dần trở thành nét đẹp trong văn hóa ngày Tết. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ gốc rễ sự tích ông Công ông Táo.

Nguồn gốc của câu chuyện ông Công ông Táo

Theo sách "Phong tục thờ cúng của người Việt", Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người việt chuyển hóa sự tích hai ông một bà là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.

Truyện xưa kể rằng, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện xô xát dằn vặt vợ.

Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Trọng Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Về phần Trọng Cao hết gạo hết tiền phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, may cho Cao, tình cờ tìm xin ăn đúng nhà của Nhi đúng lúc Phạm Lang đi vắng. Nhi sớm nhận ra người hành khất đúng là người chồng cũ.

Lễ cúng ông Công ông Táo là truyền thống đẹp của người dân Việt Nam.

Lễ cúng ông Công ông Táo là truyền thống đẹp của người dân Việt Nam.

Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào định cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo khiến cả ba đều chết trong đám lửa. Ngọc Hoàng cảm động trước tình nghĩa của 3 người nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

Ý nghĩa lễ cúng ông Công ông Táo

Cúng tiễn ông Công ông Táo về trời từ lâu đã trở thành thói quen không thể thiếu của các gia đình Việt vào dịp tết. Người ta quan niệm một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp.

Vì vậy, để được Táo Quân phù trợ, vào ngày này, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất long trọng. Người xưa cũng cho rằng, sau khi nghe Táo Quân bẩm báo, Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào đó để định đoạt, có thể khen thưởng hoặc quở phạt gia chủ.

Vì thế, vào ngày 23 tháng Chạp, trước khi Táo quân lên thiên đình, người ta thực hiện nghi lễ cúng ông Táo để các ông “nói tốt“ cho nhà mình, giúp năm tiếp theo được ban cho tài lộc, bình an.

Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, sự hiện diện của các vị Táo Quân trong mỗi căn nhà còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong gia đình.

Vì sao cúng ông Công ông Táo lại thả cá chép?

Theo phong tục văn hóa cổ truyền của người Việt, người ta tin rằng Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo lên Ngọc Hoàng những việc đã làm và chưa làm được trong năm vừa qua. Sau đó, đến đêm giao thừa, các Táo mới trở lại trần gian tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết nguồn gốc việc cúng cá chép trong ngày này là vì cá chép là một trong 3 thứ Tam sinh, tượng trưng cho phú quý. Đồng thời, quan niệm dân gian cho rằng cá chép có thể vượt vũ môn hóa rồng. Rồng có khả năng gọi mưa, rất cần cho cư dân nông nghiệp lúa nước.

Thả cá chép không thả túi nilon. Ảnh: (Báo Giao thông).

Thả cá chép không thả túi nilon. Ảnh: (Báo Giao thông).

Ngoài ra, cá chép còn đại diện cho sự phát triển và khả năng sinh sôi rất lớn. Điều này tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi, phát triển của người Việt xưa.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia cho biết, đây là thói quen được duy trì từ lâu. Bởi trong tâm thức dân gian, cá chép sẽ hóa thành rồng, sau đó rồng sẽ bay được lên trời. Vì thế, cá chép là “phương tiện” duy nhất giúp Táo quân lên trời.

Ngoài ra, theo quan niệm dân gian của Phương Đông, “cá chép vượt vũ môn” tượng trưng cho sự đoàn kết, sức mạnh, ý chí nỗ lực, kiên cường vượt khó, vươn tới thành công, thịnh vượng.

Xả rác sau lễ cúng ông Công ông Táo sẽ bị xử phạt

Pháp luật hiện hành đã có những quy định tương đối cụ thể để xử lý các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 7 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, sẽ phạt từ 01 - 02 triệu đồng đối với các hành vi:

- Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường;

- Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.

Đáng chú ý, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường lại quy định mức phạt nghiêm khắc hơn lên đến 05 - 07 triệu đồng đối với hành vi: “Vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị” (điểm đ, khoản 1 Điều 20).

Như vậy, nếu sau lễ cúng ông Công ông Táo, người dân vứt túi nilon, xả rác bừa bãi trên vỉa hè, ao hồ… rất có thể sẽ bị xử phạt theo các quy định nêu trên, với mức phạt lên đến 7 triệu đồng.

Dù có 02 Nghị định xử phạt về cùng một hành vi tương tự nhau nhưng được biết thông thường trên thực tế, quy định tại Nghị định 155 được áp dụng nhiều hơn vì có tính răn đe cao hơn.

Nhật Hạ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tim-hieu-goc-re-su-tich-le-cung-ong-cong-ong-tao-85070.html
Zalo