Tìm giải pháp phù hợp cho kiểm định khí thải xe cơ giới

Thông tư 47/2024/TT-BGTVT quy định trình tự, thủ tục kiểm định xe mô tô, xe gắn máy có hiệu lực từ 1/1/2025. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm giảm áp lực lên hạ tầng giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Mô tô, xe gắn máy chiếm 85% phương tiện tham gia giao thông ở nước ta. Ảnh: Thái Nhung.

Mô tô, xe gắn máy chiếm 85% phương tiện tham gia giao thông ở nước ta. Ảnh: Thái Nhung.

Người dân muốn được hỗ trợ chi phí kiểm định

Thông tư 47/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định, xe mô tô, xe gắn máy dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải. Đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất trên 5 năm đến 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 24 tháng, sản xuất trên 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 12 tháng. Trường hợp xe mô tô, xe gắn máy trong cơ sở dữ liệu không có thông tin về ngày xuất xưởng thì tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất xe. Giấy chứng nhận kiểm định khí thải sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cấp.

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nước ta có khoảng 77 triệu xe máy đăng ký, tỷ lệ sở hữu xe máy lên tới 770 xe/1.000 dân. Gia đình anh Trần Huy Tùng (ở phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội) có 5 người thì có 4 chiếc xe máy. “4 chiếc xe máy của gia đình tôi đều đã trên 5 năm sử dụng. Người dân chúng tôi rất mong muốn được thông tin rõ ràng, cụ thể hơn về việc kiểm định xe máy như thời gian, chi phí, địa điểm…” - anh Tùng bày tỏ.

Còn anh Trần Huy Hoàng (ở Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ ủng hộ việc kiểm định khí thải mô tô, xe máy. Việc này nhằm bảo vệ môi trường và giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, theo anh Hoàng, cần quan tâm đến năng lực thực hiện khi lượng xe máy ở nước ta rất lớn. Xe máy còn là phương tiện sinh kế của nhiều người. “Do đó, theo tôi cần có kế hoạch hỗ trợ người dân về chi phí kiểm định” – anh Hoàng nói.

Theo TS. Lê Quý Thủy - chuyên gia về xe máy chuyên dùng (Viện Khoa học công nghệ và Giao thông vận tải), hiện xe máy chiếm 85% phương tiện tham gia giao thông và thải ra một lượng lớn CO và HC (các chất gây ô nhiễm không khí). Trong đó, những phương tiện đã sử dụng trên 10 năm thải ra các khí độc vượt ngưỡng nhiều gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Do đó, việc kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện sẽ đối diện một số khó khăn nhất định như: Xe máy là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân, mức độ đáp ứng về nhân lực kiểm định, số lượng trạm kiểm định, chi phí kiểm định…

Chuẩn bị kỹ lộ trình, tránh gây xáo trộn

Theo ông Thủy, lộ trình kiểm định khí thải mô tô, xe máy cần chuẩn bị kỹ lưỡng, cân nhắc một cách phù hợp để ít gây xáo trộn cho người dân. Ông Thủy đề xuất phương án xã hội hóa hoạt động kiểm định khí thải mô tô, xe máy, đồng thời có sự hỗ trợ đối với người nghèo, bởi đa số xe máy cũ nát là phương tiện sinh kế của người nghèo, người thu nhập thấp. Bên cạnh đó cần mở rộng tuyên truyền để người dân đồng thuận. Hiện nay người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy hầu như chưa quan tâm đến khí thải của phương tiện có đạt tiêu chuẩn hay không. Một trong những biện pháp để kiểm soát khí thải trước mắt là chú trọng việc bảo dưỡng phương tiện như thay lọc gió, bugi, dầu bôi trơn nhằm làm giảm phát thải các chất độc hại ra môi trường, tăng độ bền phương tiện và tiết kiệm nhiên liệu; sử dụng các phương tiện giao thông ít gây phát thải ra môi trường…

Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, việc Bộ GTVT ban hành các văn bản quy định về trình tự thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy, thông tư quy định về trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy là thực hiện theo quy định của luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025. Tuy nhiên, thời gian, lộ trình thực hiện kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy sẽ thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường. Luật này do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ ban hành quyết định. Hiện nay, Bộ TNMT chưa trình dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lên Chính phủ do còn chờ quyết định về lộ trình thực hiện nên việc kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy chưa thực hiện ngay. Bộ GTVT cũng xác định việc kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy là rất cần thiết. Đồng thời khi thực hiện lộ trình sẽ phát sinh nhu cầu rất lớn, có thể dẫn đến ùn tắc phương tiện đến kiểm định khí thải. Vì thế, những văn bản hướng dẫn, quy định đối tượng mà Bộ GTVT đã ban hành nhằm có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng cho việc thực hiện kiểm định; mục tiêu là thuận tiện nhất cho người dân.

Liên quan đến những lo ngại về tình trạng quá tải tại các trạm đăng kiểm, ông An nêu giải pháp sẽ sử dụng các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới sẵn có và nghiên cứu kinh nghiệm một số nước trong khu vực, phối hợp cùng Hiệp hội Các nhà sản xuất, nhập khẩu xe máy Việt Nam (VAMM) đề xuất sử dụng các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe mô tô, xe gắn máy của các đại lý bán xe thuộc Hiệp hội VAMM và các cơ sở xã hội hóa để tham gia thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Trên cả nước hiện có khoảng gần 3.000 cơ sở đảm bảo cho việc triển khai thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

“Sắp tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ TNMT trong việc xây dựng và hoàn thiện lộ trình áp dụng kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với thực tế, giảm thiểu đến mức thấp nhất việc gây xáo động, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng phương tiện của người dân nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu về môi trường…” - ông An cho biết.

THÁI NHUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tim-giai-phap-phu-hop-cho-kiem-dinh-khi-thai-xe-co-gioi-10297973.html
Zalo