Tìm giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp nhỏ
Hội nhập kinh tế, giao thương với nước ngoài đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, coi đây là yếu tố sống còn.
Với đại đa số DN quy mô nhỏ và vừa, việc tiếp cận và thực hiện các giải pháp cải tiến, đổi mới sản xuất, năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm không hề dễ dàng. Lợi ích thấy rõ nhưng muốn thúc đẩy DN, nền kinh tế cải thiện năng suất cao hơn thì cần các hỗ trợ từ chính sách.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa, từ DN quy mô siêu nhỏ ban đầu, sau đó liên tục cải tiến, đổi mới công nghệ, sáng tạo không ngừng mà Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật VinaStar (thành phố Biên Hòa) đang vươn lên hàng ngũ DN vừa, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Năm 2019, DN này tham gia Dự án Áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng của Bộ Công thương, do Viện Năng suất Việt Nam triển khai.
Nhờ tích cực cải tiến năng suất, chất lượng, VinaStar đã dần đầu tư, áp dụng công nghệ, máy móc để giảm nhân công trong khi sản lượng sản xuất ra vẫn tăng. Không dừng lại đó, Giám đốc công ty Mai Khanh cho hay, công ty đang định hướng chuyển đổi số tại một số quy trình như: quản lý định mức sản phẩm; quản lý đơn hàng, kế hoạch sản xuất, tiến độ sản xuất; quản lý quy trình áp dụng chữ ký điện tử, quản lý chất lượng, quản lý máy móc thiết bị. Đầu năm 2025, các giải pháp sẽ được đưa vào áp dụng, từ đó sẽ kiểm soát các chi phí một cách tối ưu nhất.
Tại Hội thảo Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cho DN do Sở Khoa học và công nghệ tổ chức vào tháng 8 vừa qua, Phó viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Thu Hiền nhận định, các DN tùy vào mô hình văn hóa và loại hình sản phẩm mà có thể thiết kế mô hình phù hợp. Các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sẽ được sử dụng như các phương tiện để đạt tới mục tiêu của từng trụ cột trong mô hình. Câu chuyện của VinaStar là một mô hình điểm về cải tiến năng suất và đổi mới sáng tạo có hiệu quả giúp các tổ chức, DN tham khảo.
Tuy nhiên, trên thực tế, với các DN nhỏ và vừa, để đạt được hiệu quả mà VinaStar đã có là điều không dễ dàng. DN nhỏ và vừa có bộ máy tổ chức, quản lý sản xuất gọn nhẹ, khả năng ứng biến linh hoạt nhưng lại đang phát triển tự phát, nhỏ lẻ; thiếu sự liên kết về kinh tế và kỹ thuật. Trình độ quản lý và năng lực tài chính yếu, thị trường nhỏ hẹp và năng lực cạnh tranh chưa cao. Các DN còn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh...
Tăng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Đổi mới công nghệ sản xuất là giải pháp để DN nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và cuối cùng là tăng lợi nhuận của công ty, do đó, cần thay đổi văn hóa DN để thích ứng với đổi mới; quá trình đổi mới của DN cần có thêm các chính sách hỗ trợ.
Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia (Bộ Khoa học và công nghệ), tiến sĩ Hà Minh Hiệp đánh giá, Đồng Nai có cộng đồng DN đông đảo, việc cải tiến năng suất, chất lượng của DN cũng là tăng sức cạnh tranh cho địa phương. Có 2 vấn đề ông Hiệp khuyến nghị là nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn trong vấn đề năng suất. Đây không chỉ là câu chuyện của DN. Nếu cơ quan quản lý đồng hành cùng DN, các cơ chế, chính sách, văn bản khi ban hành tạo được sự thông thoáng, thuận lợi sẽ là động lực để DN đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất.
Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng được cho mình lực lượng chuyên gia tư vấn về năng suất, chất lượng. Mặc dù Đồng Nai rất gần Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tỉnh cũng phải chủ động hơn cho hoạt động năng suất. Đội ngũ các chuyên gia, cộng tác viên sẽ là nhân tố hỗ trợ DN một cách có hiệu quả nhất.
Theo Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và công nghệ) Lê Xuân Trường, thời gian tới, Đồng Nai sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các nội dung hỗ trợ liên quan đến Chương trình quốc gia Hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, nâng cao năng suất và chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh. Tiếp tục lồng ghép các chương trình, đề án có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chương trình quốc gia Hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1322) trên địa bàn. Song song đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, xây dựng đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng để phục vụ cho giai đoạn tiếp theo.
Văn Gia
Áp dụng các giải pháp về năng suất, chất lượng sẽ khích lệ nhân viên chia sẻ ý tưởng mới và chấp nhận thử nghiệm; khuyến khích học hỏi kiến thức và kỹ năng mới; tăng tính đồng đội hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau; tạo sự linh hoạt, thích nghi với thay đổi và sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết.