Tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở

Hoạt động công đoàn cơ sở có vai trò quan trọng trong thu hút người lao động tham gia. Để làm được điều này, cần vai trò quan trọng của cán bộ công đoàn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, cho biết: Việc xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn sẽ làm nên chất lượng hoạt động của Công đoàn các cấp. Đó là cơ sở, nền tảng tạo nên sức mạnh của tổ chức Công đoàn. Thấu hiểu điều đó, Công đoàn Thủ đô đã không ngừng đầu tư cho hoạt động này, bao gồm việc tổ chức lớp đào tạo, hướng dẫn, chia sẻ kỹ năng để cán bộ Công đoàn tự tin khi triển khai nhiệm vụ, đạt hiệu quả cao.

Lãnh đạo LĐLĐ Hà Nội thăm phân xưởng, nắm bắt tâm tư, tình hình lao động.

Lãnh đạo LĐLĐ Hà Nội thăm phân xưởng, nắm bắt tâm tư, tình hình lao động.

“Đối với Công đoàn cơ sở, phần lớn cán bộ Công đoàn là kiêm nhiệm, nên họ không thể nhớ hết các công việc. Chúng tôi đã biên soạn cuốn cẩm nang để các cán bộ Công đoàn biết được phần việc mình cần làm và triển khai công việc. Đối với cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở, chúng tôi hướng dẫn các kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng soạn thảo văn bản tham mưu, kỹ năng dẫn chương trình, tổ chức sự kiện, kỹ năng khi đi làm việc với các doanh nghiệp cơ sở….

LĐLĐ Thành phố Hà Nội bám sát hoạt động các quận, huyện, ngành; các quận, huyện, ngành bám sát các Công đoàn cơ sở, theo đó cùng làm, cùng tháo gỡ, vượt khó, cứ vậy tạo thành sức mạnh nội sinh của tổ chức Công đoàn”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà chia sẻ.

Công đoàn Hà Nội cũng làm tốt công tác bảo vệ, chăm lo cho công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), đặc biệt là người yếu thế. Công đoàn phối hợp với chuyên môn xây dựng chính sách chăm lo; có Trung tâm tư vấn pháp luật hỗ trợ người lao động; có Quỹ trợ vốn hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động vay phát triển kinh tế; “Mái ấm Công đoàn” trao hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; chuyến xe đưa công nhân lao động về quê ăn Tết…

Những hoạt động đó được triển khai ở tất cả các cấp Công đoàn, giúp lan tỏa cộng đồng, uy tín của tổ chức Công đoàn nhờ đó cũng được nâng cao. Những kết quả đó không chỉ hiệu quả trong việc thwucj hiện công tác xã hội, mà còn góp phần làm tốt hơn công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, mỗi cán bộ Công đoàn cần hội tụ các yếu tố: Là người được tin tưởng, có uy tín, tố chất phù hợp, đặc biệt quan trọng nhất là phải yêu tổ chức Công đoàn.

Người cán bộ Công đoàn yêu các hoạt động Công đoàn, công việc mà bản thân đang đảm nhận, có tấm lòng chia sẻ với mọi người, khi đó họ sẽ có thêm năng lượng, sẽ chủ động học hỏi, tìm những cách thức làm việc để làm sao triển khai công việc đạt hiệu quả nhất.

Người cán bộ làm công tác Công đoàn phải được rèn luyện kỹ năng ứng xử, tổ chức các hoạt động, kỹ năng cân đối nguồn lực có hạn, kỹ năng khai thác nguồn lực xung quanh, kỹ năng tổ chức hoạt động thu hút mọi người tham gia, do đó tạo kỹ năng sống để phát triển bản thân, công việc chuyên môn được thuận lợi hơn.

Anh Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Dịch vụ Siêu thị BIG C Thăng Long (trực thuộc LĐLĐ quận Cầu Giấy) chia sẻ, muốn người lao động thêm tin, yêu vào tổ chức Công đoàn, phải bắt đầu từ sự quan tâm của Công đoàn cơ sở, bởi Công đoàn cơ sở là nơi gần nhất với đoàn viên, người lao động. Theo anh Bảy, từ Công đoàn cơ sở đến các cấp Công đoàn, đều cần tổ chức nhiều hoạt động hướng về đoàn viên, người lao động, từ đó người lao động nhận thấy những lợi ích thiết thực và tích cực tham gia, cũng như tin yêu tổ chức Công đoàn.

Trong những năm gần đây, LĐLĐ thành phố Hà Nội, Công đoàn cấp trên cơ sở đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, mọi người đều thấy được vai trò của tổ chức Công đoàn, trong đó có Công đoàn cơ sở. Khi xảy ra dịch, Công đoàn Công ty đã tổ chức khoanh vùng, hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, người lao động trong Công ty, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách…

Cũng theo anh Bảy, thời gian qua, Công đoàn Công ty luôn nhận được sự hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp từ Công đoàn cấp trên cơ sở, nhờ đó, Công đoàn Công ty luôn tổ chức tốt các hoạt động cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời, anh Bảy cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, Công đoàn cấp trên tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để Công đoàn Công ty tiếp tục thực hiện tốt chức năng của mình. Bên cạnh đó, Công đoàn cấp trên cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo để cán bộ Công đoàn cơ sở thêm vững chuyên môn, qua đó thực hiện tốt mọi nhiệm vụ tại đơn vị, cơ sở.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội cho rằng, để tổ chức Công đoàn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, nhất là chức năng đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; trước hết, Công đoàn phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Công đoàn cấp trên, cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp trong tổ chức triển khai các hoạt động. Cùng đó, tổ chức Công đoàn phải phát huy trí tuệ, tinh thần dân chủ trong triển khai các hoạt động.

“Đối với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, chúng tôi luôn duy trì họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành hàng tháng, hàng quý để phát huy trí tuệ, lấy ý kiến đóng góp của các ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, trên căn sở đó xây dựng kế hoạch chỉ đạo hoạt động tới các Công đoàn cơ sở”, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết.

Quan trọng nhất, theo bà Nguyễn Thị Thanh, là Công đoàn cấp trên cơ sở phải hướng về cơ sở, lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm của mọi hoạt động. Bởi Công đoàn cơ sở là nơi gần với đoàn viên nhất, nơi nắm rõ được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của đoàn viên, người lao động, qua đó mới có thể chăm lo tốt được cho họ.

HL/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/tim-giai-phap-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cong-doan-co-so-20241013074536146.htm
Zalo