Tìm giải pháp kéo giảm điểm trường lẻ

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh như các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu vẫn còn duy trì hàng chục điểm trường lẻ.

Giáo viên tại điểm trường lẻ của Trường trung học cơ sở Thanh Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) hướng dẫn học sinh lớp 6 vào trường trong ngày khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh: C.NGHĨA

Giáo viên tại điểm trường lẻ của Trường trung học cơ sở Thanh Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) hướng dẫn học sinh lớp 6 vào trường trong ngày khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh: C.NGHĨA

Việc còn phải duy trì những điểm trường lẻ đang tạo ra những khó khăn nhất định trong công tác quản lý, tổ chức dạy và học, cũng như sự công bằng về điều kiện học tập của học sinh giữa các điểm trường.

Giảm nhiều điểm trường lẻ

Năm học 2024-2025, huyện Định Quán có 65 trường học công lập ở bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (THCS). Năm học này, huyện là địa phương đầu tư xây dựng mới, nâng cấp được khá nhiều công trình trường học. Thế nhưng, toàn huyện vẫn còn tới 120 điểm trường lẻ nằm ở các xã, trong đó bậc mầm non còn 44 điểm trường, tiểu học còn 60 điểm trường và THCS còn 16 điểm trường.

Khi một trường học nhưng lại có nhiều điểm lẻ sẽ chi phối về biên chế, nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, công tác quản lý, đồng thời không tránh khỏi những thiệt thòi cho cả giáo viên lẫn học sinh ở những điểm trường lẻ. Đơn cử như điểm trường chính của Trường THCS Thanh Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán), điểm trường chính năm nay có cơ sở vật chất mới khang trang, còn điểm trường lẻ Suối Đục cách đó 20km, cơ sở vật chất lại rất cũ, thậm chí sân trường còn là nền đất. Tại điểm trường lẻ này hiện chỉ có 4 lớp thuộc các khối 6, 7, 8, 9 với 102 học sinh.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH:

Điểm trường lẻ cần được đầu tư khang trang

Hiện chỉ còn các cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến THCS ở một số huyện là còn các điểm trường lẻ. Do đó, sở đang chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo địa phương rà soát. Nếu điểm lẻ nào có thể đưa về điểm chính thì tính toán, còn điểm nào phải giữ thì phải đầu tư khang trang, tránh chuyện học sinh ở điểm lẻ bị thiệt thòi so với điểm trường chính.

Ban giám hiệu Trường THCS Thanh Sơn cho hay, địa bàn xã Thanh Sơn rất rộng nên nếu phải đưa hết học sinh về điểm trường chính để học tập thì chuyện đi lại sẽ rất bất tiện cho học sinh và phụ huynh đưa đón. Với những học sinh gia đình quá khó khăn mà phải về điểm trường chính học, các em dễ bỏ học giữa chừng. Nhà trường luôn động viên giáo viên phải kiên trì “bám” điểm trường lẻ để “giữ chân” học sinh, không được để các em bỏ học giữa chừng.

Còn ở huyện miền núi Tân Phú, nhiều năm về trước có gần 60 điểm trường lẻ ở đủ 3 cấp học là mầm non, tiểu học và THCS. Năm học 2024-2025, huyện chỉ còn 20 điểm trường lẻ ở hai bậc mầm non và tiểu học.

Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tân Phú Lê Công Quang cho biết, huyện đang cố gắng giảm các điểm trường lẻ tới một mức độ nhất định nhưng vẫn buộc phải duy trì một số điểm trường lẻ bởi địa bàn rộng, khoảng cách giữa điểm trường chính và điểm trường lẻ quá xa. Bên cạnh đó, còn phải tính đến đặc thù riêng của địa phương, nhất là địa bàn có đông học sinh dân tộc thiểu số thì buộc phải giữ các điểm trường lẻ, động viên giáo viên bám lớp để học sinh thuận tiện đến trường.

Tạo công bằng cho học sinh

Nhờ kiên cố và hiện đại hóa hệ thống trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia nên huyện Xuân Lộc đã giảm được thêm 5 năm điểm trường lẻ ở năm học mới này. Tuy nhiên, ở bậc mầm non, huyện vẫn còn 21 điểm trường, bậc tiểu học 18 điểm trường, còn ở bậc THCS còn 1 điểm trường. Hiện một số trường tiểu học trên địa bàn huyện vẫn còn tới 2, thậm chí 3 điểm trường, như: Trường tiểu học Lam Sơn (xã Suối Cao), Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Xuân Trường).

Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Xuân Lộc Thân Anh Thiết cho biết, quá trình xây dựng nông thôn mới đã giúp huyện có cơ hội vừa kiên cố, hiện đại hóa hệ thống trường lớp, vừa xóa được thêm các điểm lẻ. Những trường không còn điểm trường lẻ nữa, hiệu trưởng dễ quản lý, còn giáo viên thì không phải chạy đi chạy lại giữa điểm trường chính và điểm trường lẻ để làm nhiệm vụ dạy học. Khi học sinh được ra điểm chính học, điều kiện đầy đủ hơn, nhất là với những môn Công nghệ, Tin học, bởi ở điểm lẻ có quá ít học sinh thường rất khó đầu tư lẫn bảo quản trang thiết bị dạy học như máy tính, thiết bị đồ dùng dạy học.

Ông Thân Anh Thiết cho biết thêm, huyện đang tiếp tục sắp xếp lại các trường ở các bậc học còn điểm trường lẻ để “tiết kiệm” biên chế giáo viên. Bởi nếu không sắp xếp được thì sẽ khá khó khăn. Chẳng hạn, biên chế lớp theo chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo là 35 học sinh/lớp ở bậc tiểu học, còn THCS là 40, nhưng ở các điểm trường lẻ chỉ có 20, hoặc 30 em/lớp thì vẫn phải có một biên chế giáo viên.

Trong khi đó, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Xuân Hiệp (xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) Cao Thị Huyền Như cho hay, trường hiện có điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ, khoảng cách từ điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ lại không quá xa, chỉ vài trăm mét; nhưng nếu gom về một điểm thì lại khó khăn, vì diện tích trường ở điểm chính hiện nhỏ, phải xây lớn hơn mới đáp ứng đủ số trẻ của trường.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202409/tim-giai-phap-keo-giam-diem-truong-le-19a32e9/
Zalo