Tìm giải pháp giải bài toán rác thải nhựa từ thương mại điện tử
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa, trong đó phải kể đến lĩnh vực thương mại điện tử.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Tác động của Thương mại Điện tử đối với Môi trường" vừa được Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Hội đồng Hiệu trưởng Khối ngành Khoa học sự sống và Môi trường phối hợp tổ chức sáng nay (12/9).
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, để giải quyết tình trạng rác thải nhựa, việc thúc đẩy “xanh hóa” thương mại điện tử là giải pháp cấp bách cần triển khai ngay trong giai đoạn hiện nay.
TS Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận định, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế toàn cầu. Sự xuất hiện và lan tỏa của thương mại điện tử không chỉ thay đổi cách thức kinh doanh, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ, giúp kết nối các thị trường và người tiêu dùng trên khắp thế giới.
Theo bà Cầm, thương mại điện tử mang đến cho chúng ta sự tiện lợi chưa từng có, khả năng tiếp cận thị trường không giới hạn và tạo động lực mới cho nền kinh tế. Bên cạnh những lợi ích rõ ràng, thương mại điện tử cũng đặt ra những vấn đề lớn cần được xem xét một cách nghiêm túc, đặc biệt là tác động của nó đối với môi trường tự nhiên.
"Tại giao điểm của tiến bộ công nghệ và nhu cầu phát triển bền vững, việc nghiên cứu và hiểu rõ tác động của thương mại điện tử đối với môi trường không chỉ mang tính cấp thiết mà còn là một yêu cầu không thể thiếu trong quá trình hoạch định chính sách và phát triển chiến lược kinh doanh", TS Trần Ái Cầm, nhận định.
Hội thảo khoa học quốc gia "Tác động của Thương mại Điện tử đối với Môi trường" là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu các tác động tiêu cực của thương mại điện tử đến môi trường và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
"Đây thực sự là cơ hội để tất cả chúng ta cùng nhau trao đổi, chia sẻ về: cơ hội, thách thức và giải pháp từ các hoạt động thương mại điện tử; Hoạt động thương mại điện tử và Kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực; Giáo dục và Quản lý Môi trường trong hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số", TS Trần Ái Cầm nói thêm.
Theo tính toán của nhóm chuyên gia tư vấn từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2023 thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn.
Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm có thể tới năm 2030 quy mô thương mại điện tử nước ta sẽ gấp trên 4,7 lần. Nếu không có các giải pháp mạnh mẽ về đóng gói hàng hóa thì khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn.
Đáng chú ý, phần lớn thương mại điện tử ở Việt Nam tập trung ở các địa phương ven biển hoặc bên sông lớn chảy ra biển như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Nha Trang. Do hầu hết rác thải nhựa từ thương mại điện tử chưa được thu gom, tái chế hoặc xử lý thân thiện với môi trường nên tỷ lệ rất cao rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ đổ ra biển.
Tại Hội thảo có 3 báo cáo tại phiên toàn thể của các chuyên gia kinh tế hàng đầu về Thương mại điện tử và các quản lý môi trường, bảo tồn thiên nhiên. Ba báo cáo toàn thể gồm: Báo cáo “Quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong lĩnh vực thương mại điện tử - giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”; Báo cáo “Hướng tới chiến lược phát triển thương mại điện tử xanh và bền vững” và Báo cáo “Chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam 2023”.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các học giả, các nhà nghiên cứu. Ban tổ chức đã phản biện và lựa chọn được 70 bài viết có chất lượng để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo và 30 báo cáo poster trình bày tại Hội thảo.