Tìm giải pháp đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động là thị trường toàn cầu. Khi một người tốt nghiệp THPT, nếu có tiếng Anh thì sẽ có cơ hội vào các trường đại học hàng đầu thế giới. Từ đó có thể có vị trí việc làm tốt trong nền kinh tế hội nhập.

Cần có lộ trình cụ thể

Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên và từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024. Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục cũng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".

Học sinh tham gia cuộc thi tiếng Anh do nhà trường tổ chức. Ảnh: Trường THCS Phúc Diễn.

Học sinh tham gia cuộc thi tiếng Anh do nhà trường tổ chức. Ảnh: Trường THCS Phúc Diễn.

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh không chỉ là một nhiệm vụ giáo dục mà còn là chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, việc sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện giảng dạy trong các môn học khác nhau, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn giúp các em học sinh rèn luyện khả năng tư duy đa chiều, linh hoạt và sẵn sàng thích nghi với những thách thức mới”.

Nhận định đây là nhiệm vụ khó khăn, không thể thực hiện nhanh chóng, nhưng để đạt được mục tiêu như kỳ vọng, GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng, chúng ta phải đặt ra kế hoạch rõ ràng và có lộ trình cụ thể. Mỗi cơ sở giáo dục cần có kế hoạch đưa tiếng Anh vào nội dung chương trình giảng dạy của nhà trường, để tiếng Anh trở thành công cụ giáo dục, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở một cấp độ nào đó.

TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (Bộ GDĐT) cho rằng, các chính sách liên quan đến phát triển ngoại ngữ đang là nhu cầu cấp bách cho tất cả các trường từ phổ thông đến đại học. Với xuất phát điểm của mỗi cơ sở giáo dục là khác nhau, với nhiều khó khăn, nhưng để đạt được mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, cần phải chuẩn bị sẵn sàng các bước để hiện thực hóa điều đó trong tương lai.

Đổi mới phương pháp dạy và học

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) Tạ Ngọc Trí cho rằng, để hiện thực hóa nhiệm vụ được Bộ Chính trị đặt ra, cần có các hành động đúng đắn và kịp thời; với những thay đổi đi trước; học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới; đưa ra tiêu chí để xác định thế nào là ngôn ngữ thứ hai trong trường học; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, hướng tới mục tiêu chung - một tương lai tốt đẹp, giúp thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao phẩm chất, năng lực, tự tin hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên vươn mình.

Nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, các sở GDĐT, các nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động phong phú. Sở GDĐT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị kích hoạt Tháng tự học ngoại ngữ năm 2025 vào ngày 20/2.

Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Hội nghị kích hoạt Tháng tự học ngoại ngữ năm 2025 đánh dấu một bước tiến mới trong công tác đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục hiện đại. Tháng tự học ngoại ngữ là một phong trào thiết thực, nhằm khuyến khích học sinh các trường phổ thông trên địa bàn thành phố nâng cao khả năng tự học, phát triển kỹ năng ngôn ngữ, đồng thời tạo ra môi trường học tập sôi nổi, hiệu quả và giàu tính sáng tạo. Các trường học đã tích cực triển khai nhiều hoạt động bổ ích, ghi nhận sự tham gia nhiệt tình từ các học sinh và sự đồng hành của đội ngũ các thầy giáo, cô giáo.

Trước đó, Sở GDĐT Hà Nội đã tổ chức phát động phong trào Tháng tự học ngoại ngữ đến tất cả học sinh, giáo viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Từ đó đến nay, trên nền tảng học trực tuyến FSEL, đã có hơn 615.000 người đăng ký tham gia, bao gồm hơn 593.000 học sinh và gần 22.000 giáo viên. Trong đó, số tài khoản đã hoàn thành xác nhận là gần 615.000, số tài khoản đã và đang hoàn thành bài đánh giá năng lực tiếng Anh là hơn 515.000, đạt 83.86% trên số tài khoản đã hoàn thành xác nhận.

Ngay từ những ngày đầu triển khai, phong trào Tháng tự học ngoại ngữ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ học sinh, giáo viên và các nhà trường. Nhiều học sinh, sau khi hoàn thành bài kiểm tra năng lực đã mong muốn được bắt đầu học ngay như học sinh ở quận Hoàng Mai, huyện Hoài Đức. Nhiều thầy, cô hiệu trưởng cũng chủ động đăng ký kiểm tra trình độ và hăng hái tham gia hành trình tự học trong suốt 4 tuần như ở các trường: THCS Trưng Vương, THCS Hoàng Mai…

Hải Yến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tim-giai-phap-dua-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-thu-hai-trong-nha-truong-10300381.html
Zalo