Tìm giải pháp đẩy mạnh nền kinh tế Net Zero
Ngày 19/9, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Diễn đàn 'Phát triển bền vững 2024' với chủ đề 'Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero'. Đây là sự kiện thuộc chuỗi sự kiện Diễn đàn Kinh tế xanh thường niên do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.
Diễn đàn thu hút hơn 200 khách tham dự; đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu chính sách, ngoại giao đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Tại đây, các diễn giả cùng khách mời đã trao đổi về những chính sách, kết quả mới nhất trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam và bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, nút thắt trong tiến trình nước ta chuyển đổi để phát triển bền vững.
Theo Ban tổ chức, bên cạnh biến đổi khí hậu thì suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, thiệt hại về kinh tế, gia tăng bất bình đẳng và xung đột xã hội... là những hậu quả ngày càng thấy rõ hơn từ việc phát triển thiếu bền vững.
Nếu các bên liên quan không nhanh chóng bắt tay đối phó thì hậu quả để lại cho thế hệ tương lai sẽ còn nghiêm trọng, nặng nề hơn. Việt Nam hiện đang nỗ lực thực hiện nhiều hành động nhằm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Để tiến tới mục tiêu này, Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp và chính sách liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.
Những hành động này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách-VEPR (Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), Việt Nam là quốc gia có mức độ phát thải CO2/tăng trưởng GDP cao trong khu vực châu Á. Để đạt mức 0% vào năm 2050 như cam kết, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng tăng cường chuyển đổi xanh để giảm khoảng 78% lượng phát thải carbon so với hiện tại.
Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh và nhiều chính sách để thực thi chiến lược này. Trong đó, có quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu…
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi xanh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang thực hành ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị), hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, để tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh thì Chính phủ và doanh nghiệp cần có những hành động mới. Trong đó, Chính phủ và các cơ quan nhà nước, chuyên gia cần hoàn thiện khung chính sách về: khử carbon; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh; thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh…
Tại Diễn đàn, các chuyên gia ở những lĩnh vực khác cũng chia sẻ những thông tin về nguồn vốn phục vụ các dự án xanh, phát triển bền vững; những cơ hội để doanh nghiệp có thể huy động vốn cho mục tiêu tăng trưởng phát thải thấp; những kinh nghiệm về tiến trình xanh hóa, giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, các chuyên gia và doanh nghiệp (có nhu cầu mua và bán tín chỉ carbon) còn trao đổi những thông tin về nhu cầu mua-bán, giá cả, hình thức thanh toán, cách hợp tác và góp ý cho việc xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, nhằm hỗ trợ các học sinh bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở miền bắc, Ban tổ chức đã đặt thùng quyên góp và bán tranh gây quỹ cho các em học sinh. Số tiền thu được sẽ đóng góp vào chương trình “Saigon Times-Nối vòng tay lớn-Cùng các em đến trường sau bão lũ”, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cùng các câu lạc bộ Doanh nhân 2030, Câu lạc bộ Thị trường và địa ốc Saigon Times và Câu lạc bộ Kiến tạo thương hiệu tổ chức. Chương trình sẽ trao quà (gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm) cho học sinh; hỗ trợ kinh phí cho nhà trường sửa chữa hoặc mua dụng cụ học tập, bàn ghế… phục vụ cho nhu cầu học tập và giảng dạy trong thời gian tới.