Tìm giải pháp căn cơ 'Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ'

Chiều 21/8, tại Hà Nội, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Học viện Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh chủ trì Hội thảo khoa học 'Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ - Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới'.

 TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, phát biểu đề dẫn hội thảo

TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, phát biểu đề dẫn hội thảo

Chương trình do Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Nhân dân Úc vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại tại Việt Nam (APHEDA) tổ chức.

Hội thảo tập trung thảo luận 3 chủ đề cơ bản gồm: Vai trò và tiếng nói của nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; Thực trạng, giải pháp nâng cao quyền năng chính trị của phụ nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay; Nội dung khác liên quan đến quyền và vai trò tham chính của phụ nữ.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Học viện Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh (bìa phải) chủ trì hội thảo

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Học viện Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh (bìa phải) chủ trì hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết: Hội thảo khoa học với chủ đề "Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ - Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới" nhằm tạo diễn đàn khoa học thảo luận các vấn đề liên quan đến nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững; tăng cường trao đổi học thuật giữa các giảng viên, nghiên cứu viên Học viện Phụ nữ Việt Nam với các nhà khoa học trên mọi miền đất nước.

Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2023 cho thấy, Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022, từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia bảng xếp hạng, với 0,711 điểm trên thang điểm từ 0 đến 1 về chỉ số khoảng cách giới.

Theo bà Dương Kim Anh, quyền của phụ nữ là vấn đề mang tính thời đại. Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ là giải pháp quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới. Ngày nay, vai trò và năng lực của phụ nữ càng được khẳng định ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việc phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ xã hội; đồng thời là tiền đề để hiện thực hóa các quyền con người khác.

Chuyên gia, nhà khoa học thảo luận Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ - Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Chuyên gia, nhà khoa học thảo luận Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ - Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Tại các phiên thảo luận ở hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia về giới cùng chia sẻ các vấn đề lý luận và thực tiễn về nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ. Qua đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy vai trò, vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, góp phần đạt được bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Cùng với đó, các đại biểu, giảng viên, nghiên cứu viên Học viện Phụ nữ Việt Nam trao đổi, thảo luận với các nhà khoa học, các học giả nghiên cứu về chủ đề liên quan đến nâng cao quyền năng chính trị và tham chính; Giới thiệu Tạp chí Nghiên cứu khoa học, Học viện Phụ nữ Việt Nam, nơi công bố những bài viết khoa học có hàm lượng khoa học cao của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Nhân buổi hội thảo cũng diễn ra buổi công bố Số chuyên đề 01, đánh dấu sự phát triển của Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam sau 5 năm vận hành, với 4 số tạp chí định kỳ được xuất bản hàng năm, với các bài viết khoa học tiếng Việt và tiếng Anh, với 2 ngành, liên ngành được tính điểm khoa học.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cùng các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học bên lề hội thảo

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cùng các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học bên lề hội thảo

Sau một thời gian kêu gọi bài viết, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 80 đăng ký tóm tắt bài viết khoa học. Các bài viết được xét duyệt qua 02 vòng phản biện độc lập, theo đúng quy trình tiếp nhận và bình duyệt bài đăng Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Ban tổ chức đã lựa chọn 26 bài viết có chất lượng, với các góc độ tiếp cận đa dạng, phù hợp với mục tiêu Hội thảo để xuất bản trong Số chuyên đề 01 Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam với chủ đề: "Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ - Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới".

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tim-giai-phap-can-co-nang-cao-quyen-nang-chinh-tri-cho-phu-nu-20230821144432653.htm
Zalo