Tìm đột phá phát triển công nghiệp hỗ trợ từ địa phương

Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng tiếp tục xu hướng dịch chuyển, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để tạo ra những bước phát triển mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Để làm được điều này, cùng với sự định hướng, đồng hành từ Trung ương, thì vai trò hỗ trợ, sát cánh cùng doanh nghiệp từ phía các địa phương là vô cùng quan trọng.

Trao đổi tại Tọa đàm "Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương" do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương để triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ năm 2022, Bộ Công Thương đã thành lập một tổ công tác gồm các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, trong đó Cục Công nghiệp là đơn vị thường trực, để làm việc với các địa phương.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp FDI lớn trong việc phát triển các nhà cung cấp nội địa. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành cùng với các địa phương để xây dựng những chính sách thu hút đầu tư vào các địa phương, đặc biệt đã xây dựng hai trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại phía Bắc và phía Nam để chung tay cùng với các địa phương hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp.

Ông Phạm Tuấn Anh đánh giá, một số địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng,… trong thời gian vừa qua, trên cơ sở những chính sách chung của Trung ương, đã chủ động ban hành những chính sách cho riêng địa phương mình. Những chính sách này tập trung chủ yếu vào một số nội dung như hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

“Vai trò của các địa phương ở đây là rất lớn”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo Sở Công Thương Hải Phòng, nhìn chung, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đã cơ bản tham gia tích cực vào chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố và cũng có một số đề án đã xin được hỗ trợ. Việc triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng các chương trình khác của Thành phố, cũng như các giải pháp hỗ trợ về hạ tầng; về cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; về nhân lực; về công nghệ, đổi mới sáng tạo,… đã thúc đẩy các doanh nghiệp hình thành và triển khai một số ý tưởng để đẩy mạnh cải tiến quản trị doanh nghiệp, cải tiến công nghệ sản xuất.

Tuy nhiên, ông Lê Khắc Bảo - Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng cũng thẳng thắn cho rằng, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn mà Thành phố đã thu hút đầu tư trên địa bàn như LG, Bridgestone,…

Các khó khăn này xuất phát từ hạn chế về khả năng tài chính, quản trị, công nghệ, thiết bị, và nhân sự của doanh nghiệp.

Để triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, Sở Công Thương Hải Phòng đã tham mưu Thành phố tiếp tục triển khai các chính sách, hoạt động hỗ trợ như:

Thứ nhất, tiếp tục đầu tư phát triển các khu, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Thứ hai, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết các công việc hành chính nâng lên cấp độ ba, cấp độ bốn.

Thứ ba, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực lực cao, quản trị doanh nghiệp.

Đáng chú ý, mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai, ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam chia sẻ, sau 3 năm triển khai, chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Toyota Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả bất ngờ. Rất nhiều nhà cung ứng sau khi tham gia chương trình đã hiểu biết sâu sắc và chủ động áp dụng được hệ thống 5S một cách phù hợp. Các vấn đề về an toàn lao động, về hoạt động Kaizen trong nhiều lĩnh vực cũng đã được thực hiện và đạt được kết quả tốt, ví dụ như giảm tồn kho, tiết kiệm diện tích nhà xưởng, loại bỏ thiết bị không cần thiết, tăng năng suất lao động,…

Toyota Việt Nam đã lựa chọn và cử những chuyên gia lâu năm có kinh nghiệm và cũng có khả năng truyền đạt kiến thức, hiểu biết đến thực hiện tư vấn, phát hiện các vấn đề, chung tay với các nhà cung ứng để đưa ra giải pháp khắc phục, xử lý và qua đó giúp các doanh nghiệp được lựa chọn này có thể từng bước nâng cao chất lượng, cắt giảm các chi phí cũng như nâng cao trình độ tay nghề của người lao động, giúp các nhà cung ứng này từng bước tiến lên trong chuỗi giá trị và có thể là tiệm cận đến việc có thể cung ứng được linh kiện trước mắt là cho Toyota Việt Nam.

Ông Dương Minh Hải - Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN cho biết, trong quá trình triển khai dự án đầu tư từ năm 2013, nhờ sự tạo điều kiện rất thuận lợi của các cơ quan ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh, trong vòng hai năm KIMSEN đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất nhôm thanh tại khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Nhờ sự hỗ trợ, kết nối của Bộ Công Thương, Công ty đã có cơ hội tham gia vào các dự án hỗ trợ cải tiến của Samsung, Toyota, từ đó xây dựng định hướng chiến lược chuyển sang phát triển lĩnh vực gia công cơ khí cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đến năm 2022, KIMSEN đã xây dựng thêm được một khối nhà xưởng quy mô 7.500m2 để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Đến nay, những sản phẩm của KIMSEN đã tham gia cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, các công ty FDI hoạt động tại Việt Nam và xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện nay, khoảng trên 50% sản lượng của Công ty là dành cho các hoạt động xuất khẩu trực tiếp và các doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh việc tư vấn cải tiến hiện trường, KIMSEN cũng được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương trong việc đào tạo các kỹ sư, các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, lập trình các chương trình CNC, những sản phẩm yêu cầu có độ chính xác cao.

Đánh giá cao sự đồng hành và hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech cho biết, ngoài những nhu cầu, tiêu chí truyền thống như chất lượng, giá cả, tiến độ, các khách hàng quốc tế hiện nay có những tiêu chuẩn mà muốn đồng hành với họ thì nhà cung cấp Việt Nam phải đáp ứng được, như trách nhiệm xã hội, sản xuất thông minh, phát triển xanh, phát triển bền vững,…

Những yêu cầu này cũng chính là định hướng phát triển của CNCTech trong tương lai.

Về sản xuất công nghiệp hỗ trợ và công nghệ, CNCTech đang hợp tác với các công ty lớn trên thế giới để trao đổi, học hỏi thêm về kinh nghiệm, kiến thức cũng như hình thành cơ sở để có thể tạo ra được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, hay còn gọi là một điểm đến, một điểm chạm để khi khách hàng đến thì CNCTech có thể hỗ trợ và có thể làm được tất cả, đáp ứng được tất cả các nhu cầu của khách hàng.

Về hạ tầng công nghiệp, CNCTech đã xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện để các doanh nghiệp FDI đến đầu tư có thể kết nối được với công ty, doanh nghiệp trên thế giới cũng như các công ty Việt Nam, qua đó hình thành một hệ sinh thái có thể hỗ trợ nhau, đôi bên cùng có lợi, để làm sao tạo ra được nhiều giá trị dài hạn nhất.

Đại diện CNCTech mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của các cấp chính quyền để không chỉ CNCTech mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam được tạo điều kiện, có một môi trường thuận lợi để phát triển, đầu tư, cạnh tranh lành mạnh với các công ty ở trên toàn cầu.

Bài và ảnh: Thy Thảo
Thiết kế: Duy Kiên

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/magazine/tim-dot-pha-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-tu-dia-phuong-127187.htm
Zalo