Tìm cách ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai
Liên tiếp các đợt mưa dài ngày diễn ra trong tháng 8 và đầu tháng 9 do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đã gây ra những thiệt hại rất lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ, và môi trường của Quốc hội, cần tính tới các giải pháp để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trước thách thức biến đổi khí hậu.
PV: Thưa ông, sau bão Yagi thì sạt lở và lũ quét đã gây nên những thiệt hại vô cùng to lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Trước đây đã từng có ý kiến đặt ra rằng cần quy hoạch các vùng dân cư để tránh sạt lở và lũ quét. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông NGUYỄN QUANG HUÂN: Quy hoạch các vùng dân cư để tránh sạt lở và lũ quét là vấn đề rất tốn kém, cần nhiều nguồn lực. Bởi hiện nay người dân không chỉ sống ở các vùng ven sông, suối mà còn ở các vùng dưới chân núi. Có những chỗ đi lại rất khó khăn, không có đường vào. Cơ sở hạ tầng để tiếp cận với từng khu dân cư có chỗ chưa triển khai được.
Đây là vấn đề khá khó khăn. Bởi phải di dời người dân đến nơi đủ điều kiện sống. Nghĩa là an toàn nhưng phải có kế sinh nhai, có đất cho người dân sản xuất vì đa phần người dân sống dựa vào nông nghiệp. Chưa kể còn vấn đề về nguồn lực, cho nên nhiều khi nhìn các vùng thung lũng, núi đá, đồi đất biết nguy hiểm nhưng vẫn có người dân sinh sống. Vì dời đi chỗ khác họ không có đất để sản xuất.
Cần tạo điều kiện để người dân định cư tại chỗ, vừa ở được, vừa có thể làm nông nghiệp. Do đó, nếu chúng ta quy hoạch các vùng dân cư, không cho người dân định cư ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao thì sẽ tránh được những thiệt hại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải lên quy hoạch. Nhất là hiện nay chúng ta đang cho ý kiến về Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Nhưng vấn đề quan trọng như tôi đã nói ở trên chính là phải có nguồn lực.
Sau sự cố xảy ra tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), hiện chúng ta đang xây dựng khu tái định cư Làng Nủ mới. Có lẽ đây cũng là thời điểm để rà soát vì hiện cũng có nhiều nơi tiềm ẩn nguy hiểm như Làng Nủ trước đây, thưa ông?
- Chúng ta đang tập trung xây dựng lại Làng Nủ mới. Nhưng nếu có nhiều nơi như thế thì chúng ta sẽ không đủ nguồn lực để triển khai. Miền Trung cũng đã phải gánh chịu cảnh tương tự. Như tại Quảng Bình, có lần tôi đi cùng với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, lúc bấy giờ đang là Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, thấy rằng ngấn nước toàn ngấp nghé mái nhà. Vùng gần biển đã như vậy chứ chưa nói đến miền núi.
Biến đổi khí hậu đang là vấn đề trước mắt. Từ năm 2009, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng 20 năm sau Việt Nam sẽ mất 6% GDP/năm về thảm họa do biến đổi khí hậu. Đến bây giờ xác định đến 2030 mất 13% GDP/năm. Cho nên bây giờ trong phát triển kinh tế - xã hội chúng ta phải nghĩ đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Toàn dân cùng vào cuộc ứng phó. Ví dụ muốn xây cầu chống được trận bão như vừa qua phải mất 150 tỷ đồng, còn xây cầu mà không chống chịu được bão thì chỉ mất 100 tỷ đồng.
Chúng ta cần phải tính toán như thế nào trong ứng phó với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế - xã hội?
- Biến đổi khí hậu sẽ khiến tần suất thảm họa, thiên tai cực đoan ngày càng nhiều hơn. Trước đây 20 năm mới có một cơn bão lớn như bão số 3 (Yagi) nhưng bây giờ do biến đổi khí hậu có thể 10 năm, hoặc thậm chí 5 năm đã xuất hiện cơn bão lớn như vậy. Do đó nếu không tính toán trước biến đổi khí hậu để ứng phó thì sẽ thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Vì thành quả làm xong trong nhiều năm nhưng chỉ cơn bão lớn đi qua là… mất trắng. Các công trình bị hư hỏng, phải xây dựng mới là thiệt hại vô cùng lớn. Cho nên không chỉ trung ương mà các địa phương cũng cần nhận thức sâu sắc hơn trong vấn đề này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong phân bổ vốn để đầu tư các dự án cũng phải tính toán thêm.
Tôi vừa đi kiểm tra các công trình trước biến đổi khí hậu tại Yên Bái, xem an toàn hồ đập, thấy nhiều con đường vẫn rải đá dăm, địa phương thì không có nguồn lực. Điều này cho thấy sức chống chịu của ta trước biến đổi khí hậu còn đang rất yếu nên dễ bị tổn thương.
Điều đó đang đặt ra vấn đề hoạch định tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch của từng địa phương, từng vùng trong cả nước gắn với quá trình phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, thưa ông?
- Thực tế đúng là chúng ta đang nghèo so với các nước. Nhưng nếu biết cách thì vẫn có thể làm được. Thử tính toán xem có bao nhiêu % các công trình mới được xây dựng, tính toán trước vấn đề biến đổi khí hậu. Nếu cứ làm dàn trải, không đầu tư có trọng tâm trọng điểm, lúc xảy ra bão lũ, thiên tai thì chúng ta lại mất sạch, tưởng tiết kiệm nhưng lại là lãng phí. Phải tính đến trường hợp rủi ro nhất. Tại các nước phát triển toàn dân mua bảo hiểm. Còn ở ta mua bảo hiểm 10 năm mà thấy trong 5 năm đầu không có việc gì thì dừng không mua nữa. Cuối cùng đến năm thứ 6 bị thiên tai thì lại không được hưởng. Do đó cần tuyên truyền tích góp nguồn lực từ các cấp để tích trữ, có quỹ dự phòng trước biến đổi khí hậu. Phải thay đổi nhận thức để có hành động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.