Tìm cách hồi hương cổ vật Việt Nam

Sẽ có phương án đưa những di vật, cổ vật đang lưu lạc ở nước ngoài về Việt Nam

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan, các tổ chức quốc tế xây dựng danh mục di vật, cổ vật nguồn gốc Việt Nam có giá trị đang lưu lạc ở nước ngoài. Từng bước đề xuất phương án thu hồi, mua, đưa những di vật, cổ vật này về Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã có cuộc trao đổi với Báo Người Lao Động về phương án này.

* Phóng viên: Sau ấn vàng Hoàng đế chi bảo được hồi hương, tượng đồng Nữ thần Durga cũng đã về tới Việt Nam, mở ra hy vọng nhiều cổ vật quý giá tiếp tục được hồi hương trong thời gian tới. Việt Nam đang nỗ lực như thế nào để đưa những cổ vật quý trở về, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG: Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều cổ vật, bảo vật quý của Việt Nam đã và đang phải lưu lạc nơi "đất khách quê người", được trưng bày cũng như có mặt tại các phiên đấu giá quốc tế. Hiện hoạt động buôn bán trái phép cổ vật, trong đó có cổ vật nguồn gốc Việt Nam, vẫn đang diễn ra tại một số thị trường buôn lậu quốc tế, chủ yếu là các cổ vật có giá trị bị đưa ra khỏi Việt Nam trong thời gian chiến tranh.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương. (Ảnh: XUÂN TRƯỜNG)

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương. (Ảnh: XUÂN TRƯỜNG)

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc hồi hương những bảo vật quý của quốc gia vẫn đang gặp nhiều rào cản. Vì vậy, trên thực tế, số cổ vật được hồi hương về Việt Nam thời gian qua chiếm tỉ lệ không lớn. Do đó, trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng chúng tôi đặt ra là phối hợp với các cơ quan, các tổ chức quốc tế xây dựng danh mục di vật, cổ vật nguồn gốc Việt Nam có giá trị đang bị lưu lạc ở nước ngoài. Từng bước đề xuất phương án thu hồi, mua, đưa những di vật, cổ vật này về nước theo Công ước 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa.

Đồng thời, chúng tôi cũng nghiên cứu đề xuất khả năng Việt Nam tham gia Công ước UNESCO 2001 về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước và Công ước UNIDROIT để đẩy mạnh, hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước và tìm kiếm, hồi hương di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam về nước.

* Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024 được đánh giá là đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhìn lại năm qua, Thứ trưởng có thể nói ngắn gọn điều gì?

- Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua ngày 23-11-2024 đã thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa, thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Cũng trong năm 2024, nhiều di sản của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh. Việc các di sản văn hóa được xếp hạng, ghi danh ở các cấp độ quốc gia, quốc tế, địa phương đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản.

Di sản văn hóa Việt Nam còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế, khẳng định uy tín và kinh nghiệm với thế giới, tạo nên mô hình mẫu trong quản lý di sản văn hóa, vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và bảo vệ môi trường theo đánh giá của UNESCO.

Pho tượng Nữ thần Durga 4 tay được giới thiệu với công chúng hồi tháng 8-2024 sau khi pho tượng được hồi hương. (Ảnh: HOÀNG LAN ANH)

Pho tượng Nữ thần Durga 4 tay được giới thiệu với công chúng hồi tháng 8-2024 sau khi pho tượng được hồi hương. (Ảnh: HOÀNG LAN ANH)

Năm qua, các di tích, di sản thế giới ở Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ vào sự bền vững của môi trường. Năm 2024, chỉ tính riêng 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón 14.802.132 khách du lịch (trong đó có 6.395.510 khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 7.749 tỉ đồng.

Một điểm tích cực nữa trong năm qua là việc quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại di tích đã có những bước tiến rõ rệt hơn, số vụ mất cắp cổ vật tại di tích đã giảm hẳn cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Tình trạng thăm dò, khai quật khảo cổ không phép, đào bới làm sai lệch hoặc hủy hoại địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ, trao đổi, mua bán và vận chuyển trái phép di vật khảo cổ đã giảm hẳn.

* Dù vậy, trên thực tế, di sản văn hóa vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề như mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, về nguồn lực đầu tư cho di sản văn hóa. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đúng là nhận thức xã hội về di sản văn hóa chưa thật sự đồng đều, sâu sắc và toàn diện, nhất là trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, hay việc tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho di sản văn hóa còn chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn, kinh phí đầu tư cho hoạt động tu bổ di tích còn thấp dẫn đến tình trạng một số di tích bị xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Nguồn nhân lực thực hiện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn chưa đồng đều, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo sau khi hồi hương đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. (Ảnh: CỤC DI SẢN VĂN HÓA)

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo sau khi hồi hương đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. (Ảnh: CỤC DI SẢN VĂN HÓA)

* Vậy câu hỏi đặt ra là giải pháp nào để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới?

- Chúng tôi đã đặt ra nhiều giải pháp để thực hiện trong thời gian tới. Một là, tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả Luật Di sản văn hóa 2024 sau khi luật có hiệu lực thi hành; triển khai hiệu quả các chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: "Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025", "Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030".

Hai là, tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các tỉnh/thành phố xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận, ghi danh di sản văn hóa tại các danh sách của UNESCO. Ba là, thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở thực hiện các dự án, công trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và các công trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của các địa phương.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Tăng cường các hoạt động trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa tại các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài và các bảo tàng có quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Năm là, tăng cường công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Cuối cùng, là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử - "Mỗi di sản văn hóa của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản đồ di sản số để mỗi người dân, khách du lịch có thể truy cập thuận lợi trên môi trường số".

Ở một số nơi, một số ít địa phương, đơn vị chưa chấp hành tốt pháp luật về di sản văn hóa. Việc quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chưa được thực sự hiệu quả, minh bạch, đặc biệt trong hoạt động trao đổi, chuyển nhượng cổ vật, bảo vật có giá trị cao...

YẾN ANH thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tim-cach-hoi-huong-co-vat-viet-nam-1962501172135505.htm
Zalo