Tìm cách 'giữ lửa' cho nghề truyền thống ở Bạc Liêu

Nếu như những năm trước đây, nghề dệt chiếu ở huyện Hồng Dân và nghề đan đát ở huyện Phước Long của tỉnh Bạc Liêu còn hưng thịnh thì nay, người theo nghề này có dấu hiệu suy giảm.

Chỉ có người lớn tuổi theo nghề

Xã Vĩnh Phú Đông huyện Phước Long từng là nơi có khá nhiều hộ dân theo nghề đan đát và đây vốn được xem là nghề “cha truyền con nối”. Trước đây, người dân tận dụng nguyên vật liệu sẵn có để đan một số vật dụng dùng trong gia đình. Nhận thấy đồ đan bền, đẹp, có ích trong sinh hoạt gia đình nên lượng khách hàng đặt mua tăng dần. Từ đó, đời sống kinh tế của một bộ phận người dân làm nghề đan đát được cải thiện.

Tuy nhiên, thời gian gần đây do phải cạnh tranh với các sản phẩm nhựa phong phú về mẫu mã, giá thành lại rẻ nên thu nhập từ nghề đan đát có dấu hiệu giảm. Trước đây, ở ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông có đến 500 hộ dân theo nghề đan đát và lập được hợp tác xã (HTX), nhưng hiện nay nơi đây chỉ còn khoảng 90 hộ dân gắn bó với nghề.

Nghề dệt chiếu ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) giờ chỉ còn những người lớn tuổi theo nghề

Nghề dệt chiếu ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) giờ chỉ còn những người lớn tuổi theo nghề

Gắn bó với nghề đan đát hơn 20 năm, bà Trương Thị Liễu, thành viên của HTX Trúc Xanh cho biết: “Một lao động tay nghề giỏi mỗi ngày đan cần xé cũng chỉ kiếm được khoảng 80.000 đồng. Trong vài năm trở lại đây, sản phẩm làm ra gặp khó về tiêu thụ nên nhiều hộ đã bỏ nghề và lên thành phố lao động kiếm sống”.

Tương tự, bà Trương Thị Ba (68 tuổi), ngụ ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề đan đát đã hơn 40 năm. Bây giờ ít ai làm nghề này nữa, bởi thu nhập không đủ nuôi sống bản thân, nói gì đến nuôi cả gia đình".

Giống như nghề đan đát ở huyện Phước Long, nghề dệt chiếu ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân vang danh một thời, nay cũng rơi vào cảnh khó khăn do áp lực cạnh tranh với nhiều loại chiếu tre, chiếu nylon và nệm.

Có thâm niên hơn 50 năm với nghề làm chiếu, bà Nguyễn Thị Chín ngụ ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa cho hay: “Thông thường muốn dệt chiếu, tôi phải thuê thêm một lao động phụ với tiền công 35.000 đồng/buổi. Khi dệt xong mình đem bán với giá dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/đôi chiếu, trừ hết chi phí không có lời bao nhiêu. Tôi sợ rằng khi không còn đủ sức khỏe để làm nghề, con cháu sẽ không có ai nối nghề. Người lao động còn gắn bó với nghề dệt chiếu hầu như là người lớn tuổi. Những người trẻ thì lựa chọn đi làm trong các công ty, xí nghiệp có thu nhập cao hơn", bà Chín nói.

Từ năm 2009 đến nay, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh Bạc Liêu ra quyết định công nhận 10 làng nghề ở các lĩnh vực như đan đát, mộc, dệt chiếu, rèn, sản xuất muối… Đến nay, các làng nghề này đã tham gia giải quyết việc làm và tạo thu nhập thường xuyên cho hơn 1.430 hộ dân ở vùng nông thôn.

Tuy nhiên, sự phát triển của các làng nghề hiện nay đã không còn bắt kịp nhu cầu phát triển của thời đại. Qua khảo sát ở các làng nghề truyền thống còn lại cho thấy, quy mô các làng nghề ngày càng nhỏ dần và có nguy cơ mất đi khi phần lớn lao động bỏ nghề và xa xứ mưu sinh. Một số địa phương đã xây dựng mô hình HTX nghề truyền thống với kỳ vọng vực dậy các làng nghề.

Chiếu truyền thống chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường hiện nay

Chiếu truyền thống chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường hiện nay

Ông Trần Thanh Khương, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Đông cho biết: “Sở dĩ làng nghề gặp khó khăn là do sản phẩm làm ra còn đơn điệu, mẫu mã chậm đổi mới và không bắt kịp nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của sản phẩm còn rất thấp và người dân làng nghề còn gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư để mở rộng quy mô”.

“Giữ lửa” để phát triển

Hiện nay, người dân chỉ tập trung ở khâu sản xuất, chưa chú trọng đến khâu tiếp thị, quảng bá, cũng như chưa nghiên cứu sáng tạo thêm các sản phẩm mới để phát huy thế mạnh của mình. Đồng thời, sản phẩm làm ra phải qua nhiều khâu trung gian, lợi nhuận thấp và không tạo được sức hút dành cho người lao động.

Bên cạnh đó, trình độ quản lý sản xuất của người lao động ở các làng nghề còn hạn chế và chưa có khả năng liên kết từ khâu đầu vào đến đầu ra. Lao động qua đào tạo còn thấp và chủ yếu là truyền nghề, sản xuất còn phân tán, mang tính thời vụ và sản phẩm làm ra thiếu những định hướng về thị trường…

Ông Trần Anh Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long cho biết, thời gian qua với sự phát triển của mặt hàng nhựa, sản phẩm của làng nghề đã dần mai một và người dân chủ yếu làm theo đơn đặt hàng với số lượng không lớn, đầu ra khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh. Từ đó, thu nhập của người dân làng nghề giảm.

Nghề đan đát ở xã Vĩnh Phú Đông

Nghề đan đát ở xã Vĩnh Phú Đông

Để củng cố và phát triển làng nghề, UBND xã Vĩnh Phú Đông đã chỉ đạo thành lập 1 HTX làng nghề (HTX Trúc Xanh), với 19 thành viên để quản lý, tổ chức sản xuất hoạt động và phát triển làng nghề. Ngoài sản phẩm chủ đạo của làng nghề hiện nay là cần xé, xã còn vận động các thợ thủ công phát triển thêm một số sản phẩm mới, nhất là một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ gắn với định hướng phát triển du lịch; đồng thời đẩy mạnh quảng bá, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Trần Thanh Mến, Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu cho hay, để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, sở sẽ hỗ trợ và khuyến khích các các làng nghề đầu tư đổi mới thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, để tìm được đầu ra cho sản phẩm thì các làng nghề cần phải biết kết hợp một cách hợp lý giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, áp dụng công nghệ mới vào một số công đoạn của quá trình sản xuất, vẫn phải kế thừa kinh nghiệm trong quy trình chế tác ở những công đoạn thể hiện sự tinh xảo, nét đặc trưng của sản phẩm. Như vậy mới có thể sản xuất ra sản phẩm nhanh hơn, mẫu mã phong phú hơn, giá thành rẻ hơn nhưng vẫn giữ được nét tinh xảo, đặc trưng truyền thống.

Theo ông Mến, gắn phát triển du lịch với làng nghề sẽ góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề một cách bền vững, bởi cách làm này không chỉ mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề mà quan trọng hơn là còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề.

Trần Khải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tim-cach-giu-lua-cho-nghe-truyen-thong-o-bac-lieu-227808.html
Zalo