TikToker gây tranh cãi vì 'đá chén cơm' của tài xế xe ôm truyền thống

Nguyễn Mai Chi (2005), thành viên Gia đình PTTC, vấp chỉ trích khi kể lại hành động giúp du khách gọi xe công nghệ thay vì để họ đi xe ôm truyền thống.

 Nguyễn Mai Chi nhận ý kiến trái chiều về hành động bị cho là bao đồng. Ảnh: FBNV.

Nguyễn Mai Chi nhận ý kiến trái chiều về hành động bị cho là bao đồng. Ảnh: FBNV.

Sự việc Gia đình PTTC, nổi tiếng trên TikTok với hơn 400.000 lượt theo dõi, “đòi tai nghe” từ một người phụ nữ thu hút sự quan tâm trong những ngày gần đây. Gia đình này bị một bộ phận công chúng chỉ trích vì thái độ bất lịch sự, thậm chí có phần thô lỗ.

Ngay sau khi clip “đòi tai nghe” lan truyền rộng rãi, nội dung trước đó của các thành viên trong gia đình này bị “đào lại”, nối dài cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

Cụ thể, Nguyễn Mai Chi (sinh năm 2005), con gái út trong Gia đình PTTC, từng đăng tải một video hồi cuối tháng 4 trên kênh TikTok cá nhân với nội dung giúp du khách gọi xe công nghệ thay vì để họ bắt xe ôm truyền thống.

Nội dung trên tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trong khi một số cho rằng vấn đề duy nhất của Mai Chi là bao đồng, người khác lại nhận thấy sự nhen nhóm của những thông điệp lệch lạc, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Chuyện gì đang xảy ra?

Video gây tranh cãi được bắt đầu bằng câu nói: “Không biết từ bao giờ, mình đã dần mất niềm tin vào loài người”. Sau đó, cô gái trẻ kể về việc giúp đỡ du khách đặt xe công nghệ qua ứng dụng.

Điều đáng nói là hành động này của Mai Chi diễn ra ngay khi các tài xế xe ôm truyền thống đang mời khách sử dụng dịch vụ. Theo TikToker sở hữu hơn 409.000 lượt theo dõi, giá thành mà các tài xế xe máy truyền thống đưa ra là 50.000 đồng, trong khi chi phí di chuyển bằng ôtô khi đặt qua ứng dụng chỉ là 34.000 đồng.

 Nguyễn Mai Chi gây tranh cãi với clip kể chuyện "bảo vệ khách du lịch". Ảnh: FBNV.

Nguyễn Mai Chi gây tranh cãi với clip kể chuyện "bảo vệ khách du lịch". Ảnh: FBNV.

Mai Chi cũng chia sẻ thêm về việc bị các tài xế phản ứng, thậm chí mắng mỏ sau đó. Gen Z này nhanh chóng nhận ra hành động trên vô tình “đá chén cơm” của những người lao động chân chính.

Cô lập tức đi mua bánh mì cho những người tài xế trong câu chuyện, cho rằng đây là cách “bù đắp”, thể hiện mong muốn sửa chữa lỗi lầm của mình. Sự việc nhanh chóng tạo ra tranh cãi trên mạng xã hội Threads.

Phần lớn người dùng để lại bình luận thể hiện sự bất bình. Nhiều ý kiến cho rằng mức giá mà các tài xế truyền thống đưa ra hoàn toàn bình thường. Hơn nữa, chi phí 34.000 đồng khi đặt ôtô công nghệ cũng có thể bao gồm mã giảm giá, khuyến mãi.

TikToker này cũng gây bức xúc khi sử dụng cụm từ “bảo vệ khách du lịch”, tự nhận đó là mục đích hành động của mình. Một số cho rằng du khách không cần đến sự bảo vệ như vậy. Thậm chí, cô gái trẻ còn vô tình lấy đi cơ hội trải nghiệm xe ôm truyền thống, di chuyển bằng xe máy của họ.

Ngoài ra, cách thức chuộc lỗi của Mai Chi cũng bị nhận xét là không phù hợp. Giống với các du khách, những tài xế trên có thể không cần đến bánh mì mà cô mua tặng. Mặc dù có động thái bù đắp, TikToker vẫn chưa thực sự nhận lỗi. Cô cho biết hành động của mình nhằm “giảm thiểu thiệt hại cho các bên”.

Ở cuối clip, cô còn tự nhận “luôn là kẻ xấu trong câu chuyện của ai đó” và “không bông tuyết nào trong sạch”. Cách nói này của cô bị cho là ngầm đổ lỗi cho các bên liên quan thay vì nhận sai một cách chân thành.

Song, một số khác lại đưa ra ý kiến nhẹ nhàng hơn về sự việc của TikToker trên. Họ cho rằng lỗi lầm lớn nhất của cô chỉ là bao đồng và nóng vội.

Nội dung độc hại trên mạng xã hội

Trên thực tế, những nhà sáng tạo nội dung, sở hữu lượng theo dõi lớn có sức ảnh hưởng nhất định trên mạng xã hội. Nói cách khác, thông điệp mà họ đưa ra có khả năng tác động đến tâm lý, hành vi của một nhóm người dùng, phần nào ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội.

 Gia đình PTTC cũng gây ồn ào trong những ngày gần đây vì sự việc "đòi tai nghe". Ảnh: FBNV.

Gia đình PTTC cũng gây ồn ào trong những ngày gần đây vì sự việc "đòi tai nghe". Ảnh: FBNV.

Một cuộc khảo sát của Viện Tiếp thị Kỹ thuật số (DMI) vào năm 2024 cho thấy 60% người dùng tin tưởng vào lời khuyên, ý kiến của những người có sức ảnh hưởng. Vì thế, khi văn hóa này phát triển, mối lo ngại về hậu quả có thể xảy ra cũng gia tăng.

Nghiên cứu năm nay của Đại học Portsmouth (Anh) cũng xem xét tác động tiêu cực từ những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đối với cộng đồng, bao gồm truyền tải thông tin sai, tạo ra những chuẩn mực lệch lạc, thậm chí lừa dối người theo dõi.

Tiến sĩ Georgia Buckle, nghiên cứu viên tại Khoa Kế toán, Kinh tế và Tài chính thuộc Đại học Portsmouth, cho biết: “Những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội nắm giữ quyền lực lớn hiện nay, góp phần xây dựng nhiều chuẩn mực văn hóa.

Mặc dù một số đem đến nội dung giải trí, nguồn cảm hứng tích cực, nhiều người khác lại truyền tải nội dung độc hại, thiếu kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị đạo đức, hệ tư tưởng và tâm lý của công chúng”.

Trong khi các phát ngôn của Nguyễn Mai Chi vẫn gây tranh cãi về mức độ đúng - sai, nhiều người sớm kết luận rằng thông điệp mà cô truyền tải tác động xấu đến tâm lý người trẻ, tạo ra những quy chuẩn đạo đức lệch lạc.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tiktoker-gay-tranh-cai-vi-da-chen-com-cua-tai-xe-xe-om-truyen-thong-post1555494.html
Zalo