TikTok trước ngưỡng cửa 'Mỹ hóa' và vai trò 'cầm trịch' của Tổng thống Trump

TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance (một công ty Trung Quốc), nhanh chóng trở thành ứng dụng video ngắn phổ biến với người dùng trên toàn thế giới, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên.

Tại Mỹ, TikTok sở hữu hàng chục triệu người dùng, cùng kho nội dung đa dạng từ giải trí đến giáo dục. Tuy nhiên, cùng với sức lan tỏa ấy, TikTok cũng sớm rơi vào vùng “đặc biệt nhạy cảm” ở Mỹ, nơi các lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư được đặt lên hàng đầu.

Washington nhiều lần bày tỏ quan ngại rằng dữ liệu người dùng TikTok có thể bị “truy xuất hoặc lợi dụng”, gây rủi ro cho an ninh quốc gia. Từ quan điểm này, quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật lưỡng đảng yêu cầu TikTok tách bạch quyền sở hữu với công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc hoặc đối mặt nguy cơ bị cấm hoạt động.

Tổng thống Trump hiện đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định tương lai TikTok tại Mỹ - Ảnh: FoxNews

Tổng thống Trump hiện đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định tương lai TikTok tại Mỹ - Ảnh: FoxNews

“Mỹ hóa” TikTok

“Mỹ hóa” được hiểu là quá trình đưa TikTok vào sự quản lý trực tiếp của các chủ thể hoặc nhà đầu tư Mỹ, đáp ứng đồng thời yêu cầu an ninh (dữ liệu người dùng được lưu trữ và giám sát tại Mỹ) và yêu cầu sở hữu (các doanh nghiệp, quỹ đầu tư Mỹ nắm giữ cổ phần chi phối). Điều này đồng nghĩa với việc TikTok không chỉ “đóng quân” về hạ tầng trên lãnh thổ Mỹ, mà còn phải điều chỉnh cấu trúc quản trị cũng như ban lãnh đạo chính theo tiêu chuẩn Mỹ.

Giải pháp này có những ưu điểm đáng kể: trước hết, nó giúp giảm thiểu mối lo ngại về khả năng chính phủ Trung Quốc can thiệp, đồng thời tạo cảm giác an toàn cho người dùng cũng như nhà quảng cáo Mỹ, qua đó thúc đẩy tiềm năng kinh doanh. “Mỹ hóa” TikTok còn đáp ứng những yêu cầu mà luật lưỡng đảng Mỹ đặt ra, từ đó tránh kịch bản bị cấm hoàn toàn.

Tuy nhiên, tiến trình này cũng đối mặt với nhiều rào cản. Việc tách bạch hoàn toàn TikTok khỏi ByteDance đòi hỏi giải quyết hàng loạt vấn đề phức tạp về tài chính, pháp lý lẫn công nghệ, chẳng hạn như quản lý thuật toán và quyền sở hữu trí tuệ.

Thêm vào đó, thời gian đàm phán tương đối ngắn, trong khi cấu trúc vốn của TikTok lại liên quan đến nhiều nhà đầu tư quốc tế khác nhau. Không chỉ vậy, Trung Quốc có thể không muốn “buông” một ứng dụng quốc tế đang cực kỳ thành công trên thị trường toàn cầu.

Tổng thống Trump và vai trò “cầm trịch” thương vụ TikTok

Từng là một doanh nhân bất động sản và ngôi sao truyền hình thực tế, Tổng thống Donald Trump nay đảm nhận vai trò giám sát số phận của TikTok. Ở nhiệm kỳ trước, ông Trump đã tìm cách cấm TikTok tại Mỹ, nhưng giờ đây ông lại bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng dụng này, đặc biệt sau khi nhận ra TikTok là một công cụ hữu ích trong chiến dịch quay trở lại Nhà Trắng. Nhiều cử tri trẻ tuổi sử dụng nền tảng này để theo dõi các bài phát biểu của ông, tạo ra một lợi thế đáng kể trong cuộc bầu cử Mỹ vào năm ngoái.

Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh chỉ đạo Bộ Tư pháp đình chỉ việc thực thi quy định yêu cầu TikTok phải tách khỏi công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc hoặc đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ trong vòng 75 ngày. Sắc lệnh này không chỉ kéo dài thời gian cho quá trình đàm phán bán TikTok mà còn bảo vệ các công ty Mỹ như Apple và Google khỏi nguy cơ bị trừng phạt khi tiếp tục hợp tác với nền tảng này. Đáng chú ý, ông Trump hiện đóng vai trò trung tâm trong các cuộc thảo luận nhằm đưa ứng dụng này vào vòng kiểm soát của Mỹ.

Theo Wall Street Journal, chính quyền Trump đang thúc đẩy một loạt giải pháp để TikTok có thể tiếp tục hoạt động tại Mỹ mà không chịu ảnh hưởng từ công ty mẹ Trung Quốc, ByteDance. Ông Trump đã khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn Mỹ như Oracle và tỷ phú Elon Musk mua lại TikTok. Khi được hỏi liệu Microsoft có thể tham gia vào thỏa thuận hay không, ông Trump trả lời: "Tôi nghĩ là có. Rất nhiều sự quan tâm đến TikTok".

Tổng thống Trump cũng đã đề xuất thành lập một quỹ đầu tư quốc gia, qua đó chính phủ Mỹ có thể tham gia vào quá trình kiểm soát TikTok. Ông Trump đã giao nhiệm vụ cho Phó tổng thống JD Vance giám sát các cuộc đàm phán mua lại TikTok, với hy vọng rằng kinh nghiệm của ông Vance trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và mối quan hệ với Thung lũng Silicon có thể tạo điều kiện thuận lợi cho một thỏa thuận đảm bảo lợi ích cho Mỹ.

Lựa chọn khác cho TikTok

Trong một nỗ lực tìm ra giải pháp khả thi, CEO TikTok Shou Chew đã gặp gỡ các quan chức cấp cao Nhà Trắng để đề xuất phương án hợp tác với các nhà đầu tư Mỹ. Theo kế hoạch này, TikTok sẽ thành lập một liên doanh tại Mỹ với hội đồng quản trị và ban điều hành phần lớn là người Mỹ. Mục tiêu là xoa dịu lo ngại về bảo mật dữ liệu mà chính quyền Mỹ đã nhiều lần nêu ra.

Hiện tại, ByteDance đang thuộc sở hữu khoảng 60% bởi các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu, trong đó có nhiều công ty tài chính lớn của Mỹ như BlackRock, General Atlantic và Susquehanna International Group.

Một số nhóm nhà đầu tư cũng đang xem xét các phương án mua lại TikTok. Tỷ phú Frank McCourt và nhà đầu tư Kevin O’Leary đã đưa ra một đề xuất trị giá hơn 20 tỉ USD để giành quyền sở hữu nền tảng này. Một ý tưởng khác đến từ nhóm nhà đầu tư đề xuất kết hợp TikTok với công ty trí tuệ nhân tạo xAI của Elon Musk, nhằm tận dụng thuật toán hiện có và tích hợp với các công nghệ AI tiên tiến.

Để tránh việc bị bán lại, TikTok cũng đã đề xuất giải pháp lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ trên các máy chủ của Oracle, một dự án được gọi là "Dự án Texas". TikTok đã khởi động sáng kiến này trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Trump với mục tiêu thuyết phục Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ rằng họ có thể giải quyết các lo ngại về an ninh quốc gia mà không cần tách khỏi công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc.

Ban lãnh đạo TikTok tin rằng nếu ông Trump tái đắc cử vào năm 2020, ông sẽ chấp thuận "Dự án Texas" như một giải pháp thay thế cho việc thoái vốn. Tuy nhiên, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp quản, các cuộc đàm phán về kế hoạch này đã không đạt được kết quả và dần đi vào bế tắc.

Đàm phán với Trung Quốc

Số phận của TikTok không chỉ là vấn đề trong nước của Mỹ mà còn là một phần của các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Chính quyền Trump đã lên kế hoạch đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về nhiều vấn đề kinh tế, trong đó TikTok là một trong những chủ đề quan trọng.

Chính phủ Trung Quốc bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận với Mỹ để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đối với TikTok. Một trong những giải pháp được Trung Quốc đề xuất là cho phép một quỹ đầu tư quốc gia của Mỹ nắm giữ một phần cổ phần TikTok, đổi lại việc Mỹ giảm áp lực trong các cuộc đàm phán về thuế quan và thương mại.

Tương lai của TikTok tại Mỹ vẫn đang trong quá trình định đoạt, với nhiều kịch bản đang được xem xét. Vai trò của Tổng thống Trump trong cuộc đàm phán này không chỉ quyết định số phận của nền tảng này mà còn ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Trung.

Mặc dù có nhiều công ty quan tâm đến việc mua lại TikTok, nhưng vẫn chưa có giải pháp rõ ràng được đưa ra. Việc chính phủ Mỹ có thể tham gia kiểm soát một phần ứng dụng, khả năng các tập đoàn công nghệ đầu tư, hay các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc sẽ là yếu tố then chốt quyết định tương lai của ứng dụng này tại Mỹ.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tiktok-truoc-nguong-cua-my-hoa-va-vai-tro-cam-trich-cua-tong-thong-trump-229125.html
Zalo