TikTok đóng cửa tại Mỹ, người dùng chuyển đi đâu?
Lựa chọn của hàng nghìn người dùng khi TikTok sắp đóng cửa là Tiểu Hồng Thư, được mệnh danh là 'Instagram của Trung Quốc'.
Trước khi Tòa án Tối cao Mỹ ra quyết định vẫn cấm TikTok vào cuối tuần này, hàng nghìn người dùng đã "di cư" khỏi nền tảng này và tìm đến Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư), một app mạng xã hội khác của Trung Quốc.
Được biết đến với cái tên “Tiểu Hồng Thư”, Xiaohongshu đã nhanh chóng vươn lên vị trí top 1 trong bảng xếp hạng Apple App Store tại Mỹ, bất chấp rào cản ngôn ngữ và chưa có phiên bản chính thức dành cho người nói tiếng Anh.
“Thà dùng Xiaohongshu còn hơn mạng xã hội của Mark Zuckerberg”
Chỉ trong vài ngày, Xiaohongshu đã thu hút hàng nghìn người dùng mới. Phần lớn là những người tự nhận là "người tị nạn TikTok". Ứng dụng này vốn được xem như "Instagram phiên bản Trung Quốc" với hơn 300 triệu người dùng thường xuyên, chủ yếu tại Trung Quốc.
Ngôn ngữ chính trên ứng dụng là tiếng Trung, nhưng điều đó không ngăn cản làn sóng người dùng Mỹ “di cư”. Họ sử dụng các công cụ dịch thuật để khám phá và xây dựng lại cộng đồng từng có trên TikTok.
Một người dùng chia sẻ trong video đăng ngày 12/1 trên Xiaohongshu: "Tôi thà nhìn một ngôn ngữ mà mình không hiểu còn hơn dùng một nền tảng thuộc sở hữu của Mark Zuckerberg”. Những chia sẻ tương tự nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt thích và bình luận từ cả cộng đồng Trung Quốc lẫn người dùng mới.
Phán quyết của Tòa án Tối cao về luật cấm TikTok có hiệu lực vào ngày 19/1. TikTok sẽ bị buộc phải bán hoạt động tại Mỹ cho một công ty Mỹ hoặc bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng tại đây. Trong tình huống đó, người dùng vẫn có thể giữ TikTok trên thiết bị của mình, nhưng không thể tải xuống hoặc cập nhật ứng dụng.
Một số người dùng dần chuyển sang các nền tảng như Instagram hay YouTube. Nhưng nhiều người lại cố tình chọn các ứng dụng Trung Quốc như Xiaohongshu để phản đối những chính sách họ cho là không công bằng.
Là một người dùng TikTok lâu năm, cây bút Taylor Lorenz của UserMag đã gọi Xiaohongshu là “ứng dụng mạng xã hội hot nhất nước Mỹ hiện nay”. Cô chia sẻ liên kết tài khoản của mình trên nền tảng Bluesky.
Sức hút của Xiaohongshu - “Instagram phiên bản Trung Quốc”
Theo Wired, cộng đồng người dùng Xiaohongshu tại Trung Quốc dường như khá chào đón sự xuất hiện của những “người đến từ TikTok”. Một đoạn video được đăng bởi tài khoản Ryan Martin, một người dùng Mỹ, thu hút hơn 24.000 lượt thích khi anh gửi lời chào đến cộng đồng Trung Quốc trên Xiaohongshu bằng giọng đọc robot.
“Xin chào mọi người, tôi tên là Ryan. Tôi là một đến từ TikTok. Chính phủ Mỹ đang cấm TikTok, vì vậy chúng tôi đang tìm kiếm một nơi thay thế”, trích video. Bình luận bên dưới video đáp lại: “Không sao đâu, các bạn không làm phiền gì cả. Khi các bạn hoạt động, chúng tôi đang ngủ”.
Sarah Fotheringham, một người dùng TikTok từ Utah, cũng chia sẻ rằng trải nghiệm trên Xiaohongshu "thú vị một cách bất ngờ", dù cô phải dựa vào Google Translate. Đối với Sarah, đây là lần đầu tiên cô được nhìn thấy "bên kia của bức tường Trung Quốc".
Không chỉ có video, các phòng chat âm thanh trực tiếp trên Xiaohongshu cũng rất sôi nổi. Người dùng Mỹ và Trung Quốc trao đổi về văn hóa, xã hội và các vấn đề gây hiểu lầm giữa 2 nước. Một phòng chat phổ biến đã thu hút gần 30.000 người nghe.
Được thành lập vào năm 2013 tại Thượng Hải, Xiaohongshu ban đầu là một nền tảng chia sẻ thông tin mua sắm. Nhưng nó đã nhanh chóng mở rộng thành mạng xã hội với hơn 300 triệu người dùng hàng tháng và lợi nhuận hơn 1 tỷ USD vào năm 2024.
Ứng dụng này khác biệt rất nhiều so với TikTok vì tập trung vào ảnh và bài viết hơn là video ngắn. Giao diện dạng lưới được thiết kế theo kiểu “masonry grid” của Xiaohongshu đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nền tảng mạng xã hội khác như Lemon8, một ứng dụng của ByteDance.
Điểm đặc biệt của Xiaohongshu nằm ở việc nó còn là một công cụ hữu ích cho các cộng đồng người Trung Quốc sống ở nước ngoài, du khách và những người quan tâm đến văn hóa Trung Quốc. Ứng dụng này được đánh giá cao nhờ cung cấp các đánh giá đáng tin cậy từ người dùng về mọi thứ, như nhà hàng đến sản phẩm làm đẹp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, Xiaohongshu cũng có thể nằm trong tầm ngắm của Đạo luật bảo vệ người dùng Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ Nước ngoài Kiểm soát. Dù ứng dụng này không được đề cập cụ thể trong luật, các điều khoản chung của đạo luật này cho phép áp dụng đối với bất kỳ nền tảng nào do các công ty từ các “đối thủ nước ngoài” kiểm soát.
Nói cách khác, không có gì đảm bảo rằng Xiaohongshu sẽ không theo chân TikTok, bị chính phủ Mỹ chặn lại, Wired nhận định.