Tiểu thương trên sàn TMĐT: Ai đang bảo vệ họ?

Sự bùng nổ của thương mại điện tử mở ra cơ hội kinh doanh rộng lớn cho hàng trăm ngàn cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ - những 'tiểu thương số' trong nền kinh tế số. Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài sôi động ấy là một thực tế không mấy dễ chịu: tiểu thương đang ngày càng phụ thuộc vào các nền tảng lớn mà không có cơ chế bảo vệ quyền lợi rõ ràng.

Tiểu thương số “lép vế”

Từ đầu năm đến nay, nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn đã đồng loạt áp dụng mức phí mới, tăng 2-3 lần so với trước. Đại diện các sàn TMĐT khẳng định, mức phí này đã được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên tình hình thị trường, nhu cầu của người mua, người bán và nguồn thu này dành cho nâng cấp nền tảng, triển khai giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững cho nhà bán hàng. Dù vậy, đây vẫn là “cú đấm mạnh” với gần 500.000 nhà bán hàng đang hoạt động trên ba sàn TMĐT đang chiếm tới 98,6% thị phần thị trường TMĐT nước ta, theo số liệu của YouNet ECI.

TMĐT đến nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế nước ta. Các nền tảng TMĐT cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và dần trở thành kênh bán hàng hóa, dịch vụ quan trọng của doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2023 cho biết, 61% người dùng Internet cho biết sàn TMĐT là kênh mua sắm trực tuyến ưa chuộng. Năm 2024, doanh số TMĐT bán lẻ đạt 20,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 8% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Cùng với đó, số lượng gian hàng trực tuyến cũng tăng mạnh, với khoảng 650.000 cửa hàng có phát sinh đơn hàng trên các sàn TMĐT.

Các tiểu thương gần như không thể tiếp cận nguồn dữ liệu này, khiến họ bị thiệt thòi trong việc cải thiện sản phẩm, dịch vụ và định hướng kinh doanh. Đáng lo hơn, thói quen mua sắm trực tuyến đã hình thành trên một số nền tảng nhất định, khiến tiểu thương khó có khả năng chuyển đổi sang kênh bán khác khi gặp bất lợi.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người bán trên các sàn TMĐT phần lớn là hộ, cá nhân kinh doanh nhỏ. Sự phát triển mạnh mẽ của các sàn một mặt mở ra cơ hội kinh doanh cho các nhà bán hàng, song họ, đặc biệt là các cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ (tiểu thương) đồng thời đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Khi thị trường TMĐT dần định hình, quyền lực đang tập trung vào một số nền tảng lớn, tạo ra sự mất cân đối đáng kể giữa người bán và sàn. VCCI đã chỉ ra ba yếu tố tạo lợi thế vượt trội cho các nền tảng: hiệu ứng mạng, lợi thế dữ liệu lớn và sự lệ thuộc kênh phân phối.

Cụ thể, các sàn lớn với lượng người dùng khổng lồ càng thu hút thêm nhiều người bán và người mua, củng cố vị thế áp đảo. Đồng thời, họ cũng nắm trong tay nguồn dữ liệu khổng lồ về hành vi tiêu dùng và hiệu quả kinh doanh, giúp tối ưu hóa doanh thu cho chính mình. Ngược lại, các tiểu thương gần như không thể tiếp cận nguồn dữ liệu này, khiến họ bị thiệt thòi trong việc cải thiện sản phẩm, dịch vụ và định hướng kinh doanh. Đáng lo hơn, thói quen mua sắm trực tuyến đã hình thành trên một số nền tảng nhất định, khiến tiểu thương khó có khả năng chuyển đổi sang kênh bán khác khi gặp bất lợi.

Nếu như trước đây, các sàn sẵn sàng hỗ trợ, giảm phí, tăng ưu đãi để thu hút người bán thì nay, khi thị trường đã được thiết lập, sự phụ thuộc của người bán vào nền tảng trở thành vấn đề đáng báo động. Các tiểu thương không chỉ chịu ảnh hưởng từ chính sách thay đổi đột ngột mà còn bị hạn chế quyền tiếp cận dữ liệu, mất khả năng thương lượng, trong khi mọi quyết định về hiển thị sản phẩm, mức phí hoa hồng, chi phí quảng cáo hay thậm chí việc khóa, mở gian hàng đều do nền tảng quyết định, và việc tăng phí vừa qua là một ví dụ điển hình. Nhiều tiểu thương than phiền việc gian hàng bị tạm ngưng mà không có thông báo rõ ràng, điều khoản hợp tác bị thay đổi mà không qua thương lượng. Khi xảy ra tranh chấp, người bán gần như không có cơ chế bảo vệ quyền lợi rõ ràng. Tình trạng này tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu công bằng khi một bên nắm giữ quá nhiều quyền lực, còn bên kia bị động, yếu thế.

Hiện chưa có thống kê chính thức về thực trạng này tại Việt Nam, nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy vấn đề là có thật và đáng lo ngại. Một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu cho biết, có tới 46% doanh nghiệp sử dụng nền tảng trực tuyến từng gặp vấn đề trong quan hệ thương mại với nền tảng, trong đó 21% xảy ra thường xuyên. Các doanh nghiệp có hơn 50% doanh thu đến từ nền tảng càng dễ gặp bất lợi, với tỷ lệ lên tới 75% và 33% cho các trường hợp. Thiệt hại kinh tế theo ước tính từ 2-19,5 tỉ euro mỗi năm.

Bổ sung chính sách bảo vệ quyền lợi của tiểu thương số

Ở nước ta, pháp luật TMĐT hiện chủ yếu tập trung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tương ứng với đó là nghĩa vụ của người bán và nền tảng. Trong khi đó, quyền và lợi ích của một chủ thể quan trọng khác - người bán hàng hóa, dịch vụ - lại chưa được chú trọng đúng mức. Luật Cạnh tranh năm 2020 có thể xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, song thực tế, những hành vi bất lợi mà nền tảng gây ra cho tiểu thương có thể xảy ra ngay cả khi không có thỏa thuận hay vị trí thống lĩnh.

Đây là “khoảng hở” giữa pháp luật hiện hành và thực tiễn TMĐT. Trong khi đó, bản chất của TMĐT ngày nay cho thấy các nền tảng không đơn thuần là trung gian mà đang nắm giữ vai trò chi phối đáng kể. Điều này đòi hỏi một khung pháp lý toàn diện hơn, không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà cả lực lượng tiểu thương - nhóm đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của kinh tế số.

Bộ Công Thương đang đề xuất xây dựng Luật TMĐT với mong muốn dự thảo luật này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10-2025. Đây là cơ hội quan trọng để bổ sung chính sách bảo vệ quyền lợi cho người bán trên nền tảng TMĐT, nhất là nhóm tiểu thương - lực lượng chiếm số lượng đông đảo và đang chịu nhiều rủi ro.

Theo VCCI, chính sách bảo vệ tiểu thương nên tập trung vào việc tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của sàn đối với người bán; đảm bảo quyền tiếp cận dữ liệu kinh doanh, thông tin về chi phí, thuật toán phân phối, và tạo điều kiện để người bán được quyền thương lượng các điều khoản hợp tác. Khi quyền lợi giữa các chủ thể được giữ ở thế cân bằng, tính cạnh tranh trên thị trường TMĐT sẽ được bảo đảm. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh gia nhập, hoạt động trên các sàn, đưa thị trường TMĐT tiếp tục phát triển lành mạnh và bền vững.

Cẩm Hà

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tieu-thuong-tren-san-tmdt-ai-dang-bao-ve-ho/
Zalo