Tiêu thụ sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử
Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết đơn vị sẽ tập trung khai thác các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ những sản phẩm đặc trưng của xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Theo đó, ngành công thương TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn (đã được UBND thành phố đã phê duyệt tháng 4/2024). Trong đó, ngành công thương có nhiệm vụ vận động, tuyên truyền cũng như đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng thương mại điện tử.
Ngành công thương TP. Hồ Chi Minh cũng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch thực hiện Nghị quyết HĐND TP. Hồ Chí Minh về Quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh của các chợ nông thôn, đảm bảo quản lý và hoạt động phù hợp theo quy định.
Tính đến nay, trên địa bàn 5 huyện ngoại thành TP. Hồ Chí Minh có 64 chợ truyền thống, 4 trung tâm thương mại và 54 siêu thị. Hầu hết các chợ trên địa bàn 5 huyện đều được xây dựng lâu đời, hiện nay đã xuống cấp, một số chợ cơ sở vật chất xuống cấp phải tạm ngưng hoạt động để chờ nâng cấp sửa chữa.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, do sự phát triển nhanh của kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… đã ảnh hưởng đến mãi lực chợ, từ đó dẫn đến khó thu hút nhà đầu tư sửa chữa nâng cấp cũng như xây mới chợ. Tuy nhiên, dù không có chợ hạng 2 để phục vụ dân, nhưng tại một số huyện đã hình thành nên các cửa hành tiện ích, cửa hàng bình ổn thị trường để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.
Để xây dựng cơ chế chính sách cho ngành thương mại thành phố, trong đó có các xã nông thôn mới, ngành công thương cũng đã xây dựng các đề án “Phát triển hệ thống chợ tại TP. Hồ Chí Minh thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và hướng tới chuyển đổi số nền kinh tế”, “Sàn giao dịch thịt heo trên địa bàn thành phố”, “Phát triển hệ thống chợ tại TP. Hồ Chí Minh thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và hướng đến chuyển đổi số nền kinh tế”….
Ngành công thương thành phố đã chủ động kết nối các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt như Momo, VNpay… với UBND các huyện để triển khai thực hiện cho hệ thống các chợ trên địa bàn. Hiện nay, nhiều chơ trên địa bàn 5 huyện đã bắt đầu triển khai áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên hình thức thanh toán này chủ yếu đối với các ngành hàng kinh doanh tạp hóa, quần áo, giày dép, ngành hàng ăn uống…
"Song song đó, ngành công thương cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa hướng đến xuất khẩu, tìm đầu ra, mở rộng thị trường cho sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương", lãnh đạo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết.