Tiểu hành tinh mới được dự báo tăng nguy cơ va chạm với Trái đất

Một tiểu hành tinh mới được phát hiện đã thu hút sự chú ý của cộng đồng thiên văn học khi nguy cơ va chạm của nó với Trái đất tăng nhẹ.

Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), tiểu hành tinh này có tên là 2024 YR4, được dự báo có 2,2% khả năng va chạm với hành tinh của chúng ta vào ngày 22/12/2032. Đánh giá rủi ro đã tăng từ 1,2% trong tuần qua do có những quan sát mới.

Các nhà thiên văn học dự đoán tỷ lệ phần trăm sẽ thay đổi khi có nhiều quan sát hơn được chia sẻ. Theo cơ quan này, nếu tiểu hành tinh này đi theo mô hình của các tiểu hành tinh gần Trái đất khác sau khi phát hiện ra chúng, thì khả năng va chạm sẽ tăng lên rồi giảm xuống.

Ví dụ, tiểu hành tinh Apophis từng được coi là một trong những tiểu hành tinh nguy hiểm nhất, có khả năng va chạm với Trái đất sau khi được phát hiện vào năm 2004. Vào năm 2021, các nhà khoa học đã sửa đổi quan điểm đó sau khi phân tích chính xác quỹ đạo của tiểu hành tinh.

Càng quan sát được nhiều tiểu hành tinh 2024 YR4, các nhà thiên văn học càng có thể hiểu rõ hơn về kích thước và quỹ đạo của nó, từ đó xác định được khả năng xảy ra va chạm.

"Về cơ bản, chúng ta càng có nhiều quan sát, chúng ta càng có thể xác định vị trí và xác nhận quỹ đạo của tiểu hành tinh, rất có thể là một đường bay ngang qua chứ không phải va chạm. Do đó, chúng tôi hy vọng dự báo rủi ro có thể giảm dần, từng bước xuống bằng không" - theo bài đăng trên blog mà cơ quan này chia sẻ. Tiểu hành tinh này ước tính rộng từ 131 đến 295 feet (40 và 90 mét).

Tiến sĩ Paul Chodas, giám đốc Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái Đất (CNEOS) tại Phòng thí nghiệm động cơ phản lực của Cơ quan hàng không, vũ trụ Mỹ (NASA) ở Pasadena, California cho biết, tảng đá vũ trụ này có "phạm vi kích thước tương đương với một tòa nhà lớn".

Tiểu hành tinh 2024 YR4

Tiểu hành tinh 2024 YR4

Chodas nói thêm rằng kích thước của tiểu hành tinh, mà các nhà thiên văn học đang cố gắng xác định bằng các quan sát tiếp theo sử dụng nhiều kính viễn vọng, hiện vẫn chưa chắc chắn.

"Nếu tiểu hành tinh này có kích thước lớn hơn kích thước ước tính, thì vụ va chạm có thể gây ra thiệt hại nổ xa tới 50 km (31 dặm) từ vị trí va chạm” – Chodas nhận định.

Các tiểu hành tinh có kích thước này va chạm với Trái đất sau mỗi vài nghìn năm và chúng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các khu vực địa phương, theo ESA.

Theo Hiệp hội hành tinh, năm 1908, một tiểu hành tinh rộng 30 mét đã đâm vào sông Podkamennaya Tunguska trong một khu rừng Siberia xa xôi của Nga. Sự kiện này đã san phẳng cây cối và phá hủy các khu rừng trên diện tích 2.150 km vuông.

Và vào năm 2013, một tiểu hành tinh rộng 20 mét đã xâm nhập vào bầu khí quyển của Trái đất trên bầu trời Chelyabinsk, Nga. Nó phát nổ trên không trung, giải phóng năng lượng lớn hơn từ 20 đến 30 lần so với quả bom nguyên tử đầu tiên, tạo ra độ sáng lớn hơn mặt trời, tỏa ra nhiệt, làm hư hại hơn 7.000 tòa nhà và làm bị thương hơn 1.000 người.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/chuyen-bon-phuong/tieu-hanh-tinh-moi-phat-hien-tang-nguy-co-va-cham-voi-trai-dat_173771.html
Zalo