Tiêu chuẩn kháng chấn đang áp dụng ở các công trình nhà chung cư hiện nay ra sao?
Việc thiết kế công trình chịu động đất theo tiêu chuẩn Việt Nam bảo đảm không bị sụp đổ dựa trên gia tốc nền thiết kế có xác suất vượt 10% trong 50 năm. Công trình có cấu tạo kháng chấn đòi hỏi chi phí xây dựng cao hơn.
Rà soát công tác phòng chống động đất của nhà chung cư
Sau sự cố rung lắc do dư chấn động đất tại Myanmar xảy ra tại TPHCM, Bộ Xây dựng đã yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo chi tiết về tình trạng nứt tường, hư hỏng tại hàng trăm căn hộ chung cư Diamond Riverside (quận 8).
Bộ cũng yêu cầu thành phố rà soát toàn bộ các chung cư trên địa bàn liên quan đến phòng, chống động đất.

Các công trình nhà cao tầng phải tuân thủ tiêu chuẩn Việt Nam về kháng chấn.
Đối với các dự án chung cư không thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, Bộ Xây dựng cho hay, trách nhiệm theo dõi chất lượng công trình thuộc về ban quản trị, cư dân và chính quyền địa phương. Trường hợp có dấu hiệu xuống cấp hay ảnh hưởng bởi thiên tai, các bên cần phối hợp giải quyết, kiểm định chất lượng, có phương án cải tạo, di dời nếu cần thiết.
Đối với những căn nhà chung cư đã hoàn thành kiểm định, đánh giá chất lượng, trường hợp thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, Bộ đề nghị cần đưa vào kế hoạch làm cơ sở triển khai dự án.
Luật Nhà ở 2023 có quy định, dự án nhà chung cư được bảo hành tối thiểu 60 tháng kể từ khi hoàn thành xây dựng, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Đơn vị thi công xây dựng chịu trách nhiệm khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở.
TS Đỗ Thanh Hải, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TPHCM, cho biết việc thiết kế kháng chấn cho tòa nhà cao tầng tại Việt Nam hiện nay tuân thủ theo TCVN 9386:2012 và quy chuẩn QC02:2022 để xác định sự cần thiết của việc tính toán thiết kế kháng chịu động đất.
Ông Hải lý giải, miền Bắc thường có gia tốc nền cao hơn, do đó yêu cầu thiết kế kháng chấn là bắt buộc ở các địa phương theo tiêu chuẩn này. Tiêu chuẩn TCVN 9386:2012 chia giá trị gia tốc nền thành ba ngưỡng: từ 0,08 g trở lên, công trình phải tính toán và cấu tạo kháng chấn; từ 0,04 g đến dưới 0,08 g, chỉ cần áp dụng các giải pháp kháng chấn đã được giảm nhẹ; và dưới 0,04 g thì không cần thiết kế kháng chấn.
Theo bảng phân vùng gia tốc nền theo địa danh hành chính, tại TPHCM chỉ có khu vực TP Thủ Đức có giá trị đỉnh gia tốc nền cao nhất là 0,06 g, trong khi các vùng khác thấp hơn ngưỡng này. Vì vậy, nhìn chung, các công trình tại TP HCM chỉ cần áp dụng các giải pháp kháng chấn đã được giảm nhẹ khi thiết kế là đảm bảo an toàn.
TCVN 9386:2012 được biên soạn dựa trên tiêu chuẩn châu Âu (Eurocode 8) áp dụng cho nhà ở cao tầng tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn này cũng đặt ra bài toán về chi phí, vì sự khác biệt giữa công trình có thiết kế kháng chấn và không có là rất lớn. Công trình có cấu tạo kháng chấn đòi hỏi chi phí xây dựng cao hơn, trong khi xác suất xảy ra động đất mạnh ở khu vực có địa chất ổn định như Việt Nam được đánh giá là khá thấp.
Công trình được thiết kế kháng chấn vẫn có thể rung, nứt tường
Theo TS Đỗ Thanh Hải, dù tiêu chuẩn như vậy nhưng yêu cầu kháng chấn sẽ khác nhau ở mỗi mức độ động đất; khu vực có động đất mạnh sẽ đòi hỏi công trình có khả năng kháng chấn cao hơn. Do đó, việc thiết kế kháng chấn cho công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm quy mô, mức độ quan trọng và vị trí địa lý.
Tuy nhiên phải xác định, việc thiết kế công trình chịu động đất theo tiêu chuẩn Việt Nam bảo đảm không bị sụp đổ dựa trên gia tốc nền thiết kế có xác suất vượt 10% trong 50 năm. Tuy nhiên, công trình vẫn có thể bị hư hỏng như nứt tường, bong nền nếu gia tốc nền vượt quá giá trị thiết kế và điều này là bình thường.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (nay là Viện Các Khoa học Trái đất), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, năm 2009, các nhà khoa học thực hiện bản đồ phân vùng rủi ro động đất của TPHCM.
Kết quả cho thấy, nền địa chất khu vực này yếu và rất phức tạp. Trong quá trình phát triển của thành phố, các khu vực mở rộng sau này có nền địa chất yếu hơn, nhiều nơi từng là các bãi đầm lầy với nền địa chất rất yếu, nhất là khu vực phía nam và đông nam của thành phố.
PGS.TS Cao Đình Triều cho rằng, nền địa chất yếu, kết hợp với việc gia cố nền móng chưa đảm bảo tiêu chuẩn có thể khiến các công trình xây dựng bị ảnh hưởng sau khi rung chấn xảy ra.
PGS Cao Đình Triều chia sẻ thêm, TPHCM là nơi có đứt gãy sông Sài Gòn hoạt động với cường độ yếu. Động đất mạnh nhất ở đây ít khả năng vượt quá 5 độ. Tuy nhiên, dọc đới đứt gãy này, nền địa chất khá yếu. Vì vậy, các công trình xây dựng cần phải hết sức chú ý đến kết cấu nền móng.
Theo tài liệu từ Viện Vật lý địa cầu (Nay là Viện Các khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam): Trong suốt lịch sử từ năm 114 đến năm 2003, Việt Nam đã ghi nhận 1.645 trận động đất có cường độ từ 3 độ Richter trở lên. Đáng chú ý, các trận động đất đạt cấp 7 và cấp 8 đã xảy ra ở nhiều khu vực như Bắc Đồng Hới, Hà Nội, Yên Định – Vĩnh Lộc – Nho Quan và Nghệ An. Một số sự kiện thậm chí có niên đại hàng trăm năm trước, như các trận động đất cấp 8 tại Hà Nội diễn ra vào các năm 1277, 1278 và 1285, sau đó các trận động đất mạnh tiếp diễn ở các khu vực khác như Phan Thiết vào cuối thế kỷ XIX. Những sự kiện này không chỉ chứng tỏ sức mạnh tự nhiên mà còn là lời cảnh tỉnh về khả năng tái diễn của các hiện tượng địa chấn trong tương lai.
Mặc dù Hà Nội và TPHCM hiện tại đang trải qua giai đoạn tương đối yên tĩnh về mặt địa chấn, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng, Thủ đô Hà Nội, nằm trên vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy, có nguy cơ xảy ra động đất trong tương lai. Các nghiên cứu ước tính chu kỳ lặp lại của các trận động đất mạnh khoảng 5,4 độ Richter là khoảng 1.100 năm, trong khi trận động đất mạnh cuối cùng tại Hà Nội được ghi nhận từ hơn 700 năm trước, vào năm 1285. Ngoài ra, Thủ đô còn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các trận động đất mạnh xảy ra tại các khu vực đứt gãy lân cận như sông Lô, Đông Triều và Sơn La.