Tiếp tục xảy ra lừa đảo dùng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh 'nhạy cảm' để tống tiền

Tòa soạn Báo Công an TPHCM vừa nhận được nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc là nạn nhân của những vụ lừa đảo, tống tiền. Thủ đoạn của đối tượng là cắt ghép hình ảnh cá nhân người dân vào các hình ảnh được cắt ra từ các video, clip, hình ảnh có nội dung 'nhạy cảm' để đe dọa, tống tiền...

Nạn nhân chủ yếu là nam giới

Mới đây, khi gửi những hình ảnh chụp màn hình bị hù dọa tống tiền đến Tòa soạn Báo Công an TPHCM, nạn nhân cho biết: "Chúng lúc đầu rất lịch sự, xưng anh, tôi và nói thẳng là anh cần bình yên, uy tín và danh dự. Tôi cần tiền, phải chuyển một tỷ đồng... nếu không những hình ảnh nhạy cảm của anh sẽ được đăng trên mạng xã hội, gửi đến mọi người". Nạn nhân không trả lời thì các đối tượng gửi qua điện thoại hàng loạt hình ảnh "nhạy cảm" đã được cắt ghép của nạn nhân cùng lời lẽ "chợ búa" để đe dọa.

Để đối phó với tình trạng này, nạn nhân hết sức bình tĩnh, tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo theo kiểu đe dọa bằng hình ảnh, video, clip "nhạy cảm". Theo Công an TPHCM, mặc dù đã cảnh báo rất nhiều nhưng qua công tác tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của người dân, đơn vị tiếp tục phát hiện các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, tống tiền nhằm vào những người có địa vị xã hội, điều kiện kinh tế... Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là cắt ghép hình ảnh cá nhân người dân vào các hình ảnh được cắt ra từ các video, clip, hình ảnh có nội dung "nhạy cảm" rồi tống tiền, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chỉ định và chiếm đoạt.

Sử dụng Deepfake ghép ảnh, tống tiền

Sử dụng Deepfake ghép ảnh, tống tiền

Cũng qua phân tích những thủ đoạn và hành vi của các đối tượng lừa đảo, cho thấy các đối tượng sử dụng công nghệ cao để tìm kiếm thông tin, hình ảnh, số điện thoại của nạn nhân (chủ yếu là nam giới, có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội) từ nhiều nguồn khác nhau, phổ biến là hình ảnh, thông tin đăng tải trên các trang mạng xã hội hoặc tài khoản mạng xã hội của nạn nhân rồi tiến hành cắt ghép hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân vào các hình ảnh được cắt ra từ các clip có nội dung "nhạy cảm" ở các nhà nghỉ, khách sạn...

Sau đó, đối tượng giả danh như là thám tử tư gọi điện thoại, nhắn tin thông báo nạn nhân về việc đối tượng phát hiện nạn nhân có mối quan hệ bất chính với những người phụ nữ khác; đồng thời gửi cho nạn nhân các hình ảnh "nhạy cảm" đã được chỉnh sửa, cắt ghép với khuôn mặt của nạn nhân yêu cầu phải chuyển một khoản tiền để không bị đăng lên mạng xã hội, gửi tới các nơi làm việc, bạn bè, gia đình và cho chuộc lại các video, clip và hình ảnh "nhạy cảm" hoặc xóa bỏ.

Trường hợp nạn nhân bị "sập bẫy", các đối tượng sẽ hướng dẫn mua tiền điện tử, hay chuyển tiền đến các tài khoản ví điện tử theo chỉ định, sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Thủ đoạn cắt ghép clip "nhạy cảm"

Thủ đoạn cắt ghép clip "nhạy cảm"

Cơ quan chức năng khuyến cáo

Hiện Công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, truy xét, xác minh làm rõ hành vi của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Để tránh trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên, Công an TPHCM khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, cập nhật nội dung tuyên truyền từ báo chí, trang thông tin chính thống về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo.

Bảo mật thông tin cá nhân, cần chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trong quá trình tham gia các hoạt động trên môi trường mạng, không chia sẻ thông tin cá nhân, hình thẻ căn cước, bảo hiểm y tế, giấy đăng ký xe hoặc các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân của mình và người khác lên mạng xã hội...

Bên cạnh đó, Công an TPHCM khuyến cáo, mọi người tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn (link) website lạ, không rõ nguồn gốc (có thể được gửi kèm trong tin nhắn hoặc email). Chỉ cài đặt các ứng dụng trực tuyến từ nguồn chính thức của hệ điều hành điện thoại (như Appstore của IOS hay CH Play của Android). Luôn ý thức bảo vệ tài khoản mạng xã hội, tài khoản cá nhân, địa chỉ cơ quan, nơi ở, nơi làm việc... đặc biệt là những hình ảnh "nhạy cảm" có thể bị lợi dụng để cắt ghép.

Cần phải xác thực thông tin khi gặp tình huống nhận được yêu cầu thực hiện các hoạt động liên quan các loại tài khoản hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại dùng để đăng ký tài khoản và yêu cầu chuyển khoản... hoặc khi thực hiện các giao dịch qua điện thoại thì phải hết sức cảnh giác, lưu ý kiểm tra kỹ tất cả các thông tin liên quan hoặc tham khảo ý kiến người thân, bạn bè trước khi thực hiện việc giao dịch. Luôn kiểm tra kỹ nguồn gốc thông tin trước khi chia sẻ hoặc tương tác, luôn cẩn trọng khi tiếp nhận thư từ, các cuộc gọi, tin nhắn nguồn gốc không rõ ràng.

Trường hợp bị lừa đảo hoặc nghi vấn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần trình báo, cung cấp thông tin đến cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý, như trình báo đến Công an phường, xã, thị trấn, Công an quận, huyện, TP.Thủ Đức, hoặc liên hệ trực ban Công an TPHCM, trực ban Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM để cung cấp thông tin, để kịp thời điều tra, xử lý. Công an TPHCM cũng khuyến cáo, người dân khi gặp các trường hợp này phải nâng cao tinh thần cảnh giác với phương châm "Không hoảng sợ - Không làm theo yêu cầu chuyển tiền của đối tượng".

Cắt ghép hình ảnh, khuôn mặt vào những clip "nhạy cảm" là một hình thức lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake AI - công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tạo các sản phẩm âm thanh, hình ảnh, video clip làm giả đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao. Những hình ảnh, clip video "nhạy cảm" được tạo ra bằng "Deepfake" có thể gây ảnh hưởng lớn tới uy tín và cuộc sống của nạn nhân.

VĂN TOÀN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/dung-cong-nghe-cao-cat-ghep-hinh-anh-nhay-cam-de-tong-tien_171825.html
Zalo