Tiếp tục tôn vinh những 'sứ giả' Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ

Dù lần đầu tiên Việt Nam cử lực lượng của cả Quân đội và Công an trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa ở nước ngoài nhưng hai đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo hình ảnh đẹp, lan tỏa sâu rộng đến nhân dân cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Bằng khen tặng tập thể và cá nhân của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có thành tích xuất sắc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Bằng khen tặng tập thể và cá nhân của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có thành tích xuất sắc.

Những ký ức không thể nào quên

Tại buổi gặp mặt Đoàn công tác Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ chiều 17/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Bằng khen tặng 9 tập thể và 12 cá nhân của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có thành tích xuất sắc trong tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tham gia tìm kiếm, cứu nạn (TKCN), cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam cử một lực lượng lớn gồm 76 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Quốc phòng và 24 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an hỗ trợ.

Ngày 14/2/2023, Đoàn cứu hộ cứu nạn Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam bắt đầu thực hiện nhiệm vụ ở tỉnh Hatay. Trong đợt TKCN đó, các rung chấn nhiều lần diễn ra. Đặc biệt, tối 20/2, khi đoàn đang ăn cơm, có hai trận động đất mạnh lần lượt là 6,4 và 5,8 độ Richter đã xảy ra ở vùng Defne và Samandag, đều thuộc tỉnh Hatay, cách Antakya - nơi Đoàn Việt Nam đang làm nhiệm vụ chỉ chưa đầy 30km.

Hai trận động đất đã khiến 6 người thiệt mạng và gần 300 người bị thương, phá hủy các tòa nhà đang nghiêng, nứt bởi những trận động đất trước đó. Đèn đường và điện lưới tắt phụt sau động đất. Trong đêm tối, anh em bộ đội đang cầm bát cơm đều ngã nhào xuống đất. Hai người trong tổ hậu cần đang đun nước sôi thì bị đổ xoong làm bỏng chân. Trên nền bê tông nơi đoàn dựng lều dã chiến mới xuất hiện vài vết nứt dài. Một số lều xiêu vẹo. May mắn là lực lượng QĐND Việt Nam không ai bị thương nặng.

Khoảng 10 phút sau, đại diện cơ quan điều phối tình trạng khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) tới tận nơi hỏi đoàn có thể xuất phát đi thực hiện nhiệm vụ trong đêm được không. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Trưởng đoàn trả lời đoàn luôn sẵn sàng. Sau cả ngày làm việc vất vả, những người lính có những đêm không ngủ vì tiếp tục làm nhiệm vụ hay vì những cơn sang chấn tiếp tục diễn ra cứ 30 phút một lần.

Phóng viên Văn Hiếu, Báo Quân đội nhân dân nhớ lại, ngay ngày 14/2/2023, ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ, bộ đội công binh và chó nghiệp vụ đã tìm được 3 vị trí có nạn nhân, trong đó điểm đầu tiên là tòa nhà bị sập nằm ở đầu đường Rustem Tumer Pasa.

Trận động đất đã làm tòa nhà này sập 3 tầng đầu tiên, trụ bê tông nát vụn, nhìn bên ngoài như chiếc bánh kẹp, trong khi 3 tầng trên cùng bị nghiêng hẳn sang một bên. Sau khi đánh giá tình hình, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ ra lệnh cho Đội sử dụng chó nghiệp vụ tiến vào.

Để tiếp cận gần hơn tới các vị trí nghi có nạn nhân, các huấn luyện viên nằm rạp xuống nền đất, bò từ từ vào phía trong rồi ra tín hiệu cho chó vào. Chỉ chưa đầy ba phút sau, chú chó Pokka cào, kêu liên tục, báo cho huấn luyện viên đã phát hiện một vị trí khả nghi nằm ở khe hở góc phải ngoài cùng, giữa nền đất đá đổ nát và trần tầng 1 của tòa nhà.

Nhằm thêm phần chắc chắn, đội kiểm tra chéo kết quả với những chú chó khác. Sau đó, bộ đội công binh cũng chui xuống, dùng tay vét đất đá để dễ dàng đưa máy dò quan sát sâu bên trong. Màn hình xuất hiện một cánh tay. Như vậy là vị trí nghi có nạn nhân đã chính xác.

Toàn bộ 31 điểm mà đoàn trinh sát, tìm kiếm trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ đều có hiện trường tương tự và phương pháp triển khai lực lượng như vậy. Nhờ được trang bị cả các thiết bị dò tìm đặc chủng công binh lẫn chó nghiệp vụ, lực lượng QĐND Việt Nam luôn là một trong số những đội cứu hộ luồn sâu, tiếp cận nhiều vị trí hẹp và hiểm nguy nhất để xác định vị trí nạn nhân mắc kẹt.

Biểu hiện sinh động cho chính sách đối ngoại ưu việt

Trong thời gian ngắn, các đoàn công tác đã chạy đua với thời gian, kịp thời xác định nhiều điểm có người bị nạn, bàn giao cho chính quyền và lực lượng chức năng nước sở tại xử lý, cứu được một người sống sót, phối hợp tìm kiếm được nhiều thi thể; đồng thời hỗ trợ nhân dân địa phương chuyển nơi ở mới và trao một số hàng hóa trang bị như: Trang thiết bị, thuốc y tế, lều bạt, giường xếp, túi ngủ, chăn bông, ủng, giày, nước lọc, lương khô cùng một số loại thực phẩm khác…

Đại tướng Phan Văn Giang trao quà của Thủ tướng Chính phủ tặng lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại tướng Phan Văn Giang trao quà của Thủ tướng Chính phủ tặng lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Các đoàn công tác cũng kịp thời thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, mất mát do động đất; khám, sơ cứu và cấp thuốc cho nhân dân địa phương bị thảm họa và một số nhân viên cứu hộ của các nước bị tai nạn trong khi tác nghiệp…

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết, Đoàn đã rút ra nhiều vấn đề trong công tác tham mưu, tổ chức điều hành, tổ chức huấn luyện đào tạo bổ sung về mặt lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong đối phó các loại hình sự cố do thiên tai, thảm họa gây ra, trong hợp tác quốc tế, trong ứng phó với các loại hình sự cố trong tương lai.

Phát biểu tại buổi gặp mặt Đoàn công tác Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Việc tham gia TKCN, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ góp phần chia sẻ sức lực của người Việt Nam đối với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, là một biểu hiện sinh động cho chính sách đối ngoại ưu việt, tinh thần đoàn kết quốc tế của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta, khẳng định uy tín, năng lực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế, luôn sẵn sàng chung tay giải quyết có trách nhiệm các vấn đề khó khăn và duy trì môi trường ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đánh giá rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ; đồng thời nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm từ các nước cùng tham gia hỗ trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ để chọn lọc nội dung phù hợp, bổ sung vào chương trình huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; góp phần nâng cao hơn nữa trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Lam Hạnh - Quang Thiện

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tiep-tuc-ton-vinh-nhung-su-gia-viet-nam-tai-tho-nhi-ky-post469856.html
Zalo