Tiếp tục quan tâm đến sức khỏe doanh nghiệp

Thảo luận ở tổ trong sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong 9 tháng qua, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng hơn 21% so với cùng kỳ, đây là vấn đề lớn của nền kinh tế cần có giải pháp tháo gỡ.

Trong 9 tháng, có 163.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 21,5%. Bình quân một tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023. Điều này chứng tỏ khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng: "Nền kinh tế nước ta đang lệ thuộc khá lớn, tính tự chủ cũng đang rất là có vấn đề, đặc biệt là tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu. Nếu chúng ta muốn có phục hồi bền vững không lệ thuộc nước ngoài thì chắc chắn cần phải có một giải pháp để tăng năng lực cho các doanh nghiệp Nhà nước. Việc tăng năng lực thu nhập trong nước thì chắc chúng ta sẽ khó tăng cho cả hệ thống 94% số doanh nghiệp, do vậy phải tập trung vào những doanh nghiệp thực sự trụ cột đầu mối trong nước để tạo ra cái trụ đỡ".

Nhìn nhận dưới góc độ tài chính ngân hàng, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động lớn cũng phát sinh các vấn đề liên quan đến nợ xấu của ngân hàng. Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, nợ xấu có xu hướng tăng. Tính đến cuối tháng 8/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,7%.

Ông Phạm Đức Ấn - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phân tích: "Hệ thống ngân hàng đi lên, so với 2 năm trước và so với cả năm trước thì nó cũng đang đi lên. Điều này chứng tỏ, doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ lao động thất nghiệp, nhất là lứa tuổi thanh niên 15 - 24 tuổi là gần 8% lao động, trong đó, số lượng qua đào tạo, cấp bằng chứng chỉ chỉ có 28%. Điều này chứng tỏ là nguồn chất lượng về lao động là thách thức lớn".

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp ổn định thị trường bất động sản nhằm ngăn tình trạng đầu cơ, thổi giá cũng như tháo gỡ những vướng mắc về nhà ở chung cư để người dân có thể tiếp cận.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm và tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ doanh, trong đó có các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua.

Đỗ Bắc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tiep-tuc-quan-tam-den-suc-khoe-doanh-nghiep-275662.htm
Zalo