Tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng và nhà cổ gắn với phát triển du lịch

Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai Đề án phát huy giá trị đình làng tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là Đề án) bước đầu có hiệu quả. Đề án góp phần bảo tồn, giữ gìn một loại hình di sản kiến trúc - nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh, là cơ sở nền tảng quan trọng góp phần phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho người dân Đất Sen hồng. Đặc biệt, qua thực hiện Đề án phát huy tốt 3 chức năng chính của đình làng (tín ngưỡng dân gian, hành chính, sinh hoạt văn hóa) nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương, nhất là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian.

Đình Long Khánh tọa lạc xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2009

Đình Long Khánh tọa lạc xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2009

Đồng chí Đặng Thị Yến Trinh - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hồng Ngự, cho biết: “Huyện Hồng Ngự chú trọng triển khai quảng bá hình ảnh địa phương gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Đồng thời thường xuyên trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang các Di tích cấp Quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn như: Đình Long Khánh (xã Long Khánh A), Đình Long Thuận (xã Long Thuận)... để kết nối các ngôi đình có giá trị tiêu biểu về kiến trúc - nghệ thuật, lịch sử vào các tour, tuyến du lịch nói riêng, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp và Đề án tạo dựng hình ảnh của tỉnh trên địa bàn huyện nói chung”.

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1230 ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng và nhà cổ kết hợp với phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2024 - 2025. Mục tiêu của kế hoạch khẳng định đình làng và nhà cổ là một di sản quý giá, mang giá trị văn hóa - lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và giá trị sử dụng, không chỉ góp phần gìn giữ hình ảnh cổ kính mà còn là những minh chứng sống động của lịch sử, của nguồn cội mỗi người dân Đồng Tháp. Cùng với đó, đầu tư tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Kết quả thống kê của ngành chức tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 96 ngôi đình làng và 76 ngôi nhà cổ, là di sản chứa đựng nhiều giá trị về kiến trúc, lịch sử - văn hóa. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, các ngôi đình, nhà cổ trở thành một trong những nơi gieo mầm, hình thành nên “văn hóa làng, xã” - cái nôi của văn hóa truyền thống Nam bộ nói chung, Đồng Tháp nói riêng vô cùng đặc sắc. Những yếu tố về nghệ thuật, cảnh quan, môi trường; văn hóa, tâm linh, kiến trúc, điêu khắc của di sản văn hóa đình làng - nhà cổ vẫn còn nguyên giá trị, có vai trò rất quan trọng đối với đời sống cộng đồng hôm nay và thế hệ mai sau.

Theo kế hoạch phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng và nhà cổ kết hợp với phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2024 - 2025, các sở, ngành, địa phương phối hợp đầu tư tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị 42 ngôi đình làng được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh tiêu biểu về giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật như: Đình Long Khánh, Đình Vĩnh Phước, Đình Bình Hàng Trung... Bên cạnh đó, đầu tư tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị 44 ngôi nhà cổ được xếp di tích Quốc gia, cấp tỉnh trong danh mục kiểm kê di tích và ngoài danh mục kiểm kê - niên đại ít nhất từ 80 năm tuổi, có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật.

Ngoài ra, thực hiện số hóa thông tin, chuẩn hóa hệ dữ liệu di sản văn hóa đình làng và nhà cổ tiêu biểu bằng những bài thuyết minh, câu chuyện mang đậm nét văn hóa truyền thống bản địa, tạo ra sản phẩm riêng đưa vào phục vụ các tour, tuyến góp phần phát triển du lịch. Tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn, nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh hướng dẫn tại các điểm tham quan di tích, trong đó ưu tiên các đình làng và nhà cổ tiêu biểu, điểm di tích đang được tạo điều kiện phục vụ du lịch và có tiềm năng khai thác du lịch trên địa bàn.

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khu Di tích, điểm tham quan trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân và khách du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các khu, điểm du lịch trên địa bàn đón gần 2,6 triệu lượt khách (tăng khoảng 22,42%). Trong đó, có hơn 24.200 lượt khách quốc tế (tăng khoảng 245%) so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu du lịch ước đạt khoảng 1.250 tỷ đồng (tăng 22%) so với cùng kỳ năm 2023...

DŨNG CHINH

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/van-hoa/tiep-tuc-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-dinh-lang-va-nha-co-gan-voi-phat-trien-du-lich-124409.aspx
Zalo